Thỏa thuận Xanh của EU và tác động tới Chiến lược tăng trưởng của Việt Nam

Thứ sáu, 29/04/2022 08:26
(ĐCSVN) – Những cải cách chính sách này sẽ giúp đảm bảo định giá carbon hiệu quả trong toàn bộ nền kinh tế. Điều này sẽ khuyến khích những thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời tạo điều kiện gia tăng đầu tư công và tư bền vững.
 Tăng trưởng xanh sẽ là xu thế tất yếu (Ảnh: PV)

Vừa qua, tại TP Hạ Long, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) tại Việt Nam đã tổ chức buổi hội thảo truyền thông về Thỏa thuận Xanh của EU và tác động của nó tới chiến lược tăng trưởng của Việt Nam.

Hơn 50 nhà báo và đại diện đã tham dự Hội thảo Truyền thông kéo dài hai ngày có tên “Liệu Thỏa thuận Xanh Châu Âu có thể xây dựng Động lực cho Chiến lược Tăng trưởng Xanh của Việt Nam không”. Các diễn giả gồm Đại sứ Giorgio Aliberti, Trưởng Phái đoàn EU tại Việt Nam; ông Rainer Emschermann, Cán bộ Quan hệ Quốc tế của Tổng cục Hành động Khí hậu (DG CLIMA), Ủy ban Châu Âu; Tiến sĩ Fabian M. Kreuzer, Cán bộ Quan hệ Quốc tế của Tổng cục Năng lượng (DG ENER), Ủy ban Châu Âu; ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch EuroCham, Chủ tịch Ủy ban Lĩnh vực Tăng trưởng Xanh; bà Nguyễn Phương Mai, Phó Chánh Văn phòng Cục điện lực và Năng lượng tái tạo (EREA), Bộ Công Thương.

 Báo động ô nhiễm nặng nề (Ảnh: PV)

Thỏa thuận Xanh của Liên minh Châu Âu, được phê duyệt vào năm 2020, là một bộ chính sách tái thiết lập cam kết của Ủy ban Châu Âu trong việc giải quyết các thách thức liên quan đến khí hậu và môi trường, vốn là nhiệm vụ được xác định của thế hệ này. Đây là một chiến lược tăng trưởng mới nhằm mục đích biến EU thành một xã hội công bằng và thịnh vượng, với một nền kinh tế hiện đại, khai thác và sử dụng tài nguyên hiệu quả và cạnh tranh, nơi không phát thải ròng khí nhà kính vào năm 2050 và nơi tăng trưởng kinh tế mà không phụ thuộc vào việc sử dụng tài nguyên. Thỏa thuận Xanh cũng nhằm mục đích bảo vệ, bảo tồn và nâng cao nguồn vốn tự nhiên của EU, đồng thời bảo vệ sức khỏe và hạnh phúc của công dân khỏi những rủi ro và tác động liên quan đến môi trường.

Đồng thời, quá trình chuyển đổi này phải công bằng và toàn diện. Nó phải đặt tiêu chí con người lên hàng đầu, và chú ý đến các khu vực, ngành công nghiệp và người lao động, những người sẽ đối mặt với những thách thức lớn nhất. Bởi nó sẽ mang lại thay đổi đáng kể, nên sự tham gia tích cực của cộng đồng và niềm tin vào quá trình chuyển đổi là điều tối quan trọng nếu các chính sách được áp dụng và được chấp nhận. Cần có một hiệp ước mới để gắn kết các công dân ở tất cả tầng lớp, với sự hợp tác chặt chẽ của các chính quyền quốc gia, khu vực, địa phương, xã hội và ngành công nghiệp với các tổ chức và cơ quan tham vấn của EU. EU có khả năng gắn kết để chuyển đổi nền kinh tế và xã hội của mình nhằm đưa Liên minh đi theo con đường bền vững hơn. EU có thể xây dựng dựa trên thế mạnh của mình với tư cách là nhà lãnh đạo toàn cầu về các biện pháp khí hậu và môi trường, bảo vệ người tiêu dùng và quyền của người lao động.

Minh Khang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực