Bước tiến lớn trong làm đường giao thông nông thôn ở Yên Bái

Thứ hai, 16/12/2019 13:00
Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã huy động trên 4.156 tỷ đồng cho phát triển giao thông nông thôn, trong đó, vốn Nhà nước trên 2.441 tỷ đồng, vốn nhân dân đóng góp trên 805 tỷ đồng, vốn hợp pháp khác trên 908 tỷ đồng.
leftcenterrightdel
Lực lượng thanh niên tình nguyện làm đường giao thông nông thôn giúp dân tại xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên. 

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến nay toàn tỉnh đã kiên cố hóa được  2.216 km mặt đường bê tông xi măng; mở mới 2.130 km đường đất; xây dựng 2.456 công trình thoát nước với tổng kinh phí xây dựng 4.156 tỷ đồng. Trong đó,  nhân dân đóng góp đạt 806 tỷ đồng.

Riêng Đề án phát triển giao thông nông thôn kiên cố hóa được 1.070 km; mở mới 1.316 km đường đất; xây dựng 671 công trình thoát nước với tổng kinh phí xây dựng 1.451 tỷ đồng, trong đó, doanh nghiệp hỗ trợ và nhân dân đóng góp: 738 tỷ đồng. Công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia ủng hộ hiến đất xây dựng giao thông nông thôn đã mang lại hiệu quả lớn với tổng diện tích hiến đất của nhân dân khoảng 343 ha. Phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn đã xuất hiện nhiều cá nhân điển hình có những đóng góp rất lớn cho phong trào xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn như ông Dương Kim Thăng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên hiến 1.600m2 (gồm 720m2 đất lúa + 880m2 đất rừng sản xuất); ông Lương Năng Đạt, xã Văn Lãng, huyện Yên Bình hiến 1.800m2 (gồm 750m2 đất lúa và 1.050m2 đất rừng sản xuất)…

Cùng với đó, cũng đã có nhiều địa phương làm tốt phong trào làm đường GTNT là những địa phương biết quan tâm, sâu sát, tuyên truyền vận động và minh bạch trong các khoản đóng góp của nhân dân, người dân đã tích cực góp công, góp của, sức lực làm đường, nhiều xã tỷ lệ đóng góp lên tới 60 - 70% giá trị công trình.

Giao thông phát triển cũng đồng nghĩa với sự thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương. Bởi lẽ, sản phẩm do nông dân sản xuất ra được vận chuyển về nhà và đi tiêu thụ thuận lợi, là động lực phát triển hàng hóa, nâng cao giá trị kinh tế.

Đường thôn bản nối đường xã, đường xã vào đường huyện, đường tỉnh và nối liền với quốc lộ và các tỉnh lân cận tạo thành một mạng lưới liên hoàn khép kín. Trước, đường không vào cấp, ách tắc, sản phẩm nông nghiệp, lâm nghiệp của nông dân sản xuất ra chủ yếu là tự sản tự tiêu, chỉ có một phần nhỏ do các tư thương vận chuyển bằng xe thô sơ, xe máy nên hiệu quả kinh tế không cao, khó kích thích phát triển.

Nay giao thông thông suốt, hàng ngày xe ô tô hạng lớn, hạng nhỏ từ Hà Nội, Phú Thọ, Lào Cai chở hàng đến tận thôn, bản; thậm chí, tới tận nơi sản xuất để trao đổi mua bán rồi lại chất đầy sản phẩm đi khắp nơi tiêu thụ. Nhờ đó, kinh tế - xã hội có bước phát triển ổn định, tăng trưởng khá, thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng.

Những giải pháp đó, đã nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân các dân tộc trong tỉnh và tạo nên một phong trào làm đường GTNT rộng khắp. Mỗi năm, hàng trăm héc - ta đất đã được hiến cho làm đường, hàng nghìn công lao động được nhân dân đóng góp.

Phong trào làm đường GTNT lan tỏa từ các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn… đến các huyện vùng cao đặc biệt khó khăn như Trạm Tấu, Mù Cang Chải, đâu đâu cũng là "đại công trường” giao thông.

Nhờ đó, những tuyến đường bê tông, đường nhựa dần được hình thành, đạt tiêu chuẩn đường miền núi ngày một nối dài và vươn đến tất cả các xã, các bản làng từ vùng thấp đến vùng cao. Ngoài những tuyến đường vào cấp, nhiều địa phương đã có những sáng tạo trong phát triển GTNT. Đơn cử như huyện Văn Yên, để cứng hóa, bảo đảm nhu cầu đi lại cho nhân dân các thôn, bản vùng cao, huyện đã triển khai xây dựng các tuyến đường đặc thù với quy mô bề rộng 1 m, dày 12 cm.

Ưu điểm của kiểu đường này là suất đầu tư thu nhỏ, trong khi chiều dài cứng hóa được tăng lên và phục vụ được nhân dân tại nhiều thôn, bản. Tính riêng trong năm 2018, huyện Văn Yên đã thực hiện được 30,726 km đường đặc thù. Hay như tại huyện vùng cao Mù Cang Chải, dù nguồn đầu tư của Nhà nước hạn chế, đời sống người dân còn khó khăn nhưng huyện đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để làm thay đổi nhận thức của người dân về làm đường GTNT.

Nhờ đó, tại nhiều địa phương, người dân đã tự đứng ra thu, chi, bầu ra một nhóm gồm trưởng nhóm, kế toán và giám sát chi, mọi thứ đều minh bạch, công khai. Chính quyền và đơn vị chức năng chỉ cần đứng ra hỗ trợ về kỹ thuật, chuyên môn nên các tuyến đường được triển khai nhanh chóng, đồng thuận.

Ngoài những tuyến đường được kiên cố hóa theo đề án phát triển GTNT, giảm nghèo thì trong 9 tháng năm 2019, huyện Mù Cang Chải đã kiên cố hóa 50 km loại đường rộng 1 m dẫn đi các thôn, bản, khu sản xuất.

Ông Nguyễn Danh Tú – Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết: “Đề án phát triển GTNT là một trong những đề án đạt hiệu quả cao và sát với thực tế địa phương. Trước khi có đề án, toàn bộ những tuyến đường giao thông được kiên cố hóa đều do Nhà nước đầu tư nhưng khi thực hiện đề án với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã huy động được sự vào cuộc tích cực của nhân dân từ tham gia đóng góp kinh phí, vật liệu, ngày công lao động đến tham gia giám sát, kiểm tra tiến độ, chất lượng công trình. Nhờ đó, người dân ý thức hơn trong giữ gìn, duy tu, bảo trì các tuyến đường GTNT./.

Theo: http://www.yenbai.gov.vn/

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực