Đồng bào Khmer tích cực chung tay phòng, chống dịch COVID-19

Thứ tư, 21/07/2021 11:04
(ĐCSVN) - Với đặc thù là tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống, chiếm hơn 30% dân số toàn tỉnh, thời gian qua, để góp phần thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đồng bào và sư sãi Khmer tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp thiết thực nhằm chung tay đảm bảo sự bình yên cho phum sóc và cộng đồng.

Ông Thạch Sen, người dân tộc Khmer ở phường 9, TP Sóc Trăng cho biết, ngay sau khi được chính quyền địa phương thông báo, tuyên truyền về việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch COVID-19, ông liền nhắn nhủ con cái, người thân trong gia đình phải chấp hành tốt để cùng địa phương sớm đẩy lùi dịch bệnh. Ông Thạch Sen cũng là người uy tín ở địa phương nên còn vận bà con xung quanh chỉ ra khỏi nhà khi thật sự cần thiết trong thời gian này.

leftcenterrightdel

Bà con đồng bào Khmer ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng tích cực phối hợp
với cơ quan liên quan trong tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19 .

Trong những ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cùng với nhân dân trong tỉnh, đồng bào Khmer Sóc Trăng chấp hành nghiêm quy định gia đình cách ly với gia đình, ấp nào ở ấp đó, người dân chỉ ra đường khi thật sự cần thiết, như mua lương thực, thực phẩm hay mua hàng hóa thiết yếu, hoặc khám chữa bệnh... Ông La Thông, người dân tộc Khmer ở xã Phú Tân, huyện Châu Thành cho biết: “Gia đình tôi có nhiều con cháu hiện đang làm công nhân ở các công ty, xí nghiệp trong tỉnh, để phòng chống dịch bệnh, đa số mọi người đều ở lại công ty. Một số thì ở nhà và chỉ ra ngoài ra khi phải đi mua thực phẩm về cho gia đình. Nếu trong gia đình có người ra khỏi nhà thì đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m khi giao tiếp và không tập trung quá 2 người tại nơi công cộng để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan”.

 Tại xã An Hiệp, huyện Châu Thành, ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát lần thứ 4, chính quyền địa phương nơi đây đã áp dụng nhiều hình thức tuyên truyền đến người dân trong xã để bà con chủ động, không lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là thường xuyên quan tâm, động viên với những người phải rời quê đi mưu sinh ở các tỉnh, thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

Theo đồng chí Thạch Thị Kim Liên, Trưởng Ban nhân dân ấp Giồng Chùa A, xã An Hiệp, huyện Châu Thành, cán bộ cơ sở, đoàn thể tại địa phương đã “đến từng ngõ, gõ từng nhà” tuyên truyền, vận động gia đình có người thân đang sinh sống, lao động, học tập tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng có dịch thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân, tạm thời không nên trở về địa phương trong thời gian này. Trường hợp đặc biệt hay quá khó khăn buộc phải trở về thì phải đến ngay Trạm Y tế hoặc Trung tâm Y tế để khai báo y tế trước khi về nhà. Thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh từ những nguồn tin chính thống, không chia sẻ tin đồn thất thiệt, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh của địa phương. Nhờ vậy mà đến nay xã An Hiệp chưa có ghi nhận ca mắc COVID-19. Hiện nay, xã cũng đang cách ly tập trung 54 người và 72 người cách ly tại nhà, đảm bảo an toàn.

 Để chủ động phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của tỉnh trong công tác phòng, chống dịch bệnh, thường trực Hội Đoàn kết Sư sãi yêu nước tỉnh Sóc Trăng còn yêu cầu Trụ trì và Ban quản trị các chùa Phật giáo Nam tông Khmer trên địa bàn tỉnh tạm dừng tổ chức các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo với quy mô tập trung đông người, chấp hành nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn, thực hiện tốt thông điệp 5K của Bộ Y tế.

 Thượng tọa Trần Văn Tha, Trụ trì chùa Serey Ta Mơn (xã Viên Bình, huyện Trần Đề) chia sẻ, ngay khi có văn bản hướng dẫn của Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, nhà chùa đã thực hiện nghiêm túc, đề cao tinh thần phòng chống dịch COVID-19. Theo đó, luôn bố trí một người trực trước cổng chùa tổ chức công tác ghi nhận thông tin, đo nhiệt độ những người đến chùa liên hệ công việc hay phật sự. Việc tiến hành các hoạt động tôn giáo tụ tập đông người cũng được nhà chùa tinh giản, hạn chế đến mức thấp nhất, qua đó góp phần cùng các cấp chính quyền trong tỉnh hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, đảm bảo sự bình yên cho phum sóc và cộng đồng./.

Bài, ảnh: ​Nam Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực