Phú Yên quyết tâm đẩy lùi dịch COVID- 19

Thứ sáu, 16/07/2021 09:03
(ĐCSVN) – Với mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là ưu tiên hàng đầu, Phú Yên đang dành ưu tiên cao nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới.

Nhiều điểm “nóng” xuất hiện

Theo Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên, tính từ 8h đến 17h ngày 15/7, toàn tỉnh ghi nhận 24 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó TP Tuy Hòa có 23 ca (gồm 3 ca trong bệnh viện dã chiến, 13 ca là F1, 7 ca trong khu vực phong tỏa), TX Đông Hòa có 1 ca (F1).

Như vậy, đến nay tỉnh Phú Yên đã ghi nhận 669 ca nhiễm SARS-CoV-2, trong đó TP Tuy Hòa 392 ca, huyện Phú Hòa 63 ca, TX Đông Hòa 36 ca, huyện Tây Hòa 4 ca, huyện Tuy An 82 ca, TX Sông Cầu 1 ca, huyện Đồng Xuân 2 ca, huyện Sơn Hòa 60 ca và huyện Sông Hinh 29 ca. Trên địa bàn tỉnh có 849 người đang cách ly tại cơ sở y tế.

Tỉnh Phú Yên lập chốt kiểm soát người tham gia giao thông đi qua vùng dịch. (Ảnh: Như Thanh)

Trong số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các cơ sở y tế có 4 bệnh nhân nặng, nguy kịch (tăng 2 bệnh nhân); 5 bệnh nhân viêm phổi nặng; 15 bệnh nhân viêm phổi trung bình, nhẹ; 639 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng.

Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên đã yêu cầu người dân phải khai báo y tế đầy đủ; khi có dấu hiệu sốt, ho, khó thở… liên hệ ngay với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn y tế; không được tự ý mua thuốc uống. Cụ thể, số điện thoại đường dây nóng hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 của Sở Y tế Phú Yên là 0963391414; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên là 0834291679.

Ban chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên cũng giao Tiểu ban Xét nghiệm chỉ đạo các cơ sở xét nghiệm COVID-19 của tỉnh này phụ trách xét nghiệm theo từng địa bàn: Cơ sở xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa tỉnh phụ trách xét nghiệm cho TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, huyện Đồng Xuân và các bệnh viện dã chiến trên địa bàn tỉnh. Cơ sở xét nghiệm Trung tâm Kiểm nghiệm Thuốc - Mỹ phẩm - Thực phẩm và tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phụ trách xét nghiệm cho TX Đông Hòa, huyện Tây Hòa, huyện Sông Hinh, huyện Sơn Hòa và huyện Phú Hòa và máy xét nghiệm lưu động do đoàn công tác Trường đại học Kỹ thuật Y - Dược Đà Nẵng phụ trách xét nghiệm cho huyện Tuy An.

Có thể thấy, trong đợt dịch COVID-19 bùng phát lần thứ tư này, nhiều ca nhiễm SARS-CoV-2 đã xuất hiện ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp của tỉnh Phú Yên. Trước tình hình này, tổ chức công đoàn và các doanh nghiệp của tỉnh cũng đã tăng cường tuyên truyền, thực hiện nhiều giải pháp phòng dịch nhằm đảm bảo sức khỏe cho người lao động và ổn định sản xuất.

Do diễn biến dịch phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã chủ động nâng cấp phương án phòng chống dịch từ hình thức tổng quan sang chi tiết, với nhiều giải pháp ứng phó cụ thể. Mục đích là để có thể ứng phó kịp thời, nhanh chóng, thuận lợi triển khai khi có sự cố xảy ra.

Theo Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên, hiện nhiều doanh nghiệp hướng đến mô hình “3 tại chỗ”. Tuy nhiên, mô hình này hơi khó áp dụng do đa phần người lao động có gia đình tại địa phương. Ban quản lý đang phối hợp với ngành Y tế tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch theo đúng quy định khi thực hiện phương án bố trí nơi lưu trú tại chỗ cho người lao động. Trong đó chú ý đến việc sàng lọc và chia theo từng nhóm F1, F2 để tránh lây nhiễm chéo khi tình huống xấu nhất xảy ra.

Theo ông Phan Quốc Thắng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Yên, Liên đoàn Lao  động tỉnh đã triển khai nhiều văn bản đến các cấp công đoàn và doanh nghiệp tăng cường tuyên truyền để công nhân nắm bắt nhanh thông tin về dịch bệnh hàng ngày; chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp doanh nghiệp kích hoạt mức phòng, chống dịch cao nhất với tinh thần quyết liệt hơn nhằm chủ động ứng phó, xử lý khi có người lao động mắc COVID-19; đồng thời quan tâm chất lượng bữa ăn giữa ca của công nhân, cải thiện môi trường làm việc nhằm đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, các cấp công đoàn còn khuyến khích doanh nghiệp và người lao động chủ động, bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Đến nay, các doanh nghiệp đều thực hiện các hình thức phòng dịch tốt như: Áp dụng phần mềm khai báo y tế bằng việc quét mã QR; thành lập ban, tổ phòng, chống dịch tại doanh nghiệp; kiểm tra nghiêm ngặt việc trang bị khẩu trang và vệ sinh nhà xưởng, khử khuẩn thường xuyên…

Lãnh đạo Ban quản lý Khu kinh tế Phú Yên cho hay, các doanh nghiệp đã đăng ký tiêm vắc xin cho 8.100/9.500 người lao động, đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của chủ doanh nghiệp đến việc bảo vệ sức khỏe người lao động. Trong khi chờ đợi thông tin về nguồn vắc xin chính thức, giải pháp thiết thực nhất hiện nay là các doanh nghiệp phải tự triển khai test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hàng tuần cho toàn bộ người lao động, đồng thời nghiêm túc thực hiện yêu cầu 5K trong phòng, chống dịch.

Ưu tiên cao nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương kiểm tra công tác phòng chống dịch trên địa bàn tỉnh. (Ảnh: Báo Phú Yên)

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh, ngay từ chiều tối 12/7, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên đã có cuộc họp khẩn với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng chống dịch, những tồn tại và bàn các giải pháp cấp bách tiếp theo.

Ủy viên Trung ương Đảng - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương đã nhấn mạnh: Với mục tiêu chăm lo, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là ưu tiên hàng đầu, trong giai đoạn này, chúng ta cần ưu tiên cao nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch với quan điểm “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Sau đó, khi nào, nơi nào an toàn và có đủ điều kiện theo quy định thì phải đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội; chủ động linh hoạt, sáng tạo trong lựa chọn thứ tự ưu tiên cho các mục tiêu.

Bí thư Tỉnh ủy Phạm Đại Dương cho rằng: “Để thực hiện mục tiêu trên, cả hệ thống chính trị của chúng ta cần phải vào cuộc quyết liệt. Trong dịch bệnh, khó khăn như thế này, chúng ta lại càng cần phải thể hiện bản lĩnh chính trị, chúng ta không chủ quan, lơ là nhưng cũng không hoang mang lo sợ. Đặc biệt, cần phát huy cao độ sự đoàn kết trong tập thể, để triển khai công việc phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội một cách khoa học, thống nhất và hiệu quả. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành cấp trên. Phân công, phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường hơn nữa việc kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện. Nâng cao hiệu quả phối hợp, có sự chỉ đạo, điều phối tập trung, thống nhất giữa các lực lượng phòng, chống dịch trên địa bàn bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm về kết quả phòng, chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý.”

Cũng theo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, địa phương cần kế thừa, phát huy các giải pháp hiệu quả, phù hợp, các thành quả, bài học kinh nghiệm, cách làm hay, mô hình tốt trong thực tiễn phòng, chống dịch thời gian qua. Do đó, trong công tác phòng chống dịch của tỉnh Phú Yên, trên cơ sở các hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, các đơn vị chuyên môn, chúng ta cần xây dựng phương pháp phòng chống dịch của tỉnh với kế hoạch chi tiết, cụ thể trong các tình huống khác nhau để có thể triển khai trên toàn hệ thống chính trị, toàn tỉnh một cách nhịp nhàng, hiệu quả. Đồng thời, phải cần chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế để thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” nhằm sẵn sàng nguồn lực cho các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra.

Theo đó, đối với các khu vực đã được khoanh vùng thì phải quản lý chặt, không để tình trạng ngoài chặt, trong lỏng. Thực hiện khoanh vùng nhanh nhất ở phạm vi hẹp nhất có thể trên cơ sở đánh giá mức nguy cơ, kết quả điều tra dịch tễ, không máy móc áp dụng theo địa giới hành chính; khi chưa khoanh được hẹp thì tạm thời khoanh rộng và khẩn trương điều tra dịch tễ, xác định phạm vi lây nhiễm để nhanh chóng thu hẹp khu vực giãn cách. Thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn của ngành y tế trong khu cách ly tập trung, không để lây nhiễm chéo. Các trường hợp bệnh có diễn biến nặng cần kịp thời điều trị, xử lý. Khi có vaccine thì cần được triển khai nhanh, đúng đối tượng theo thứ tự ưu tiên, công khai, công bằng. “5K + vaccine” là giải pháp quan trọng trong phòng chống dịch.

Việc cung cấp các nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa cần được đảm bảo và triển khai một cách khoa học, tránh tình trạng nơi thừa nơi thiếu. Đối với các nơi ngoài khu vực cách ly thì có giải pháp để người dân có thể mua được thực phẩm, đồ dùng thiết yếu nhưng phải đảm bảo về phòng chống dịch. Kinh nghiệm đã qua cho thấy, chợ, trung tâm thương mại là những nơi dễ xảy ra bùng phát dịch bệnh nhất. Có biện pháp thiệt thực hỗ trợ phân phối, tiêu thụ hàng hóa, nông sản của khu vực bị cách ly, phong tỏa.

Đồng thời, Phú Yên phát huy vai trò của Tổ phòng chống COVID cộng đồng đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, đôn đốc, nhắc nhở, nắm tình hình, giám sát việc thực hiện phòng, chống dịch trên địa bàn đặc biệt trong giám sát cách ly tại nhà, theo dõi y tế sau cách ly, người về từ vùng dịch.

Công tác tuyên truyền cần được thực hiện thống nhất, hiệu quả trên các phương tiện thông tin đại chúng khác nhau (như báo, website, tivi, đài phát thanh, loa phường, facebook…) với thông tin đầy đủ, thống nhất, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ tiếp cận. Không để người dân hoang mang do thiếu thông tin, hay thông tin không chính thông. Ban chỉ đạo phòng, chống COVID-19 tỉnh và các địa phương thành lập các đường dây nóng để chủ động tiếp nhận, xử lý và giải quyết các kiến nghị của người dân công khai, minh bạch; cung cấp thông tin kịp thời, khách quan cho nhân dân, nhất là về tình hình, các biện pháp phòng, chống dịch. Cần phân loại thông tin nghiệp vụ phục vụ các cơ quan phòng, chống dịch và thông tin đại chúng để đưa tin cho phù hợp. Công tác thông tin báo cáo phục vụ phòng chống dịch cũng cần được tổ chức, triển khai một cách thông suốt từ tỉnh đến xã. Đồng thời, chủ động phản bác, đấu tranh với các đối tượng lợi dụng tình hình COVID-19 để chống phá Đảng, Nhà nước.

Kết luận tại cuộc họp khẩn giữa Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên với Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 tỉnh Phú Yên và lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố về công tác phòng chống dịch, đồng chí Phạm Đại Dương đã yêu cầu: Mỗi đồng chí Thường trực Tỉnh ủy, mỗi đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, mỗi đồng chí Tỉnh ủy viên và các cán bộ, công chức, người lao động phải làm tấm gương, thực hiện nghiêm, quyết liệt, đóng góp vào công cuộc phòng chống dịch của tỉnh. Mỗi đồng chí, theo địa bàn, lĩnh vực phụ trách cần phát huy tính tiên phong, chủ động thực hiện tốt chức trách của mình trong công cuộc phòng chống dịch bệnh cũng như tuyên truyền, động viên người thân trong gia đình, hàng xóm thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, trong đó lưu ý việc cài đặt và cập nhật thường xuyên trên ứng dụng Bluezone. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi, địa bàn quản lý; kịp thời động viên, biểu dương, khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân có thành tích trong phòng, chống dịch; xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước./..

K.V(TH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực