Đời sống nhiều hộ dân ở Trạm Tấu được nâng lên nhờ phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Những năm gần đây, huyện Trạm Tấu đã chú trọng triển khai nhiều dự án, chính sách để phát triển đàn đại gia súc, bao gồm các chương trình: hỗ trợ nguồn vốn cho người dân phát triển đàn vật nuôi, cải tạo giống trâu, bò; chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi chủ động đầu tư con giống, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, làm chuồng trại kiên cố, không thả rông gia súc; hỗ trợ tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Theo đó, với việc triển khai Đề án Hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc giai đoạn 2016 - 2021, huyện đã hỗ trợ phát triển cho 50 mô hình chăn nuôi đại gia súc quy mô từ 10 con đến trên 30 con, đem lại hiệu quả kinh tế thiết thực và trở thành những mô hình kinh tế nông nghiệp tiêu biểu để nhân dân học tập, làm theo.
Với phương châm “Hỗ trợ người dân cần thiết thực, hiệu quả”, để đàn đại gia súc trên địa bàn phát triển ổn định, bền vững, cùng với việc vận động người dân duy trì, mở rộng quy mô chăn nuôi thì công tác tiêm vắc xin phòng dịch cũng được huyện Trạm Tấu đặc biệt quan tâm. Từ đầu năm đến nay, toàn huyện đã tiêm được 240 liều vắc xin nhiệt thán trâu, bò; 2.350 liều tụ huyết trùng trâu, bò... Ðồng thời, triển khai phun phòng chuồng trại chăn nuôi trên diện rộng. Nhờ đó, đàn đại gia súc phát triển ổn định, từ đầu năm đến nay huyện không để các dịch bệnh lớn xảy ra; hoạt động chăn nuôi đại gia súc mang lại hiệu quả kinh tế tương đối cao cho người dân địa phương. Theo thống kê, đến nay toàn huyện Trạm Tấu đang có tổng đàn gia súc chính đạt 28.652 con, đạt 82,7% kế hoạch năm, tăng 420 con so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, đàn trâu 8.485 con, đàn bò 4.794 con; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại nuôi nhốt gia súc đạt 89%.
Nhận thấy mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo và sinh sản theo hình thức nhốt hoặc chăn thả tập trung sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, đồng thời tận dụng được nguồn thức ăn dư thừa từ cây ngô, cây lúa sẽ giúp giảm chi phí đầu tư, đem lại hiệu quả kinh tế cao, năm 2013, anh Vàng A Rua ở xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ nguồn tín dụng ưu đãi để đầu tư nuôi bò. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi, anh Rua còn trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho trâu bò, chủ động tiêm phòng đầy đủ và theo dõi thường xuyên sức khỏe của đàn bò. Vì vậy, dù nhiệt độ trên vùng núi đá xuống rất thấp nhưng nhờ có nguồn thức ăn dự trữ và chuồng trại được che chắn cẩn thận nên đàn bò của gia đình anh vẫn khỏe mạnh. Đến nay, gia đình anh Rua đã có 6 con bò, 10 con trâu; tiền bán trâu, bò mỗi năm cho thu về cả trăm triệu đồng
Được biết, anh Vàng A Rua chỉ là một trong số hàng trăm hộ dân ở huyện Trạm Tấu có cuộc sống ổn định nhờ phát triển chăn nuôi đại gia súc. Đồng chí Trần Ngọc Luận, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết, thời gian gần đây, đàn đại gia súc của huyện có xu hướng tăng nhẹ. Có được kết quả trên là nhờ việc triển khai các chương trình hỗ trợ bò cho hộ nghèo, cận nghèo; hiệu quả từ các dự án được đầu tư từ những năm trước và nhất là công tác chăm sóc cũng như triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh kịp thời, hiệu quả… Đặc biệt, với nỗ lực nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi địa phương theo hướng sản xuất hàng hóa, cuối năm 2018, huyện đã chính thức khai trương và đưa vào hoạt động Chợ gia súc Trạm Tấu. Đây là địa điểm để người dân trao đổi, mua bán gia súc góp phần nâng cao giá trị gắn với phát triển chuỗi giá trị bền vững, nâng cao thu nhập và quảng bá thương hiệu các sản phẩm đặc trưng của huyện vùng cao, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo ở địa phương.
Cũng theo đồng chí Trần Ngọc Luận, thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển, Huyện ủy, UBND huyện Trạm Tấu đã chỉ đạo tiếp tục duy trì và phát triển đàn gia súc, lập kế hoạch tiêm phòng vắc xin theo kế hoạch, chú trọng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, kiểm soát phòng chống dịch bệnh, phát hiện và điều trị kịp thời không để dịch bệnh lớn xảy ra. Ðồng thời, huyện cũng đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành tỉnh xem xét, phân bổ nguồn kinh phí thực hiện hỗ trợ sản xuất để địa phương từng bước triển khai, thực hiện chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi. Cùng với đó, huyện cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu để có những cơ chế đặc thù cho các hộ chăn nuôi thương phẩm; tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền lồng ghép kỹ thuật chăn nuôi đại gia súc ở những buổi họp thôn bản và cầm tay chỉ việc cho bà con nông dân những kỹ thuật chăn nuôi, trồng ngô, chăn thả gia súc, dự trữ thức ăn cho gia súc, kỹ thuật phòng chống rét, phòng bệnh cho gia súc... Tăng cường công tác kiểm tra, theo dõi tình hình dịch bệnh, đảm bảo việc kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ được duy trì thường xuyên; tiếp tục triển khai kế hoạch tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng lở mồm long móng, tiêu độc khử trùng đợt 2 năm 2019 cho đàn đại gia súc.../.