Ninh Bình: Hỗ trợ, chia sẻ để cùng chung sức phòng, chống dịch

Thứ tư, 04/08/2021 15:52
(ĐCSVN) – Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình yêu cầu tập trung đảm bảo đầy đủ cơ sở, vật chất, nhân lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch, bố trí thêm các điểm cách ly người từ vùng dịch về; đồng thời tuyên truyền để người dân trên địa bàn, cấp uỷ chính quyền địa phương cơ sở hiểu, chia sẻ để cùng chung sức phòng, chống dịch…

Sáng 04/8, UBND tỉnh Ninh Bình tổ chức hội nghị phiên thường kỳ đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 năm 2021; cho ý kiến vào Dự thảo Chỉ thị của UBND tỉnh về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Cùng dự có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. (Ảnh: NC) 

7 tháng đầu năm 2021, đăng ký thành lập mới 511 doanh nghiệp

Theo báo cáo tại Hội nghị, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, các cấp, các ngành hiện đang tập trung cao cho công tác phòng chống dịch COVID-19, với quan điểm “phòng dịch” là yếu tố hàng đầu, trong đó, tiếp tục nâng mức cảnh báo và xây dựng kịch bản, chuẩn bị cho các tình huống, yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; tập trung triển khai tiêm phòng vắc-xin theo kế hoạch đề ra đảm bảo đúng đối tượng theo quy định cũng như thực hiện hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19; chia sẻ khó khăn với các tỉnh phía Nam trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; trực tiếp kiểm tra, động viên, tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất.

Dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp khiến một số địa phương phải dùng biện pháp giãn cách xã hội để phòng chống dịch, do đó ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản kinh doanh tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tình hình kinh tế xã hội tháng 7/2021 có dấu hiệu chững lại. Sản xuất công nghiệp có dấu hiệu khó khăn khi chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất đầu vào bị gián đoạn, giá trị sản xuất công nghiệp (giá ss 2010) tháng 7/2021 đạt 8.045,7 tỷ đồng, giảm 4,7% so với tháng trước và giảm 6,2% so với cùng kỳ năm 2020, tuy nhiên lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 53.765,2 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất nông nghiệp tập trung cho gieo cấy lúa và trồng cây màu vụ Mùa. Đến ngày 28/7/2021 toàn tỉnh gieo cấy được 31.254 ha, đạt 99% kế hoạch; Sản xuất chăn nuôi trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh còn tiếp diễn trên đàn gia súc; tổng đàn trâu, bò giảm, nhưng chăn nuôi gia cầm hiện phát triển tốt, công tác tái đàn sản xuất chăn nuôi lợn đảm bảo an toàn dịch bệnh, tổng đàn lợn đạt 269 nghìn con, tăng 26,3% so với cùng kỳ. Công tác quản lý, bảo vệ, tuần tra, kiểm tra rừng được chú trọng. Sản xuất thủy sản tiếp tục phát triển, không có dịch bệnh xảy ra. Công tác xây dựng nông thôn mới tiếp tục được quan tâm.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tích cực. Tổng thu ngân sách 7 tháng đầu năm đạt 12.073,78 tỷ đồng, đạt 64,8% dự toán, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 6.242,73 tỷ đồng, đạt 40,7% dự toán, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển thực hiện tháng 7/2021 đạt gần 2.187,5 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 7/2021 đạt 202,4 triệu USD, tăng 3,1% so với tháng trước và giảm 12,8% so với cùng kỳ; lũy kế 7 tháng đầu năm đạt 1.471 triệu USD, tăng 6,4% so với cùng kỳ.

Công tác xúc tiến đầu tư được quan tâm chỉ đạo, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong tháng đã đăng ký thành lập mới 79 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc (tăng 14 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký đạt 650,39 tỷ đồng (tăng 79,5% so với cùng kỳ). Lũy kế 7 tháng đầu năm 2021, đăng ký thành lập mới 511 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc (tăng 6 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc so với cùng kỳ) với tổng số vốn đăng ký đạt 9.701,1 tỷ đồng (tăng gấp 3,4 lần so với cùng kỳ).

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an sinh xã hội được đẩy mạnh; công tác giảm nghèo và bảo trợ xã hội được quan tâm; công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình được quan tâm chỉ đạo; hoạt động đối ngoại được duy trì; công tác khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh được duy trì và nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân và yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19; ngành Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức thành công kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đảm bảo an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế…

Hình ảnh tại hội nghị. (Ảnh: NC) 

Chia sẻ, hỗ trợ để cùng chung sức phòng, chống dịch

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động, cộng đồng trách nhiệm, sự nỗ lực cố gắng rất lớn của các cấp các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của nhân dân trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; qua đó, đạt được những kết quả đáng khích lệ trong công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua, tạo niềm tin trong nhân dân.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc yêu cầu các cấp, nhất là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn, lĩnh vực, ngành mình phụ trách theo đúng chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh và theo các văn bản hướng dẫn.

Tiếp tục tuyên truyền, vận động và nâng cao  ý thức trách nhiệm của người dân trong tham gia phòng, chống dịch COVID-19; cần quyết liệt và nâng cao hơn nữa công tác quản lý và xử lý nghiêm trường hợp vi phạm trong phòng, chống dịch COVID-19. Đối với vấn đề quản lý và cách ly cần thực hiện theo văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh. Tập trung đảm bảo đầy đủ cơ sở, vật chất, nhân lực phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Trước mắt, giao huyện Yên Khánh và huyện Yên Mô sẽ hỗ trợ, bố trí thêm các điểm cách ly và khi người từ vùng dịch về, nhất là tại các tỉnh phía Nam trên địa bàn huyện Kim Sơn sẽ được chia sẻ; đồng thời các huyện tuyên truyền để người dân trên địa bàn, cấp uỷ chính quyền địa phương cơ sở hiểu, chia sẻ để cùng chung sức phòng, chống dịch.

Bên cạnh đó, đối với công tác tiêm vắc-xin phòng dịch COVID-19, UBND các huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch cụ thể, trên tinh thần công khai, minh bạch, có các tiêu chí cụ thể theo hướng dẫn của Trung ương, đồng thời căn cứ tình hình thực tế của địa phương. Thực hiện nghiêm Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19./.

Nguyễn Chính

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực