Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên)
Sáng nay 30/10, Quốc hội thảo luận về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2020.
Đại biểu Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên) dành toàn bộ thời gian phát biểu tại hội trường Quốc hội để lên tiếng về vấn đề hành hung, bạo lực trong các cơ sở hành nghề y tế.
Nỗi lo thường trực của cán bộ y tế
Theo đại biểu, đây là một vấn đề không mới, trong các kỳ họp gần đây đã có nhiều đại biểu Quốc hội, cả trong và ngoài ngành phản ánh trên diễn đàn của Quốc hội. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn còn hiện hữu trong cuộc sống.
“Qua thực tế công tác và qua tiếp xúc cử tri với cán bộ của ngành y tế, tôi thấy rằng đây vẫn là nỗi lo thường trực của cán bộ y tế đang hành nghề, là nỗi trăn trở của những người làm công tác quản lý ngành và là sự băn khoăn của rất nhiều người dân khi đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế” – bà nói.
Cụ thể hơn, bà phân tích, môi trường hành nghề của người làm việc trong ngành y tế đang đối diện với rất nhiều nguy cơ và thiếu sự an toàn. Từ vấn đề liên quan tới chuyên môn, quy trình, thủ tục hành chính, thủ tục khám và thanh toán bảo hiểm y tế, từ các quy định về tài chính tới điều kiện làm việc, từ thực hành chuyên môn tới kỹ năng giao tiếp, vấn đề nào cũng tồn tại những bất cập và rất nhiều những nỗi lo.
Vị nữ đại biểu đoàn Hưng Yên, dẫn thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có khoảng từ 8%-38% số nhân viên y tế đã từng bị tấn công bạo lực từ người bệnh và người nhà người bệnh trong khi làm việc. Số người bị đe dọa hoặc xúc phạm thậm chí còn cao hơn rất nhiều.
Ở Việt Nam, theo một báo cáo thống kê từ năm 2010 đến năm 2017 có 22 vụ hành hung y, bác sĩ, trong năm 2018 có 3 vụ đặc biệt nghiêm trọng. Từ đầu năm 2019 đến nay, mặc dù chưa có số liệu thống kê nhưng ở nhiều nơi chúng ta vẫn thấy các vụ việc cán bộ y tế bị hành hung. “Có lẽ đây cũng chỉ là những con số bề nổi được phát hiện ra, được báo chí đưa tin. Còn rất nhiều những vụ bạo hành mà nhân viên y tế thầm lặng chịu đựng hoặc không báo cáo” – bà nhìn nhận.
Theo số liệu từ Cục Quản lý khám, chữa bệnh, đối tượng bị tấn công chủ yếu là bác sĩ lên tới 70%, điều dưỡng chiếm khoảng 15%, 90% các vụ việc xảy ra ở trong khuôn viên bệnh viện, 60% xảy ra trong khi thầy thuốc đang tiến hành cấp cứu, chăm sóc người bệnh và khoảng 30% số vụ việc xảy ra khi thầy thuốc đang giải thích cho người bệnh, người nhà người bệnh. Các đối tượng gây mất an ninh, bạo hành nhân viên y tế thì tương đối phức tạp.
Bà chỉ rõ, hậu quả của các vụ hành hung từ gây hư hại tài sản của cơ sở y tế, gây tổn hại tới sức khỏe, tâm lý của nhân viên y tế và thậm chí đã có cán bộ y tế phải bỏ mạng khi đang cấp cứu cho bệnh nhân.
Sau mỗi vụ hành hung, bạo hành, ngoài nỗi đau về thể xác, cán bộ y tế còn phải mang theo một nỗi đau vô cùng to lớn về mặt tinh thần, tỷ lệ người trầm cảm ảnh hưởng tới công tác chuyên môn do vấn đề bạo hành y tế khá phổ biến.
Nhiều nhân viên y tế sau các vụ bạo hành về y tế vì không thể trụ được với nghề đã phải bỏ nghề hoặc là chuyển sang một lĩnh vực ít liên quan tới người bệnh như là chuyển sang phòng hành chính hoặc các phòng ban chức năng.
“Không chỉ những người bị bạo hành bị ảnh hưởng mà cả những người làm trong lĩnh vực y tế cũng bị tổn thương khá lớn về tinh thần, những nỗi lo sợ mơ hồ dần xuất hiện, tình yêu nghề cũng vì thế mà phai nhạt dần” – đại biểu tâm tư.
Giải pháp nào để cán bộ y tế yên tâm phục vụ người bệnh?
Đại biểu cho rằng nguyên nhân của hiện tượng trên bắt nguồn từ hai phía.
Về phía người bệnh và người nhà bệnh nhân với tâm lý lo lắng, sốt ruột khi tới bệnh viện đã có những hành động nóng nảy thái quá, đôi khi là mất kiểm soát.
Về phía cán bộ y tế, tuy không phải là tất cả nhưng cũng phải nhìn nhận lại rằng có một nguyên nhân bắt nguồn từ chính phương pháp làm việc. Việc giao tiếp, ứng xử với người bệnh của một số cán bộ y tế là chưa hợp lý, ngoài ra còn một số nguyên nhân khác.
Đại biểu nhấn mạnh, sức khỏe là tài sản quý giá nhất của mỗi con người và khi làm việc với tài sản quý giá nhất này đòi hỏi mỗi cán bộ y tế đều phải xác định cho mình kiến thức và tâm thế phù hợp để làm việc, để giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho cán bộ y tế trong giai đoạn hiện nay.
Đề cập đến giải pháp, bà nhấn mạnh, đầu tiên là cán bộ y tế cần có thái độ và sự chia sẻ của cán bộ y tế cần phải nâng cao tính chuyên nghiệp, không những phải giỏi về chuyên môn mà phải có kiến thức xã hội, kiến thức tâm lý và hiểu được nỗi lo của người bệnh để có ứng xử cho phù hợp.
Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về giao tiếp, ứng xử, kỹ năng tư vấn, kỹ năng xử lý các nguy cơ cho cán bộ y tế và cả đội ngũ bảo vệ tại các cơ sở y tế.
Ngoài ra, bà cũng lưu ý, cần phải có các hoạt động tuyên truyền về phòng chống bạo lực, trong đó cơ quan báo chí đóng vai trò định hướng dư luận, phê phán các hành vi tiêu cực trên tinh thần xây dựng, tránh một chiều và tạo sự bức xúc không đáng có cho xã hội.
Bên cạnh đó là tăng cường các biện pháp an ninh tại các vị trí có nguy cơ cao về mất trật tự như là hệ thống camera, chuông báo động, an ninh. Cần phải có cơ chế phối hợp hợp chặt chẽ giữa y tế và lực lượng an ninh.
Cần cải cách thủ tục hành chính, cải tiến quy trình khám chữa bệnh. Giảm thời gian chờ đợi của người bệnh, tăng thời gian thầy thuốc khám và tư vấn cho người bệnh.
Đại biểu cũng đề nghị, cần có cơ chế xử lý nghiêm các hành vi hành hung cán bộ y tế.
“Y tế là một nghề đặc thù, hành nghề y tế là một nghề cao quý. Hãy dành cho cán bộ y tế những điều kiện cần thiết, từ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chế độ đãi ngộ, đặc biệt là cùng xây dựng một môi trường làm việc an toàn, thân thiện, cùng hưởng ứng chương trình "Bảo vệ Blouse trắng" không chỉ trong năm 2019 mà cả các năm tiếp theo để những cán bộ y tế yên tâm, tận tâm, tận lực phục vụ người bệnh. Tất cả đều hướng tới một mục đích chung là vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của nhân dân” – đại biểu chốt lại phần phát biểu./.