|
Trẻ điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1. (Ảnh: Duy Tính) |
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC), đầu năm 2024, TP Hồ Chí Minh không ghi nhận ca bệnh sởi dương tính nào. Tuy nhiên, từ ngày 23/5 đến 11/8, tất cả bệnh viện trên địa bàn Thành phố ghi nhận có 597 ca sốt phát ban nghi sởi, trong đó 346 ca xét nghiệm xác định (có 3 ca tử vong tại các bệnh viện). Trong số 346 ca xác định, có 153 ca bệnh địa chỉ ở TP Hồ Chí Minh, chiếm 50%, còn lại là tại các tỉnh đến khám và điều trị. Trong khi đó, từ năm 2021 đến 2023, toàn Thành phố chỉ ghi nhận 1 ca bệnh sởi.
Số ca sởi trên địa bàn Thành phố xuất hiện ở 57 phường, xã của 16 quận, huyện, trong đó có 9 quận, huyện có từ 2 ca bệnh trở lên. Như vậy hiện có 9 quận, huyện đủ điều kiện công bố dịch.
Bên cạnh đó, trong số 115 trẻ từ 9 tháng tuổi trở lên dương tính với sởi đủ điều kiện tiêm vaccine mũi 1 (9 tháng tuổi trở lên) thì có 73% là do chưa được tiêm chủng mũi nào, còn lại 12% không rõ tiền sử tiêm chủng.
Bà Lê Hồng Nga, Phó Giám đốc HCDC cho biết, nhiều quận, huyện ở TP Hồ Chí Minh không đạt tỉ lệ tiêm chủng, tỉ lệ bao phủ vaccine sởi. Tỉ lệ tiêm chủng mũi vaccine sởi 1 năm 2023 chỉ đạt 89,2% trên quy mô toàn Thành phố, chưa có quận nào đạt trên 95%.
Với tỉ lệ tiêm chủng vaccine sởi mũi 2, từ năm 2019 đến năm 2022 đều chưa đạt trên 95%. Có quận huyện 4 năm liên tiếp không đạt tỉ lệ tiêm chủng trên 95% gồm: Quận 5, Quận 8, Quận 11, Quận 2, huyện Củ Chi, TP.Thủ Đức... Do vậy không ngăn chặn được sự tấn công của dịch sởi.
Ngày 12/8, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh họp toàn bộ hệ thống dự phòng và điều trị để rà soát và triển khai công tác phòng, chống, kiểm soát bệnh sởi trên địa bàn.
|
Sở Y tế tổ chức họp với các cơ sở y tế trực thuộc về tình hình phòng, chống dịch sởi ở TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thảo Phương) |
Tại cuộc họp, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết sởi là bệnh do virus sởi, lây qua đường hô hấp. Cứ 1 ca bệnh sởi có thể lây cho 12 - 18 ca khác trong quá trình bệnh. Sởi đã có vaccine phòng bệnh, nên một giai đoạn dài TP Hồ Chí Minh không có bệnh sởi, chỉ có những ca không có triệu chứng. Thời gian qua, số ca sởi gia tăng là do đứt gãy nguồn cung ứng vaccine sau đại dịch COVID-19.
TS Châu lưu ý bệnh sởi đa phần tự khỏi và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, có những nhóm người bệnh sẽ diễn tiến nặng, như sởi biến chứng viêm phổi bội nhiễm, trẻ bị suy giảm miễn dịch, trẻ mắc bệnh mạn tính, bệnh tim, thận, ung thư… Vì vậy, tập trung thứ nhất là kiểm soát bệnh trong cộng đồng bằng cách nâng cao độ bao phủ vaccine đạt 95% để tạo miễn dịch cộng đồng, đặc biệt là để bảo vệ những người không thể tiêm được vaccine; thứ hai là bảo vệ tránh lây nhiễm trong bệnh viện, quan trọng nhất bảo vệ nhóm nguy cơ.
Cơ sở khám, chữa bệnh tuân thủ chặt quy trình phòng, chống lây nhiễm qua đường hô hấp, phát ban. TS Châu nhấn mạnh việc cần thiết phải mang khẩu trang trong bệnh viện, từ nhân viên y tế, bệnh nhân đến thân nhân bệnh nhân. Tiêm bù, tiêm bổ sung vaccine sởi cho trẻ trong độ tuổi nhưng chưa tiêm (đối với trẻ không chống chỉ định). Ngoài ra, tiêm cho nhân viên y tế làm việc trong khu vực có nguy cơ, thân nhân bệnh nhân nên tiêm vaccine sởi…
Được biết, bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm gây dịch lây qua đường hô hấp do virus sởi gây nên. Bệnh có biểu hiện đặc trưng là sốt, viêm long đường hô hấp, viêm kết mạc và phát ban, có thể dẫn đến nhiều biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc, tiêu chảy... có thể gây tử vong. Bệnh sởi cũng ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể, có thể khiến cho cơ thể “quên” cách tự đề kháng trước các bệnh nhiễm trùng và làm cho trẻ bệnh trở nên yếu ớt, dễ bị bệnh. Trẻ nhỏ chưa tiêm chủng, trẻ suy dinh dưỡng, phụ nữ có thai và người bị suy yếu hệ thống miễn dịch là những người có nguy cơ biến chứng nặng nếu mắc bệnh sởi.
Mọi người đều có thể mắc bệnh sởi, tuy nhiên, bệnh chủ yếu gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi. Những trẻ không được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đầy đủ là đối tượng đầu tiên của bệnh sởi và trở thành “cầu nối” lây nhiễm cho những người xung quanh, bao gồm người lớn chưa được chủng ngừa sởi trước đây, trẻ nhỏ chưa đến tuổi chỉ định tiêm ngừa sởi và cả những người đã tiêm ngừa đủ 2 mũi. Chỉ khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng đạt trên 95% với 2 liều vaccine, dịch bệnh sởi mới có thể được kiểm soát.
Sở Y tế TP Hồ Chí Minh kêu gọi mỗi gia đình có trẻ em hãy đưa trẻ đi tiêm chủng theo các thông báo của y tế địa phương đang cư ngụ; những người sống chung với bệnh nhân mắc bệnh nền nên tiêm chủng phòng bệnh để góp phần bảo vệ người thân của mình./.