Sức khỏe, tính mạng của Nhân dân luôn là tâm điểm của mọi sự nỗ lực

Thứ sáu, 22/10/2021 01:32
(ĐCSVN) - Dù dịch bệnh cơ bản đã ổn định, song các cơ quan, đơn vị cần tránh tình trạng chủ quan trong phương pháp; phải thường xuyên giám sát, rà soát để rút ra các kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời. Sức khỏe, tính mạng của Nhân dân luôn là tâm điểm của mọi sự nỗ lực.
 Phó Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải thông tin tại buổi họp báo (Ảnh: TTBCTP)

Đó là nhấn mạnh của Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ  Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê tại cuộc họp báo định kỳ thông tin về tình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh được tổ chức vào chiều 21/10.

Thông tin về công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn, Phó Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải cho hay, tính đến 18 giờ 00 ngày 20/10/2021, có 421.491 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại TP Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, bao gồm 420.992 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 499 trường hợp nhập cảnh.

Hiện hệ thống y tế Thành phố đang điều trị 11.516 bệnh nhân, trong đó: có 830 trẻ em dưới 16 tuổi, 333 bệnh nhân nặng đang thở máy, 13 bệnh nhân can thiệp ECMO.

Đến ngày 20/10, Thành phố đã tổ chức tiêm được 7.133.331 mũi 1 và 5.538.828 mũi 2 vắc xin phòng COVID-19.

Đối với công tác an sinh, lũy kế từ ngày 15/8/2021 đến ngày 21/10/2021, tổng số túi an sinh đã chuyển đến các quận, huyện, TP Thủ Đức là 2.154.694 túi.

Thông tin về việc chi trả gói hỗ trợ đợt 3, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Lâm cho biết, hiện tại, có 5.248.862 người dân trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã nhận hỗ trợ. Trong đó có 17 quận - huyện có tỉ lệ chi trả trên 80%, một vài quận - huyện vẫn còn chi trả chậm do địa bàn dân cư đông, nhỏ lẻ, khu phong tỏa và một phần do nguồn kinh phí chưa chuyển kịp về địa phương… Tuy nhiên, các địa phương cam kết sẽ hoàn thành việc chi trả đúng tiến độ UBND Thành phố đã chỉ đạo.

Về cung ứng hàng hóa, Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú cho hay, tổng lượng hàng cung ứng về TP Hồ Chí Minh ngày 20 và sáng 21/10 ước đạt 5.900 tấn, tăng 2% so với ngày hôm qua. Hiện nay, lượng hàng cung ứng tại các điểm trung chuyển ở 3 chợ đầu mối tăng lên mỗi ngày (nếu trước đây lượng hàng mỗi ngày chỉ khoảng 1.000 tấn thì nay đã tăng gấp đôi).

Ngoài ra, Thành phố hiện có 96/234 chợ truyền thống được hoạt động lại. Dự kiến, đến 25/10, sẽ có thêm 16 chợ truyền thống nữa được mở lại.

Tại buổi họp báo, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho hay, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã dự thảo kế hoạch trình UBND Thành phố và sẽ triển khai sau khi Bộ Y tế phê duyệt loại vắc xin và thời gian để tiêm phòng cho trẻ em từ 12-17 tuổi.

Hiện tại, Sở Y tế phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động, Thương binh xã hội, UBND quận, huyện/thành phố để thống kê số lượng trẻ em trên địa bàn. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Hưng, tất cả trẻ em trong độ tuổi quy định trên địa bàn đều sẽ được tiêm vắc xin phòng COVID-19. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin cho trẻ cần có sự đồng thuận của phụ huynh.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ Phan Nguyễn Như Khuê kết luận tại cuộc họp (Ảnh: TTBCTP) 

Phó Giám đốc Sở Y tế cũng cho biết, hiện nay, trên địa bàn Thành phố, có khoảng 99% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1 và 76,8% người dân trên 18 tuổi được tiêm mũi 2. Với những trường hợp chưa tiêm mũi 1 hoặc đến hạn tiêm mũi 2, người dân có thể đến đăng kí tiêm tại UBND địa phương hoặc đăng kí thông qua đầu số 8066 của Sở Thông tin - Truyền thông. Sở Y tế cũng yêu cầu các quận, huyện linh hoạt, tạo điều kiện tiêm chủng cho những đối tượng làm mất giấy chứng nhận tiêm mũi 1.

Trước thực tế hiện nay, có nhiều người quay trở lại TP Hồ Chí Minh để học tập, lao động, sinh sống, Thành phố chủ trương tiêm đủ vắc xin cho các trường hợp này. Do đó, Sở Y tế đang phối hợp với UBND các địa phương thống kê số lượng người dân trở về, đồng thời yêu cầu các doanh nghiệp lập danh sách công nhân để bố trí địa điểm tiêm sao cho thuận tiện. Ngoài ra, Thành phố cũng tăng cường tiêm chủng lưu động, phối hợp với các địa bàn cửa ngõ, giáp ranh để tiêm chủng cho người dân có ý định trở về Thành phố với mục tiêu tăng cường bao phủ vắc xin.

Phát biểu kết luận tại cuộc họp, Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP Hồ Chí Minh Phan Nguyễn Như Khuê khẳng định: sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là tâm điểm suốt thời gian qua của mọi sự nỗ lực. Các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, lực lượng đã cùng đồng hành, chia sẻ với Thành phố để có kết quả như hôm nay.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ, mặc dù dịch bệnh cơ bản đã ổn định, Thành phố bước vào trạng thái “bình thường mới” nhưng vấn đề sức khỏe, chất lượng cuộc sống của Nhân dân vẫn luôn được đặc biệt quan tâm thường xuyên, liên tục. Do đó, các cơ quan, đơn vị cần tránh tình trạng chủ quan trong phương pháp; phải thường xuyên giám sát, rà soát để rút ra các kinh nghiệm, chấn chỉnh kịp thời, nhất là trong vấn đề chi trả hỗ trợ, tiêm vắc xin cho người dân.

Bên cạnh đó, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy cũng đề nghị các ngành liên quan chủ động cung cấp thông tin để các cơ quan báo chí nắm sát, tiếp cận đầy đủ, chính xác các vấn đề trước khi chuyển tải đến với người dân. Ngược lại, trong quá trình trao đổi thông tin, nếu có vấn đề chưa rõ, các phóng viên cần trao đổi lại, tránh những thông tin sai lệch, hiểu nhầm, không rõ nghĩa.

Đồng chí cũng mong các toà soạn tiếp tục có những tuyến bài phản ánh không khí mới, sự nhộn nhịp, khẩn trương, trách nhiệm của các ngành trong công cuộc xây dựng và phát triển của Thành phố; sự phấn khích của người dân, sự háo hức của doanh nghiệp…, qua đó góp phần thể hiện toàn cảnh của TP Hồ Chí Minh trong trạng thái “bình thường mới”.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực