Đại biểu Nguyễn Thanh Phương, TP Cần Thơ. Ảnh: VA
Đó là nhận định của đại biểu Nguyễn Thanh Phương (TP Cần Thơ) tại buổi thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, ngày 1/4.
Đại biểu cho hay, cử tri đánh giá, lĩnh vực giáo dục có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều kết quả tốt được ghi nhận, góp phần phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho xã hội. Tuy vậy, trong 5 năm qua, sự đổi mới giáo dục còn nhiều lúng túng như: Đổi mới thi cử, chương trình đào tạo, sách giáo khoa, nhất là triết lý của nền giáo dục chưa định hình thật rõ ràng.
Vì thế, đại biểu Nguyễn Thanh Phương cho hay, cử tri kiến nghị trong giai đoạn tới, Chính phủ, bộ, ngành cần quan tâm hơn nữa đối với ngành Giáo dục, làm cho giáo dục thực sự là quốc sách hàng đầu. Đặc biệt, quan tâm đúng mức vấn đề sách giáo khoa, vấn đề tự chủ và cơ chế quản lý đại học để giáo dục - đào tạo thực hiện được một trong những chức năng quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cũng quan tâm đến giáo dục, đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (tỉnh Đắk Nông) chia sẻ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ thực hiện thường xuyên và có lẽ là không có điểm dừng, vì trình độ xã hội ngày càng tiến bộ và con người vừa phải thúc đẩy xã hội đi lên, vừa phải đáp ứng theo trình độ xã hội, giáo dục và thị trường trong tình hình hiện nay là hai lĩnh vực cần phải gắn bó chặt chẽ với nhau theo nghĩa tích cực.
Đại biểu Ngọc Hạnh chia sẻ, gần đây, trường Đại học Tây Nguyên cho nghỉ học đối với các sinh viên không đáp ứng chất lượng học tập với số lượng lớn, đó là nội dung tích cực; nhưng cũng không khó để tìm địa chỉ của cơ sở đào tạo khác đã cho sinh viên ra trường với kết quả tốt nghiệp hầu hết là loại giỏi, còn lại số ít là loại khá và không có loại trung bình.
“Với trải nghiệm cuộc sống, chắc chắn ai cũng hiểu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phải bắt đầu từ môi trường giáo dục. Do đó, rất mong trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa tới và trong tương lai sau này, chúng ta thực hiện thật nghiêm túc công tác kiểm định chất lượng giáo dục từ cơ sở đào tạo đến nội dung chương trình đào tạo, đặc biệt là đổi mới suy nghĩ hướng tới sự phát triển dài hạn. Về chính sách, cần có cơ chế khuyến khích để nội dung kiểm định chất lượng giáo dục là hoạt động tự nguyện của mỗi cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, cần quan tâm hơn nữa đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho hệ thống giáo dục ở các vùng khó khăn trên cả nước” – đại biểu Ngọc Hạnh nói./.