Trong tháng 7, sẽ có hơn 12 triệu liều vaccine cho địa phương đang có dịch

Chủ nhật, 25/07/2021 18:31
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, nhờ nỗ lực thúc đẩy và ngoại giao vaccine, riêng trong tháng 7 sẽ có khoảng hơn 12 triệu liều vaccine về nước, được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các tỉnh, thành phố là đầu tầu kinh tế; các tỉnh khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.
 Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phát biểu trước Quốc hội chiều 25/7. Ảnh: quochoi.vn
  
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV, chiều 25/7 Quốc hội thảo luận tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong thời gian tới.

Cần thiết ghi vào nghị quyết kỳ họp về công tác phòng, chống dịch

Đề cập công tác phòng, chống dịch COVID- 19 tại phiên thảo luận hội trường Quốc hội, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho biết: Kết quả phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021 cho thấy tinh thần đoàn kết, đồng cam, cộng khổ, chia ngọt sẻ bùi của đồng bào cả nước mỗi khi lúc gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh.

Qua đó cũng cho thấy hệ thống chính trị đang vận hành chắc chắn, ổn định, có hiệu lực, hiệu quả để hoàn thành mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch của phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thể hiện qua các quyết sách được ban hành phù hợp với tình hình thực tế, được người dân chấp nhận, tuân thủ. Đồng thời, chứng minh mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là đúng đắn và đang đi đúng hướng với phương châm sức khỏe, tính mạng con người là trên hết.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, dù các chỉ thị, nghị quyết đã có hiệu lực, phát huy tác dụng ngay lập tức nhưng đây mới dừng lại ở biện pháp ngắn hạn và nằm ở nhiều văn bản rải rác, chưa có hệ thống, chưa ổn định và có sức sống lâu dài. Bởi vậy cần thiết phải ghi vào nghị quyết kỳ họp nội dung về công tác phòng, chống dịch COVID- 19 theo Tờ trình số 262 ngày 24 tháng 7 năm 2121 của Chính phủ để luật hóa việc chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong công cuộc phòng, chống dịch.

Đánh giá cao những nỗ lực của doanh nghiệp trong việc vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất, đại biểu Phan Đức Hiếu (Thái Bình) cho rằng, đây là những đóng góp thiết thực cho việc thực hiện mục tiêu kép, do đó, báo cáo cần nhấn mạnh đóng góp của lực lượng doanh nghiệp và người dân trong phòng, chống dịch COVID-19.

Liên quan đến giải pháp thực hiện mục tiêu kép trong các giải pháp phát triển kinh tế-xã hội, đại biểu Hiếu kiến nghị cần bổ sung nội dung tăng cường phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan, địa phương trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, áp dụng “nguyên tắc công nhận lẫn nhau” và công khai thông tin về các biện pháp phòng dịch, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, hiện nay, do bối cảnh dịch bệnh ở các địa phương khác nhau nên các biện pháp phòng, chống dịch rất khác nhau. "Trong một hoàn cảnh nào đó, đây là các biện pháp cần thiết. Nhưng nếu như sự khác biệt giữa các biện pháp phòng, chống dịch dẫn đến ùn tắc về việc lưu thông hàng hóa và con người. Ngay lúc này, trên các tuyến đường quốc lộ vẫn đang ùn tắc hàng hóa. Việc phối hợp giữa các địa phương trong trường hợp này nhằm giảm tối đa những điều kiện, biện pháp khác biệt, không cần thiết", đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Quảng Ninh) cũng đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các Chỉ thị 15, 16 trong thời gian vừa qua để nhìn nhận, đánh giá toàn diện, làm tiền đề ban hành chính sách, chỉ thị mới trong phòng, chống dịch bệnh. Chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả hơn, tăng cường nguồn cung cấp vaccine, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho người dân, giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong.

Đại biểu đề nghị Chính phủ có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thu hút có hiệu quả nguồn vốn đầu tư khu vực tư nhân cho đầu tư phát triển để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, chiến lược phát triển kinh tế 10 năm. Nhu cầu đầu tư hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, dự án trọng điểm quốc gia, các dự án động lực là rất lớn và hết sức cần thiết, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nguồn thu ngân sách sẽ gặp nhiều khó khăn, rất cần phải thu hút nguồn vốn đầu tư của tư nhân để đầu tư cho hạ tầng…

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021-2025, đại biểu cho rằng Chính phủ đã đưa ra giải pháp thực hiện song song nhiệm vụ phát triển kinh tế gắn với giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới cần phải có những giải pháp cụ thể hơn như rà soát, hoàn thiện cơ chế, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách pháp luật về lĩnh vực xã hội như giảm nghèo, công tác khám bệnh, chữa bệnh, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, dân số; công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, công tác đào tạo, dạy nghề, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội…

Tháng 7 sẽ có khoảng hơn 12 triệu liều vaccine

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang đàm phán ký kết trên 40 triệu liều vaccine COVID-19 để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021.

Theo Bộ trưởng, đợt dịch thứ 4 vẫn đang diễn biến dịch phức tạp, có thể kéo dài tác động sâu sắc tới kinh tế xã hội và đời sống của nhân dân. Đến thời điểm này, Bộ Y tế đã điều động gần 7.000 nhân lực của chi viện cho TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam, thiết lập kho dã chiến dể hỗ trợ các địa phương khi vượt quá khả năng. Về tổng thể các địa phương đang nỗ lực cố gắng kiểm soát sớm tình hình và có những tín hiệu tích cực, khả quan.

Về chiến lược vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, nỗ lực tiếp cận và ngoại giao vaccine được thúc đẩy mạnh mẽ và đã có nhiều kết quả khả quan. Đến thời điểm hiện nay Việt Nam đã có các cam kết, thỏa thuận, hợp đồng và nhận được nhiều nguồn viện trợ của Trung quốc, Mỹ, Nhật, Úc, Anh và các nước khác với số lượng trên 130 triệu liều. Việt Nam cũng đang nỗ lực đàm phán ký kết trên 40 triệu liều để nâng tổng số lên 170 triệu liều vào năm 2021. Tuy nhiên do tình hình khan hiếm vaccine toàn cầu, khả năng sản xuất của các nhà máy có hạn nên vaccine về nước còn chậm.

Bộ trưởng Y tế nêu rõ, nhờ nỗ lực thúc đẩy và ngoại giao vaccine, riêng trong tháng 7 sẽ có khoảng hơn 12 triệu liều vaccine về nước, được chuyển cho các địa phương đang có dịch; các tỉnh, thành phố là đầu tầu kinh tế; các tỉnh khác để tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang đẩy mạnh phát triển và chuyển giao công nghệ vaccine trong nước. Hiện có 03 hợp đồng chuyển giao công nghệ với Nga, Mỹ, Nhật đã được ký kết. Trong đó, hợp đồng với Nga đã xong giai đoạn 1 gia công, đóng ống đã hoàn thành và đang được kiểm định chất lượng tại Nga; trong tháng 8 sẽ được đóng ống tại Việt Nam chuyển sang giai đoạn 2 chuyển giao công nghệ vào cuối năm nay.

Hợp đồng với Mỹ chuyển giao công nghệ vaccine với công nghệ cao nhất sẽ tiến hành thử nghiệm vào tháng 8; nhà máy sản xuất với quy mô đạt tới 200 triệu liều đã được triển khai xây dựng và chuẩn bị đi vào hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2022. ”Chiến dịch tiêm chủng đã được khởi động và hiện đang đẩy nhanh tiến độ từ giờ đến cuối năm”, Bộ trưởng nhấn mạnh./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực