Hòa Bình quyết tâm giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19

Chủ nhật, 19/09/2021 10:47
(ĐCSVN) - Sau khi làm sóng dịch COVID-19 lần thứ tư bùng phát, nhất là trước những diễn biến của tình hình dịch tại Hà Nội, cấp ủy, chính quyền các cấp ở tỉnh Hòa Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có hiệu quả nhiều biện pháp phòng, chống dịch. Quyết tâm chung của cả hệ thống chính trị và đồng bào các dân tộc tỉnh Hòa Bình hiện nay là giữ vững thành quả phòng, chống dịch COVID-19, sớm ổn định cuộc sống trong điều kiện bình thường mới...
 Hòa Bình tăng cường kiểm soát người, phương tiện tại “cửa ngõ” đường cao tốc Hòa  Lạc - Hòa Bình. (Ảnh: NQ).

Chốt chặt “cửa ngõ”...

Chủ động, sáng tạo, hiệu quả là những cảm nhận rõ nhất về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh miền núi Hòa Bình. Là cửa ngõ phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, thời điểm trước khi dịch bùng phát, hoạt động giao thương và lưu lượng phương tiện, người đi lại trong tỉnh, nhất là trên Quốc lộ 6 tương đối lớn. Xác định đây là nguy cơ lớn có thể dẫn đến việc dịch bênh lây lan vào địa bàn, tỉnh Hòa Bình đã chủ động xây dựng các phương án kiểm soát người người và phương tiện để thực hiện phòng dịch.

Bám sát diễn biến tình hình, từ giữa tháng 6/2021, tỉnh Hòa Bình đã tổ chức các chốt kiểm soát dịch tại tuyến quốc lộ để thực hiện khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt của người ra vào tỉnh. Sau đó, ngay khi Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (từ 06h00 ngày 24/7/2021), tỉnh Hòa Bình cũng đã tăng cường kiểm soát các phương tiện ra vào cửa ngõ, chia ra các đối tượng để có phương án chống dịch tương ứng. Chốt kiểm soát dịch bệnh được thiết lập tại các trục đường huyết mạnh, các cửa ngõ dẫn vào tỉnh. Các lực lượng liên ngành như y tế, công an, quân đội, thanh tra giao thông,... thường xuyên trực 24/24h.

Ngoài ra, ngay từ tháng 8, tỉnh Hoà Bình thực hiện test COVID-19 miễn phí cho người dân trở về địa phương từ vùng dịch ngay tại các chốt kiểm soát dịch để sàng lọc trước khi vào tỉnh. Đối với các trường hợp người dân sử dụng phương tiện di chuyển qua chốt kiểm soát dịch, sau khi có kết quả test nhanh kháng nguyên âm tính, tổ kiểm soát dịch thông báo ngay đến địa phương có công dân về quê để có phương án quản lý. Tại khu vực tiếp giáp giữa các huyện, thành phố của tỉnh, các chốt kiểm soát cũng được thiết lập để triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch.

Đặc biệt, sau khi huyện Lương Sơn phát hiện trường hợp dương tính với COVID-19, tỉnh Hòa Bình đã quyết liệt thực hiện giãn cách xã hội hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với toàn bộ địa bàn huyện Lương Sơn. Nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường được thực hiện nghiêm túc. Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp cũng yêu cầu mọi người dân ở tại nhà, chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, khám chữa bệnh, tiêm chủng và các trường hợp khẩn cấp khác... Thực hiện quản lý chặt chẽ người ra, vào theo các lớp: chốt kiểm soát của tỉnh, huyện, xã… Thực hiện quy định giờ giới nghiêm từ 22 giờ tối ngày hôm trước đến 5 giờ sáng ngày hôm sau...

Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh, từ ngày 24/7 đến nay, tại 3 chốt kiểm soát dịch liên ngành cấp tỉnh đã tiến hành kiểm tra hơn 70 nghìn lượt người; trên 6 vạn lượt phương tiện lưu thông qua các chốt. Ngoài ra, trong toàn tỉnh đã lập các chốt kiểm soát dịch cấp xã, huyện để kiểm soát người, phương tiện qua lại. Nhờ vậy, tình hình dịch COVID-19 tại huyện Lương Sơn đã được kiểm soát tốt. Từ ngày 09/9, tỉnh Hòa Bình đã dừng thực hiện giãn cách xã hội trên địa bàn huyện Lương Sơn. Toàn tình tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19.

Giữ vững thành quả vì sức khỏe người dân

Những kết quả phòng, chống dịch COVID-19 của Hòa Bình đã được đồng bào các dân tộc trong tỉnh ghi nhận, đánh giá cao. Những ngày gần đây, tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn cả nước đang có những diễn biến theo chiều hướng tích cực; công tác tiêm vaccine phòng COVID-19 được đẩy mạnh tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, do là địa bàn tiếp giáp với Thành phố Hà Nội, nên tỉnh Hoà Bình xác định, toàn tỉnh vẫn đứng trước những nguy lây nhiễm tương đối cao.

 Hòa Bình tăng cường việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nghiệm các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: NQ).

Theo đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố, cơ quan chức năng và người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan trong phòng, chống dịch. Cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thực hiện tốt hơn nữa các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên phát huy vai trò của các Tổ COVID cộng đồng; tuyệt đối không tổ chức các hoạt động tập trung đông người; tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm túc các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm.

Đồng thời, với quyết tâm không để dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn, hiện nay tỉnh Hoà Bình đang tiếp tục duy trì hoạt động 24/24h đối với 3 chốt kiểm soát dịch liên ngành cấp tỉnh ( 2 chốt đường bộ, 1 chốt đường thủy hạ lưu sông Đà), , kiểm soát 100% người và phương tiện vào địa bàn tỉnh. Các địa phương trong tỉnh cũng căn cứ vào tình hình cụ thể, tiếp tục duy trì các chốt tại các đường tỉnh lộ, huyện lộ và đường liên xã, thôn. Anh Quách Văn Hùng ở thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn cho biết: “Tuy huyện đã dừng thực hiện giãn cách xã hội nhưng tôi thấy việc duy trì các chốt kiểm soát dịch là rất cần thiết. Việc kiểm soát chặt người, phương tiện từ Hà Nội vào địa bàn sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh, nhất là khi Hà Nội vẫn xuất hiện các ca dương tính trong cộng đồng”.

Bên cạnh đó, để thực sự chủ động trước các tình huống diễn biến của dịch bệnh, tỉnh Hòa Bình cũng đã thực hiện dự trù ngân sách để chống dịch theo những kịch bản cụ thể. Đến hết tháng 8/2021, đã bố trí khoảng 80 tỷ đồng để chi cho công tác phòng, chống dịch. Nguồn lực dự kiến còn lại để phòng, chống dịch ước tính vào khoảng trên 95 tỷ đồng nguồn, bao gồm nguồn dự phòng ngân sách và nguồn Quỹ Dự trữ tài chính.

Gần hai năm qua, dịch COVID-19 đã gây những ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế xã hội cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng. Bám sát đặc điểm tình hình, phát huy sức mạnh tổng hợp và tinh thần trách nhiệm của người dân,... sẽ là cơ sở quan trọng để tỉnh Hòa Bình giữ vững những thành quả trong phòng, chống dịch. Qua đó, vừa sớm ổn định đời sống xã hội, bảo vệ sức khỏe của đồng bào các dân tộc trong tỉnh, vừa góp phần cùng cả nước từng bước ngăn chặn, đẩy lùi dịch COVID-19./.

Phạm Như Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực