(ĐCSVN) – Hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh giáp biển đang trở thành tâm điểm của hạn hán, xâm nhập mặn như: Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau.. Nhiều cánh đồng bát ngát phì nhiêu rộng hàng trăm nghìn ha đang khô hạn và thiếu nước. Bởi vậy, việc bảo vệ nguồn nước nói chung, đặc biệt tại những khu vực hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng trở nên cấp bách.
Bên lề nghị trường Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Phó Trưởng đoàn chuyên trách, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng) đã chia sẻ về vấn đề này.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Phó Trưởng đoàn chuyên trách,
Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng). (Ảnh: TH)
Phóng viên (PV): Ông đánh giá thế nào về tình trạng ô nhiễm nguồn nước hiện nay ở Việt Nam?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Nguồn nước ô nhiễm là vấn đề rất lớn. Hiện nay, một số quốc gia, trong đó có Việt Nam đang bị ảnh hưởng rất nhiều. Vừa qua, một số địa phương ở Đồng bằng Sông Cửu Long và Tây Nguyên chịu ảnh hưởng của hạn hán, xâm ngập mặn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp.
Theo đánh giá, môi trường nước của chúng ta hiện nay đã bị ô nhiễm lớn nên cần có các giải pháp khắc phục theo hướng tiết kiệm nguồn nước. Bên cạnh đó, cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm nguồn nước.
Giải pháp lâu dài cần chuyển cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tiết kiệm nguồn nước và có kế hoạch đối với những cá nhân và tổ chức dùng nước lãng phí thì mới bảo vệ được nguồn nước, giữ được nguồn nước. Nếu tình trạng quản lý như hiện nay thì nguy cơ ô nhiễm và cạn kiện nguồn nước rất cao.
PV: Thưa ông, nguy cơ ô nhiễm và thiếu nước sạch không chỉ đe dọa các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long mà còn đang hiện hữu tại các đô thị lớn. Thế nhưng, dường như ở một số nơi, chúng ta vẫn đang dùng nước rất lãng phí?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Chính xác như vậy! Ở các tỉnh trung du và đô thị lớn, nước được sử dụng nhiều lúc lãng phí, đặc biệt là nguồn nước sạch. Do đó, các cơ quan quản lý được giao trách nhiệm quản lý về nguồn nước, bảo vệ môi trường cần có những giải pháp hữu hiệu hơn nữa, nhằm tính toán cho thời gian sau này.
PV: Theo ông, chúng ta có cần đào thêm các hồ để tích trữ nước nhằm mục tiêu chống hạn và điều hòa không khí không?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Điều này hoàn toàn hợp lý. Ở các nước thường có thêm hồ chứa, vừa nhằm mục đích tạo cảnh quan và giữ môi trường được điều hòa và chống ô nhiễm. Tuy nhiên, Việt Nam là nước có nhiều sông ngòi nhưng lại lấp đi nhiều. Do vậy, việc khuyến nghị đào thêm các mương hồ, nhằm tạo ra nguồn nước và lưu thông dòng chảy, tạo môi trường trong sạch là hết sức cần thiết.
PV: Nhiều ý kiến cho rằng trong thời gian qua, việc sử dụng đất của chúng ta đang có nhiều bất cập. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Đại biểu Trần Ngọc Vinh: Việc sử dụng đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ quản lý và thời gian qua đã có nhiều cố gắng. Tuy nhiên, tôi cho rằng, cần thống kê lại một cách căn cơ nguồn gốc của đất; phải giao cho các cơ quan quản lý phù hợp như đất nào dành cho quân sự, dân sự, phát triển công nghiệp…
Hiện nay, chúng ta có một quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực. Tuy nhiên, tôi thấy một số nơi vẫn sử dụng đất trồng lúa để làm các khu công nghiệp, sân golf… Tôi cho rằng, cần có các biện pháp tuyệt đối ngăn cấm.
Chúng ta phải có kế hoạch rà soát toàn bộ quỹ đất, đánh giá thực trạng đang sử dụng như thế nào, có chế tài xử lý nghiêm những nơi, những địa phương, tổ chức, cá nhân sử dụng đất không đúng mục đích như các dự án treo hay việc đứng ra thuê đất, sau đó san lấp mặt bằng rồi nhượng lại cho một đơn vị khác để lấy lãi…
PV: Xin cảm ơn đại biểu!