Thừa Thiên Huế tổ chức ​Hội nghị khoa học phòng, chống ung thư thường niên

Thứ sáu, 23/08/2024 17:42
(ĐCSVN) - Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế là một trong những hội nghị chuyên ngành quan trọng thuộc chương trình hoạt động hàng năm của Hội Ung thư Việt Nam, do Bệnh viện Trung ương Huế và Trường Đại học Y Dược Huế phối hợp tổ chức.

Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế, lần thứ 12, năm 2024 nằm trong chuỗi các hoạt động chuyên môn và hội nghị - hội thảo khoa học chào mừng kỷ niệm 130 năm thành lập và phát triển Bệnh viện Trung ương Huế (1894 - 2024). Hội nghị được diễn ra trong 3 ngày từ 21 - 23/8. 

 
 Hội nghị khoa học phòng chống ung thư thường niên Huế, lần thứ 12, năm 2024 nằm trong chuỗi các hoạt động chuyên môn và hội nghị - hội thảo khoa học chào mừng kỷ niệm 130 năm thành lập và phát triển Bệnh viện Trung ương Huế (1894 - 2024). Hội nghị được diễn ra trong 3 ngày từ 21 đến 23/8.

Bệnh ung thư vẫn là nhóm bệnh lý không lây nhiễm luôn thu hút sự quan tâm đặc biệt của ngành y tế và toàn xã hội. Theo GLOBOCAN 2022, có khoảng 20 triệu ca ung thư được chẩn đoán trên toàn thế giới, tăng so với 18 triệu ca vào năm 2020. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, IARC dự đoán tỉ lệ ung thư sẽ tăng 142% ở các quốc gia kém phát triển và tăng 99% ở các quốc gia có mức phát triển trung bình.

Tại Việt Nam, gánh nặng ung thư ước tính đã tăng gấp 3 lần sau 30 năm và điều đáng quan ngại hiện nay là bệnh nhân ung thư đang có xu hướng trẻ hóa. Cũng theo GLOBOCAN 2022, tại Việt Nam, tỷ lệ mắc mới ung thư xếp thứ 90/185 quốc gia và tỷ lệ tử vong do ung thư xếp thứ 50/185 quốc gia. Ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Cứ 100.000 người thì có 159 người chẩn đoán mắc mới ung thư và 106 người tử vong do ung thư. Hiện có hơn 350.000 người Việt Nam đang sống với bệnh ung thư. Tại một nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Huế về các ung thư vùng đầu- cổ được chẩn đoán ở giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ bệnh nhân trẻ dưới 40 tuổi là 11,2%, tăng gần gấp đôi so với số liệu 10 năm trước đó. Tuy nhiên theo thời gian và theo sự phát triển của xã hội cùng những tiến bộ y học vượt bậc, việc chẩn đoán và điều trị ung thư đã có những bước phát triển mới, nhiều thành tựu đáng khích lệ. Ngày càng nhiều bệnh nhân ung thư đã được chữa khỏi hoàn toàn. Điều đáng mừng là chẩn đoán và điều trị ung thư tại Việt Nam hiện nay đã tiếp cận được những tiến bộ về công nghệ trên thế giới.

 GS.TS.BS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế phát biểu tại Hội nghị

Theo GS.TS.BS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế: Bệnh viện Trung ương Huế là Bệnh viện hạng đặc biệt của Bộ Y tế, từ lâu đã là một cơ sở điều trị ung thư uy tín trong khu vực và cả nước. Trong những năm qua, bên cạnh đội ngũ nhân lực chất lượng cao, Bệnh viện đã đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại trong chẩn đoán và điều trị, những liệu pháp và kỹ thuật điều trị tiên tiến. Đặc biệt bệnh nhân ung thư được điều trị trên cơ sở phối hợp đa chuyên khoa, thông qua sự đồng thuận hội chẩn từ nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế để có được phác đồ điều trị tốt nhất.

“Từ năm 2015, Trung tâm Ung Bướu Bệnh viện Trung ương Huế đã triển khai thường qui các kỹ thuật xạ trị tiên tiến ngang tầm các nước trong khu vực, như xạ trị điều biến liều IMRT, xạ trị điều biến theo thể tích VMAT, xạ trị dưới hướng dẫn hình ảnh IGRT, xạ phẫu định vị SRS/SBRT. Bệnh viện là đơn vị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam triển khai xạ trị ở trẻ em, đặc biệt là xạ trị có gây mê. Các phương pháp điều trị cao cấp như điều trị trúng đích, miễn dịch, hóa trị liều cao, ghép tế bào gốc đã được triển khai thành công ở cả ung thư người lớn và ung thư nhi… Đẩy mạnh điều trị sinh học áp dụng để điều trị đúng bệnh nhân, đúng thuốc, đúng liều và đúng thời điểm dựa theo bản đồ gen đặc thù của từng cá nhân... Bệnh viện đã triển khai thường qui hoạt động hội chẩn đa chuyên khoa trên từng ca bệnh, hội chẩn chuyên gia nước ngoài với các ca bệnh khó, vừa tiết kiệm về chi phí, vừa đạt sự chính xác và hiệu quả cao nhất cho người bệnh. Hàng năm Bệnh viện tiếp nhận và điều trị hơn 18.377 bệnh nhân nội trú, gần 36.000 bệnh nhân ngoại trú.” - GS.TS.BS Phạm Như Hiệp chia sẻ.

 Hội nghị vui mừng chào đón hơn 600 đại biểu về tham dự, trong đó có gần 40 chuyên gia, báo cáo viên, giảng viên quốc tế.

Hội nghị lần này tiếp tục được đánh giá cao về tính chuyên nghiệp và chất lượng khoa học. Ngoài chương trình tập huấn điều trị ung thư đa chuyên khoa truyền thống, Hội nghị tập trung vào những chủ đề đáng quan tâm hiện nay: Cập nhật những tiến bộ mới trong chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư thường gặp: ung thư vú, ung thư phổi, ung thư tiêu hóa và ung thư đầu- cổ…; Cập nhật những tiến bộ trong thực hành xạ trị ung thư, bao gồm xạ trị Proton; Đào tạo thực hành ung thư Nhi, Ghép tủy và liệu pháp miễn dịch trong ung thư Nhi; Chăm sóc giảm nhẹ và Điều dưỡng ung thư; đặc biệt năm nay có phiên CME “Những tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư” do Liên chi hội thầy thuốc trẻ Việt Nam chuyên ngành ung bướu (Vietnam Young Physicians’ Association for Cancer (VYPAO) phối hợp tổ chức, cung cấp những cập nhật của ASCO 2024, ESMO 2024 trong chẩn đoán và điều trị ung thư; trong khuôn khổ Hội nghị còn diễn ra Lớp đào tạo thực hành ung thư Nhi, Khóa đào tạo về chăm sóc giảm nhẹ ở bệnh nhân người lớn và Chăm sóc giảm nhẹ ở bệnh nhi ung thư, nhằm khẳng định vai trò ngày càng lớn của chuyên ngành chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân nói chung và bệnh nhân ung thư nói riêng.

Hội nghị vui mừng chào đón hơn 600 đại biểu về tham dự, trong đó có gần 40 chuyên gia, báo cáo viên, giảng viên quốc tế đến từ các tổ chức  và các trường đại học danh tiếng…  Hội nghị trở thành nơi gặp gỡ, trao đổi chuyên môn của các chuyên gia giàu kinh nghiệm trong nước và quốc tế; đồng thời giới thiệu các tiến bộ mới nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam./.       

Tin, ảnh: Hoàng Oanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực