Ứng phó kịp thời với “thách thức kép” vừa thiên tai vừa dịch bệnh COVID-19

Thứ hai, 22/11/2021 16:37
(ĐCSVN) – Bối cảnh xã hội hiện tại trong tình huống xảy ra “thảm họa kép” cả thiên tai và dịch bệnh cho thấy cần vừa phải thực hiện tốt việc phòng, chống dịch COVID-19 vừa nêu cao tính chủ động trong ứng phó với thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Cùng nhau hợp tác vượt qua thách thức kép chính là chìa khóa  và xu hướng hiện đại

ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Ảnh: PV) 

Đánh giá về “thách thức kép” vừa thiên tai vừa dịch bệnh, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho rằng: Xu hướng vận động của xã hội hiện đại cho thấy, cùng nhau hợp tác vượt qua thách thức kép, chính là chìa khóa, giúp các quốc gia vượt qua được dịch bệnh nhằm khôi phục kinh tế, tăng cường sức chống chịu trước thiên tai. Đơn cử như tại nước ta, thời gian qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thực hiện chủ trương thúc đẩy ngoại giao vaccine nhằm đảm bảo tăng tỷ lệ tiêm vaccine cho mọi người dân trong thời gian sớm nhất. Trong đợt mưa lũ lịch sử miền Trung vào tháng 10/2020, chỉ sau 1 thời gian ngắn kêu gọi, con số hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước cho đồng bào miền Trung đã lên đến hơn 25 triệu USD. Ngoài sự hợp tác trực tiếp như viện trợ, hỗ trợ các nguồn lực, các tổ chức đối tác trong phòng, chống thiên tai đã hợp tác với phía Việt Nam để chuyển giao kỹ thuật, khoa học và công nghệ, hợp tác trao đổi thông tin, đổi mới trong quản trị rủi ro thiên tai, thảm họa để các quốc gia đang phát triển tăng cường khả năng chống chịu trước cả thiên tai và dịch bệnh.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tiến, thiên tai diễn ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 phức tạp cũng đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ hơn giữa chính quyền và người dân. Hiện tại, Việt Nam đang ở thời kỳ mưa lũ chính vụ ở khu vực miền Trung và diễn biến khí hậu phức tạp ở miền Nam và miền Bắc. Thêm vào đó, tình hình dịch bệnh vẫn đang phức tạp, khó kiểm soát. Hầu hết các địa phương đã, đang tập trung mọi nguồn lực (lực lượng, phương tiện, trang thiết bị...) và sử dụng phần lớn dự phòng ngân sách, các nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nên chưa có điều kiện triển khai nhiều hoạt động phòng, chống thiên tai trong tình hình mới, trong khi mùa mưa bão, đã, đang xảy ra. Đây là thách thức lớn cho công tác phòng, chống thiên tai.

Trong bối cảnh như vậy, công tác chỉ đạo và triển khai ứng phó vượt qua thách thức kép của thiên tai và dịch bệnh đã được thực hiện tốt trong thời gian vừa qua. Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã chỉ đạo các địa phương rà soát, chủ động phương án sẵn sàng đảm bảo an toàn phòng, chống thiên tai trong điều kiện dịch bệnh COVID-19. Về cơ bản, 63 tỉnh, thành phố đều đã rà soát, cập nhật số liệu phương án ứng phó thiên tai. Thêm nữa, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo, sổ tay hướng dẫn công tác phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tới các cấp chính quyền và người dân; phối hợp với Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế tổ chức 2 khóa tập huấn dành cho cấp tỉnh với 2.100 cán bộ tham dự tại 204 điểm cầu; tập huấn dành cho cấp huyện, xã với 18.000 cán bộ, tại 1.000 điểm cầu; nâng cao kỹ năng, rà soát phương án phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 với 1.800 điểm cầu qua mạng xã hội Facebook gồm 17.000 người theo dõi.

 Thách thức thiên tai lớn, nhất là lũ lụt (Ảnh: PV)

Ngoài ra, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã đưa ra một số hướng dẫn để các địa phương xây dựng các kịch bản ứng phó khi có tình huống xấu, vừa tiến hành phòng, chống thiên tai vừa phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, trong công tác chuẩn bị khu sơ tán dân tập trung thì cần xác định nhu cầu sơ tán về số hộ, số người để tiến hành bố trí. Đồng thời, cần lựa chọn các công trình có sức chống chịu với thiên tai, đủ diện tích giãn cách theo quy định phòng, chống dịch COVID-19… thuận tiện cho việc chăm sóc các trường hợp yếu thế và công tác tiếp tế.

Về tổ chức di chuyển sơ tán, các địa phương cần chú ý bố trí nhóm người vào các khu phải hợp lý. Nếu có điều kiện thì nên tiến hành xét nghiệm nhanh cho nhân dân trước khi triển khai phương án sơ tán tập trung, trong đó, lưu ý nếu có trường hợp F1, cần cho vào khu cách ly. Với nhóm có nguy cơ thấp, không có triệu chứng của bệnh thì sẽ di chuyển vào khu sơ tán và chuẩn bị sẵn sàng khu vực cách ly tại nơi sơ tán khi có tình huống phát sinh. Việc thực hiện kế hoạch sơ tán dân cần phải tổ chức di chuyển trước khi thiên tai ập đến…

Một số bài học kinh nghiệm vừa đảm bảo phòng chống thiên tai vừa đảm bảo hiệu quả an toàn chống dịch

 Thay đổi chính sách thích ứng linh hoạt và an toàn với dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: PV)

Nhận định về một số bài học được rút ra khi ứng phó với thiên tai để vừa đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai, vừa đảm bảo hiệu quả an toàn chống dịch COVID-19, ông Nguyễn Văn Tiến khẳng định, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố cần thực hiện tốt việc phòng, chống dịch COVID-19 vừa nêu cao tính chủ động trong ứng phó với thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ) trong tình huống xảy ra “thảm họa kép” cả thiên tai và dịch bệnh.

Để ứng phó, không để bị động với “thảm họa kép”, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai địa phương phải luôn là lực lượng nòng cốt, tuyến đầu. Theo đó, lực lượng này cần được tập huấn thuần thục các phương án ứng phó các tình huống rủi ro thiên tai có thể xảy ra trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh. Ngoài ra, công tác thông tin, truyền thông có vai trò quan trọng, phải đi trước một bước để giúp người dân chủ động phòng tránh. Ngay từ trước khi mùa mưa, bão diễn ra, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng quốc tế Liên hợp quốc (UNICEF) xây dựng, sản xuất các ấn phẩm truyền thông với đa dạng thể loại: infographic, video… và đặc biệt là ban hành “Sổ tay phòng, chống thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” để phổ biến rộng rãi tới các địa phương.

Các địa phương cũng cần xây dựng sẵn các kịch bản ứng phó khi phải vừa phòng, chống thiên tai vừa phòng, chống dịch bệnh, trong đó đặc biệt chú ý tới công tác sơ tán dân vùng thiên tai.

Nguyên Khang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực