Khó khăn trong xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng

Thứ sáu, 19/11/2021 18:59
(ĐCSVN)- Dù các Bộ, ngành và địa phương đã tích cực hưởng ứng đưa Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá vào cuộc sống, nhưng tính nghiêm minh và chế tài xử lý vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, đặc biệt đối với hành vi hút thuốc lá nơi công cộng.

Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ ngày 01/5/2013. Tuy nhiên, sau hơn 8 năm đi vào cuộc sống, việc triển khai Luật vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Khó khăn trong xử phạt hành vi hút thuốc lá nơi công cộng. Ảnh: Trường Giang. 

Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, cơ sở y tế là nơi cấm hút thuốc lá hoàn toàn trong nhà và cả khuôn viên, nhưng thực tế, tại các trung tâm y tế, bệnh viện vẫn xảy ra tình trạng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ngang nhiên hút thuốc, dù khu vực đó có biển cảnh báo “cấm hút thuốc lá”. Còn đối với các điểm công cộng như bến xe, nhà ga thì tình trạng hút thuốc lá vẫn diễn ra phổ biến, tuy nhiên cũng chủ yếu dừng ở việc  nhắc nhở, tuyên truyền chứ không có quyền xử phạt, vì vậy chưa răn đe được người dân.

Tình trạng bán thuốc lá cho người dưới 18 tuổi vẫn diễn ra. Các trường cao đẳng, đại học chỉ cấm hút thuốc lá trong nhà, cho phép hút thuốc lá trong khuôn viên nên vẫn còn tình trạng sử dụng thuốc lá tại các khu vực ít người qua lại như ban công, hành lang, cầu thang, căng tin...

Việc thực hiện môi trường không khói thuốc ở địa điểm nhà hàng, quán ăn, cơ sở lưu trú du lịch còn nhiều hạn chế.

Thực tế cho thấy, vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng vẫn rất phổ biến, việc hút thuốc chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và bất chợt. Trong khi đó, việc bố trí nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ này còn hạn chế,  vì vậy không đủ lực lượng giám sát, nhắc nhở và không có thẩm quyền xử phạt. 

 Bên cạnh đó, hoạt động phổ biến, tuyên truyền ở một số bộ, ngành, địa phương còn chưa thường xuyên, chưa liên tục, nội dung chưa hấp dẫn, đa dạng. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thiếu ý thức trong việc chấp hành quy định không hút thuốc tại nơi làm việc. Trong khi đó, những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức vẫn chưa phát huy được vai trò trong nêu gương, giám sát trong việc thực hiện Luật này. Điều này đã tạo ra các “rào cản” trong việc thực thi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá.

Mặc dù giá bán thuốc lá tối thiểu đã được điều chỉnh tăng và đã tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình, nhưng giá bán tối thiểu và mức điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt còn thấp và giá xuất xưởng thấp so với mặt bằng các nước trong khu vực. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng trong người dân và thu hút người hút mới, đặc biệt là những đối tượng nghèo và thanh thiếu niên.

Ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Giám đốc Quỹ PCTH thuốc lá thừa nhận, hiện nay công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về PCTH thuốc lá còn gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình là lực lượng thanh tra hiện nay còn mỏng, trong khi ý thức tuân thủ các quy định cấm hút thuốc của nhiều người còn hạn chế. Mặt khác, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, lại được bày bán khắp nơi là một nguyên nhân làm gia tăng việc hút thuốc ngay cả tại những nơi có quy định cấm.

Bên cạnh đó, hành vi hút thuốc xảy ra nhanh, các lực lượng chức năng khó khăn trong việc xác định vi phạm nếu không có các thiết bị nghiệp vụ được phép sử dụng làm cơ sở cho việc xử phạt (phạt nguội).

Trong khi đó, Quỹ PCTH của thuốc lá không được phép hỗ trợ kinh phí cho hoạt động đi kiểm tra, xử lý vi phạm. Việc kiểm tra chủ yếu mới chỉ tập trung tại khu vực khách sạn, nhà hàng và một số cơ sở trường học, bệnh viện, nơi làm việc, bến tàu, xe…

Để tăng cường hiệu quả của công tác kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính về PCTH thuốc lá, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ bổ sung quy định thực hiện thí điểm việc sử dụng các phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện và xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm quy định về địa điểm cấm hút thuốc lá trong các văn bản pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả thực hiện Luật PCTH của thuốc lá, tăng cường sự giám sát của người dân, kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm Luật PCTH của thuốc lá, Quỹ PCTH thuốc lá đang xây dựng và thí điểm ứng dụng phần mềm (app) trên điện thoại di động. Ứng dụng này cho phép người dân chụp và gửi các hình ảnh vi phạm Luật PCTH của thuốc lá tới các cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời.

Để tăng cường thực thi Luật Phòng, chống THTL, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá, lợi ích của môi trường không khói thuốc lá; đặc biệt công tác giáo dục thuyết phục, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định cấm thuốc lá nơi công cộng. Đồng thời vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đoàn viên, thanh niên ký cam kết không hút thuốc lá.

Đi kèm với đó, cần triển khai nghiêm túc, quyết liệt chế tài trong Luật; tăng cường công tác  kiểm tra, giám sát việc thi hành Luật Phòng, chống THTL; nghiên cứu sửa đổi một số quy định cứng nhắc về xử phạt hút thuốc lá nơi công cộng, theo đó cho phép cơ quan chức năng lập biên bản và xử phạt tại chỗ các hành vi vi phạm để người dân “ không dám, không thể” hút thuốc lá nơi công cộng./.

Phương Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực