“Phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục”

Thứ sáu, 28/05/2010 17:37

 

 Ảnh VA

(ĐCSVN) - Đây là chủ đề của Chương trình Đối thoại về phòng, chống tham nhũng lần thứ 7 được diễn ra hôm nay 28/5 tại Hà Nội, do Thanh tra Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Đại sứ quán Thụy Điển phối hợp tổ chức.

Đề cập đến các dạng sai phạm và những kẽ hở về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục, ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ cho biết: Các sai phạm xảy ra trong lĩnh vực giáo dục mặc dù là cá biệt song cũng đã gây nên hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với một số cơ sở giáo dục. Chẳng hạn, trong công tác tuyển sinh, các hành vi vi phạm thường xảy ra ở công tác tuyển sinh đầu cấp như gian lận về hồ sơ thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh; tiêu cực trong việc tuyển sinh trái tuyến, gian lận về tuyển sinh các lớp hệ không chính quy ở một số cơ sở giáo dục; tuyển sinh hàng năm vượt chỉ tiêu hoặc tuyển sinh liên thông hệ sau đại học không đúng đối tượng…

Ông Ngô Mạnh Hùng cho biết thêm, sai phạm tài chính trong lĩnh vực giáo dục thường là mượn danh nghĩa hội cha mẹ học sinh và gây quỹ các đoàn thể để ép các bậc cha mẹ học sinh và học sinh đóng góp; sai phạm về tài chính trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo; gian lận khẩu phần ăn của học sinh bán trú; thu tiền phụ đạo không đúng quy định…

Về phía Bộ GD-ĐT, ông Trần Quang Quý, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng: Công tác phòng, chống tham nhũng của ngành giáo dục trong 4 năm qua đã được thực hiện một cách nghiêm túc với nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện và đã thu được một số kết quả tích cực cả hai phương diện phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng. Các vụ việc tham nhũng xảy ra trong lĩnh vực giáo dục không nhiều và quy mô không lớn. Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị giáo dục, các chương trình mục tiêu quốc gia được nhà nước đầu tư với số lượng tài chính rất lớn nhưng công tác kiểm toán hàng năm cho thấy chưa phát hiện có những sai phạm đáng kể phải xử lý hình sự.

Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực giáo dục, ông Trần Quang Quý nhấn mạnh: trước mắt trong năm 2010 và năm 2011, Bộ GD-ĐT sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung vào các giải pháp nhằm thực hiện công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình ở tất cả các khâu trong các khâu trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân, rà soát những việc, những khâu dễ nảy sinh tiêu cực, tham nhũng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Những năm tiếp theo, Bộ sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về xây dựng và hoàn thiện các quy định về trách nhiệm thực thi công vụ và chuẩn đạo đức nghề nghiệp của cán bộ giáo viên trong ngành; đồng thời tiếp tục kiến nghị Đảng, Nhà nước có cơ chế và chính sách ưu tiên phát triển giáo dục và từng bước nâng cao đời sống cán bộ giáo viên.

Ông Rolf Bergman, đại sứ Vương quốc Thụy Điển cho rằng: Đã đến lúc Việt Nam phải thực hiện hóa những cam kết chính trị của mình trong thực tiễn. Chúng ta biết rằng quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế tri thức và một nước có mức thu nhập trung bình chỉ có thể đạt được nếu chúng ta khuyến khích tự do suy nghĩ và có những ý tưởng mới. Điều này sẽ không thể có được nếu các cơ sở giáo dục và các trường đại học là nơi mà điểm thi, nghề dạy học và cơ hội nhập học đều có thể mua được bằng tiền. Việc nhập học chỉ được quyết định dựa trên kết quả học tập của học sinh, sinh viên chứ không vì một điều gì khác. Tôi tin rằng chúng ta sẽ đồng lòng với một viễn cảnh là ngành giáo dục không thể có tham nhũng.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực