Ứng phó sau bão số 2: Chủ động khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội khi đã đảm bảo an toàn

Thứ năm, 11/08/2022 14:00
(ĐCSVN) - Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thông báo đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp khi đã đảm bảo an toàn.

Ngày 11/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có công văn số 424/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình, các tỉnh miền núi phía Bắc về việc chủ động ứng phó với mưa lớn, hoàn lưu áp thấp nhiệt đới.

 Ảnh minh họa (Nguồn: Đ.T)

Theo bản tin của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, sáng ngày 11/8 áp thấp nhiệt đới đã đi vào khu vực các tỉnh, thành phố Quảng Ninh - Hải Phòng và tiếp tục suy yếu. Dự báo từ ngày 11/8-12/8 khu vực Bắc Bộ, Thanh Hoá và Nghệ An có mưa to đến rất to. Để chủ động ứng phó với mưa lớn, hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, thông báo đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động kế hoạch khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội phù hợp khi đã đảm bảo an toàn.

Đối với các tỉnh miền núi phía Bắc đến Nghệ An, thực hiện nghiêm túc các Công điện số 24/CĐ-QG của Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Trong đó, thường xuyên theo dõi các bản tin về diễn biến thiên tai, thông báo kịp thời đến chính quyền địa phương và người dân để chủ động phòng tránh.

Sẵn sàng phương án di dời người dân ở các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất đến nơi an toàn; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông tại các vị trí xung yếu. Chỉ đạo lực lượng xung kích rà soát, khơi thông các dòng chảy, các điểm bị tắc nghẽn trên các sông suối, kiểm tra rà soát, cắm biển cảnh báo khu vực nguy hiểm và cử lực lượng canh gác, hướng dẫn người và phương tiện để đảm bảo an toàn./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực