Năm 2021, toàn ngành Giáo dục bám sát 3 trục nhiệm vụ quan trọng

Thứ sáu, 08/01/2021 21:26
​(ĐCSVN) - Ngành Giáo dục trong năm 2021 cần bám sát 3 trục nhiệm vụ quan trọng. Đó là: Tập trung thực hiện tốt, hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; tập trung chỉ đạo thực hiện tự chủ đại học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và bảo đảm an toàn trường học.

Chiều 8/1, tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021.

Báo cáo đánh giá kết quả công tác năm 2020, Chánh Văn phòng Bộ GD&ĐT Trần Quang Nam cho biết: Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 và thiên tai, lũ lụt, nhưng với sự quan tâm của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời của lãnh đạo Bộ; nỗ lực của các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ, Bộ GD&ĐT đã hoàn thành nhiều nhiệm vụ quan trọng.


Bộ GD&ĐT tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Ảnh: Thế Đại 

Toàn ngành đã hoàn thành mục tiêu kép, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, vừa hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020. An toàn của học sinh, sinh viên được bảo đảm nhưng không vì thế các hoạt động giáo dục bị ngưng trệ; không bị “đứt gãy” giáo dục như một số nước đã gặp phải.

Các phương pháp, hình thức giáo dục mới được thầy cô, nhà trường sáng tạo, linh hoạt, nhất là trong dạy học trực tuyến, góp phần hoàn thành kế hoạch cả năm học và tạo tiền đề thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ trong ngành Giáo dục. Các trường đại học đã tích cực nghiên cứu và nhanh chóng đưa ra nhiều sản phẩm công nghệ phục vụ hiệu quả công tác phòng chống dịch…

Điều này không chỉ thể hiện sự nỗ lực mà còn cho thấy khả năng thích ứng và trách nhiệm xã hội của ngành Giáo dục trước những biến động lớn, mang tính toàn cầu.

Năm 2020, toàn ngành cũng tích cực chuẩn bị các điều kiện về đội ngũ giáo viên cơ sở vật chất, sách giáo khoa để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới theo lộ trình Quốc hội quy định.

Chất lượng giáo dục phổ thông (cả đại trà và mũi nhọn) được nâng lên, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Nhiều mô hình giáo dục, nhiều phương pháp dạy học tích cực được đưa vào ứng dụng trong thực tiễn… giúp học sinh tiếp cận kiến thức dễ dàng và hiệu quả hơn trước đây. Khả năng tự học của học sinh đang từng bước được cải thiện. Áp lực thành tích đã giảm đi.

Cũng theo ông Trần Quang Nam, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, các đoàn học sinh Việt Nam vẫn tham dự Kỳ thi Olympic khu vực, quốc tế theo hình thức trực tuyến và đạt thành tích đặc biệt xuất sắc. 24/24 thí sinh Việt Nam tham dự các kỳ thi này đều đoạt đoạt giải, gồm 9 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng và 2 Bằng khen. Trong đó, đội tuyển Hóa học có 4/4 thí sinh đoạt Huy chương Vàng, xếp thứ 2 thế giới, sau đội tuyển quốc gia Hoa Kỳ; đội tuyển Toán học có 6/6 học sinh dự thi đều đoạt giải, trong đó lần đầu tiên có một học sinh lớp 10 tham dự đội tuyển giành Huy chương Vàng và đứng thứ 4 thế giới.

Tự chủ đại học được đẩy mạnh, tạo đột phá trong quản trị đại học, nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học; chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ trong ngành Giáo dục cũng là kết quả nổi bật của ngành Giáo dục năm vừa qua.

Năm 2021, ngành Giáo dục tiếp tục tập trung thực hiện các nghị quyết, kết luận của Đảng, Quốc hội, các văn bản chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về GD&ĐT, đặc biệt là hoàn thiện cơ chế, chính sách về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; triển khai Luật Giáo dục năm 2019 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Trung ương về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; Kế hoạch thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập;

Tiếp tục tập trung nguồn lực thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng lộ trình và tiếp tục khắc phục, tạo sự chuyển biến căn bản các vấn đề về GD&ĐT mà xã hội quan tâm, dư luận bức xúc.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện mục tiêu kép: vừa bảo đảm an toàn sức khỏe cho học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong dịch COVID-19; đồng thời phải thực hiện kế hoạch năm học.

Ngành Giáo dục trong năm 2021 cần thực hiện phương châm hành động mà Chính phủ đã xác định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP là: “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển”, bám sát 3 trục quan trọng. Đó là tập trung thực hiện tốt, hiệu quả đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; tập trung chỉ đạo thực hiện tự chủ đại học và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và bảo đảm an toàn trường học.

Lưu ý các nhiệm vụ quan trọng, Bộ trưởng nhấn mạnh cần có phương án để giải quyết căn cơ tình trạng thừa, thiếu giáo viên, nhất là giáo viên mầm non; giáo viên tin học, ngoại ngữ. Cùng với đó là các vấn đề: biên soạn, thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa; thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH, CĐ; vấn đề về Hội đồng trường; thực hiện chuyển đổi số trong ngành Giáo dục và đổi mới quản lý giáo dục…

Nêu giải pháp năm 2021, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, Bộ GD&ĐT tập trung vào công tác quản lý nhà nước. Các nhiệm vụ liên quan đến chính sách, có tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động cần sự tham gia chủ động của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và các cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường thuộc Bộ GD&ĐT. Tiếp tục chú trọng, đẩy mạnh công tác truyền thông giáo dục.../.

Mỹ Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực