Tiêm vắc xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong

Thứ sáu, 18/06/2021 12:22
(ĐCSVN) - Theo các chuyên gia dịch tễ, việc tiêm vắc xin COVID-19 chưa chắc chắn làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh nhưng việc tiêm vắc xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Vừa qua, nhiều nhân viên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.Hồ Chí Minh đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng COVID-19 nhưng vẫn mắc COVID-19 khiến nhiều người thắc mắc và lo lắng việc tiêm vắc xin COVID-19 rồi vẫn có thể nhiễm vi rút SARS-CoV-2?. Vậy tiêm phòng vắc xin COVID-19 rồi sẽ miễn nhiễm với virus hay không? Ý nghĩa của việc tiêm vắc xin phòng bệnh như thế nào? Các chuyên gia dịch tễ sẽ trả lời cho câu hỏi này.

 Cán bộ y tế tại Hà Nội tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng có nguy cơ . (Ảnh: CPV)

Không phải tất cả mọi người đều có kháng thể bảo vệ sau tiêm

Lý giải nguyên nhân những người đã tiêm vắc xin phòng COVID-19 rồi vẫn có thể nhiễm virus SARS-CoV-2, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam phân tích, vắc xin COVID-19 là vắc xin mới, được cấp phép theo điều kiện khẩn cấp nên chúng ta chưa biết chắc chắn rằng việc tiêm vắc xin có làm giảm được khả năng nhiễm bệnh và lây truyền bệnh hay không; việc theo dõi về hiệu quả và thời gian bảo vệ của vắc xin vẫn đang được tiếp tục theo dõi và đánh giá. Tuy nhiên, việc tiêm vắc xin sẽ giúp giảm triệu chứng nặng và giảm nguy cơ tử vong.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chưa biết rõ thời gian hình thành kháng thể phòng bệnh sau tiêm là bao lâu mới có khả năng phòng bệnh.

Ngoài ra, vắc xin không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng phòng ngừa việc mang mầm bệnh. Trên thực tế có những loại vắc xin hiệu lực bảo vệ với 90% nhưng có vắc xin chỉ hiệu lực bảo vệ khoảng 50%-60%. Điều này có nghĩa là một số người đã tiêm vắc xin vẫn có khả năng mang virus và lây bệnh cho người khác.

Về việc liệu sau khi đã tiêm hai mũi vắc xin, người được tiêm đã đủ được bảo vệ hay không, ông Trần Đắc Phu cho rằng, tiêm đủ 2 mũi vắc xin với đủ thời gian khuyến cáo thì cơ thể đã có kháng thể bảo vệ nhưng không phải tất cả mọi người đều có.

Hơn nữa, đây là chủng virus mới nên cũng cần có thời gian để nghiên cứu, đánh giá vắc xin này có hiệu lực bảo vệ tốt với chủng Ấn Độ hay không. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng khi tiêm vắc xin COVID-19, nếu chưa cản được sự lây nhiễm của virus SARS-CoV-2 thì vắc xin sẽ giảm tình trạng nặng và tử vong đối với người nhiễm.

Tiêm vắc xin COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vắc xin COVID-19 vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, trong đó có 5K: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế.

Người nhiễm bệnh đã được tiêm vắc xin hầu như không lây cho người khác

TS.BS Phạm Quang Thái- Trưởng Văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Phó Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng: Vắc xin COVID-19 không đem lại sự bảo vệ tức thì. Tiêm vắc xin rồi vẫn có thể bị mắc bệnh. Ít nhất 12-14 ngày sau khi tiêm mũi đầu tiên, cơ thể mới bước đầu có tác dụng. Sau tiêm mũi thứ 2, vắc xin COVID-19 đạt hiệu quả bảo vệ tối ưu từ một tháng trở lên. Ngoài ra, hiệu quả này cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60-90% tùy theo từng loại vắc xin.

Chuyên gia này nhấn mạnh, vắc xin COVID-19 không bảo vệ tuyệt đối, nhất là khả năng bảo vệ cơ thể không mang mầm bệnh. Điều này có nghĩa là khi đã tiêm vắc xin, chúng ta có thể không mắc COVID-19, nhưng vẫn có khả năng trở thành người mang virus và lây bệnh cho người khác.

Qua nghiên cứu cụ thể những ca nhiễm COVID-19 tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương hay ở Điện Biên trước đây cũng đã có những người được tiêm vắc xin COVID-19 vẫn nhiễm bệnh, TS.Thái cho biết, các chuyên gia nhận định, việc lây thứ cấp từ những người nhiễm SARS-CoV-2 đã được tiêm vắc xin COVID-19 hầu như không có, rất hiếm.

Tỷ lệ bảo vệ sau khi tiêm mũi 1 vắc xin COVID-19 là khá thấp, chỉ từ 30- 50%, thậm chí là thấp hơn. Với tỉ lệ bảo vệ thấp như vậy thì vẫn sẽ có những người tiêm 1 mũi mà bị nhiễm bệnh, đặc biệt những người vừa tiêm xong, chưa đủ để tạo ra kháng thể. Sau khi tiêm mũi 1 ít nhất khoảng 12 ngày trở đi, cơ thể mới có thể tạo ra kháng thể.

TS. Thái nhận định, virus SARS-CoV-2 né tránh miễn dịch rất tốt, vì vậy nhiễm bệnh rồi nhưng tạo ra kháng thể hay không rất khó nói, vì virus này có những protein gây cản trở việc sinh kháng thể. Nhưng vắc xin thì khác, đã tiêm vắc xin rồi sẽ cầm chắc việc sinh kháng thể.

Theo bác sĩ Thái, vừa rồi khi Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương tổ chức tiêm vắc xin, sau 1 tháng, khi đánh giá lại những người đã tiêm về vấn đề sinh kháng thể thì thấy rằng đến 90% số người đã tiêm mũi 1 đã sinh kháng thể. Đây là kết quả rất khả quan, cho thấy chúng ta đã được vắc xin bảo vệ, mặc dù bảo vệ có thể chưa đủ mạnh- đây là lí do chúng ta phải tiêm mũi 2.

Trong nghiên cứu ban đầu ở Việt Nam thấy rằng tỉ lệ những người đã khỏi COVID-19 có miễn dịch vô cùng thấp, chứng tỏ rằng con virus này rất thông minh, tránh được và làm cho hệ thống miễn dịch đáp ứng yếu ớt với nó. Đó là lý do vì sao không có được sự miễn dịch tốt ở những người đã nhiễm bệnh.

Tuy nhiên, đối với vắc xin thì khác, chỉ sau 1 tháng sau tiêm mũi 1, việc đáp ứng lên tới 90% số người tiêm đã sinh kháng thể, tất nhiên kháng thể đó có thể mạnh, yếu, có thể không đủ, không trung hòa được virus, nhưng ít nhất là có thể nhìn thấy được.

Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp phòng bệnh chủ động rất quan trọng. Tuy nhiên, người đã được tiêm vắc xin COVID-19 vẫn rất cần ý thức được tầm quan trọng của việc hạn chế các hành vi nguy cơ, đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, trong đó có 5K: Khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế./.

Đỗ Thoa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực