Sẵn sàng các giải pháp nhằm giảm thiểu rủi ro thiên tai tại duyên hải Miền Trung

Thứ ba, 23/11/2021 14:45
(ĐCSVN) - Duyên hải Miền Trung là nơi chịu ảnh hưởng của hầu hết các loại thiên tai thường xảy ra ở Việt Nam nhưng với tần suất cao hơn và mức độ mạnh hơn như: bão, lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ quét, sạt lở đất, lốc tố, dông sét,... Trong đó, phổ biến nhất là bão, lũ, lũ quét, hạn hán và sạt lở đất.
 Ảnh minh họa (Nguồn: ĐT)

Cụ thể, đối với bão và áp thấp nhiệt đới, bão, áp thấp nhiệt đới đổ bộ nhiều nhất vào tháng 9-11 (chiếm 70%), ảnh hưởng sớm nhất vào cuối tháng 3, muộn nhất là tháng 1 năm sau. Với mưa, lũ, mùa lũ thường bắt đầu từ tháng 8 và kết thúc vào tháng 12, muộn dần từ Bắc vào Nam. Qua các trận lũ năm 1996,1998, 1999, 2003, 2007, 2009, 2010, 2013, 2016, 2017 cho thấy mức độ ngập lụt ngày càng tăng, độ sâu ngập lụt tăng mạnh, có nơi ngập sâu tới 4-5m, trong nhiều ngày, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống.

Về hạn hán, xâm nhập mặn, đây là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của hạn hán, đặc biệt là từ năm 2014 đến nay. Ngoài ra, sạt lở đất, sạt lở bờ sông, bờ biển là một trong những loại hình thiên tai xuất hiện ở vùng này. Tùy mức độ khác nhau, sạt lở bờ sông, bờ biển đã và đang ảnh hưởng trực tiếp tới các hoạt động kinh tế, sản xuất và đời sống xã hội,…

Trước tình hình trên, Chiến lược quốc gia về phòng, chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã nêu rõ các giải pháp để nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai tại vùng. Cụ thể, chủ động phòng, tránh, thích nghi với thiên tai, trọng tâm là chủ động phòng, chống bão, lũ, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất và sạt lở bờ sông, bờ biển. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng dự báo thiên tai, đặc biệt là dự báo sớm để chủ động ứng phó, nhất là đối với bão, mưa, lũ, ngập lụt, hạn hán. Xây dựng, củng cố hệ thống cảnh báo đa thiên tai, theo dõi và giám sát mưa, lũ, sạt lở đất, ngập lụt kết hợp với hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, trong đó ưu tiên hệ thống quan trắc kết hợp cảnh báo mưa,…

Hướng dẫn xây dựng nhà ở, công trình kết hợp sơ tán dân đảm bảo an toàn trước thiên tai, nhất là bão, lũ, ngập lụt; thực hiện chính sách hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách xây dựng nhà ở phòng tránh bão, lụt.

Bên cạnh đó, củng cố, nâng cấp bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước, đê biển, đê cửa sông, công trình thuỷ lợi, phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Vận hành hiệu quả hồ chứa nước đảm bảo an toàn công trình, vùng hạ du, đồng thời phục vụ phòng, chống lũ, hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là các hồ Tả Trạch, Định Bình, Ba Hạ,…

Đi cùng với đó, phân vùng rủi ro, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, nhất là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất chi tiết đến cấp xã, cập nhật bản đồ ngập lụt hạ du các hồ chứa ứng với các kịch bản xả lũ và vỡ đập, bản đồ ngập lụt do bão mạnh, siêu bão, bản đồ ngập lụt các lưu vực sông; xây dựng công trình phòng, chống lũ quét, sạt lở đất tại các khu vực trọng điểm, xung yếu. Chủ động di dời dân cư sinh sống tại khu vực ven sông, suối, sườn đồi núi, ven biển có nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở, khu vực thấp trũng bị ngập sâu. Tổ chức xây dựng, rà soát, diễn tập, triển khai phương án phòng chống thiên tai, đặc biệt là sơ tán dân cư khẩn cấp và khắc phục hậu quả khi xảy ra tình huống nguy hiểm tại những khu vực chưa thể di dời theo phương châm 4 tại chỗ.

Ngoài ra, quản lý chặt chẽ việc xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng, nhất là khu dân cư, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng ven sông, ven biển, công trình giao thông; khắc phục tình trạng xây dựng nhà ở, công trình tại khu vực nguy cơ sạt lở, cản trở dòng chảy, lấn chiếm lòng sông, suối, bạt sườn dốc để xây dựng công trình, nhà ở làm gia tăng rủi ro thiên tai. Tăng cường quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao chất lượng rừng, nhất là rừng tự nhiên, rừng ngập mặn cửa sông, ven biển, phòng hộ đầu nguồn,…/.

Phương Khánh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực