Khẳng định vị thế và trọng trách của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam

Chủ nhật, 14/06/2020 14:11
(ĐCSVN) – Thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” ... Báo chí nước ta là báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân…

[Mega Story]: Mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không để tiêu cực chi phối

Mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, không để tiêu cực chi phối

Tuyên dương 187 người làm báo tiêu biểu

Phấn đấu mỗi người làm báo là một tấm gương điển hình

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các nhà báo, tháng 9/1960. (Ảnh tư liệu)

Ngày 21/6/1925, báo Thanh Niên, cơ quan của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, do Nguyễn Ái Quốc làm chủ bút, kiêm viết báo và phát hành ra số đầu tiên. 95 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh kiên cường của Đảng ta, nhân dân ta, vì độc lập dân tộc, vì chủ nghĩa xã hội. Từ những ngày đầu non trẻ, báo chí đã khẳng định tính chính nghĩa cách mạng, là kênh thông tin chủ lực tuyên truyền đưa Chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào Việt Nam, đến với các tầng lớp nhân dân. Tôi luyện, trải qua từng thời kỳ cách mạng của đất nước, báo chí không ngừng lớn mạnh, trưởng thành và đã trở thành vũ khí tư tưởng sắc bén của Đảng, nhà báo là các chiến sĩ trên mặt trận ấy; nhiều tác phẩm báo chí đã thực sự là “lời hịch cách mạng”, “tiếng gọi non sông” thúc giục đồng bào cả nước đoàn kết, đứng lên xóa bỏ xiềng xích nộ lệ, đấu tranh giành chính quyền làm nên thắng lợi vĩ đại cánh mạng tháng 8 năm 1945 với sự ra đời của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra bước ngoặt lớn của cách mạng, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới; nhân dân ta từ thân phận nộ lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Trong các cuộc kháng chiến anh dũng chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, báo chí nước ta đã trở thành binh chủng quan trọng xung kích trên mặt trận tư tưởng. Từ trong máu lửa chiến tranh, lớp lớp các nhà báo xung phong ra trận, ngòi bút của các nhà báo cách mạng đã góp phần to lớn bồi dưỡng, hun đúc lòng yêu nước và tự hào dân tộc, hiệu triệu đồng bào xung trận góp phần tạo nên sức mạnh thời đại, đóng góp xứng đáng vào chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ; Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước…Trong các cuộc kháng chiến anh dũng ấy, hàng trăm nhà báo- chiến sĩ đã anh dũng hi sinh, góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của báo chí cách mạng và của dân tộc.

Trong thời kỳ đổi mới, hơn 30 năm qua, những người làm báo tiếp tục là đội quân chủ lực đi đầu trong việc định hướng dư luận xã hội. Nhiều nhà báo bằng tài năng sắc sảo, nhãn quan tinh tường, dấn thân, lăn lộn trong thực tiễn, nhạy bén với thời cuộc đã có nhiều tác phẩm có tính “khai phá, mở đường”, đấu tranh mạnh mẽ với sự trì trệ, bảo thủ; bảo vệ và cổ vũ cho những cách làm hay, mô hình sáng tạo, những đột phá trong tư duy; tuyên truyền, cổ vũ, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

Đến nay, cùng với những thành tựu to lớn, toàn diện của đất nước, báo chí nước ta đã có bước phát triển nhanh chóng, mạnh mẽ. Diện mạo, số lượng, chất lượng các ấn phẩm, các chương trình phát thanh, truyền hình và công nghệ làm báo…đã đạt được những bước tiến lớn. Chất lượng chính trị, chất lượng văn hóa, tính định hướng và kỹ thuật- nghiệp vụ của báo chí ngày càng được nâng cao. Đội ngũ những người làm báo tăng nhanh về số lượng, trình độ nghiệp vụ làm báo được nâng cao, làm chủ công nghệ làm báo hiện đại. Phát huy truyền thống đã đạt được, báo chí đã phản ánh kịp thời diễn biến mọi mặt của đời sống xã hội; tích cực tuyên truyền về Chủ nghĩa Mác- Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phản ánh tâm tư, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân; phát hiện và cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến và những thành tựu của công cuộc đổi mới; phản ánh những ý kiến đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, các giới đồng bào; tham gia giám sát, phản biện xã hội, phát huy quyền làm chủ của người dân, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc; xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kịp thời đấu tranh, phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực phản động, thù địch, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước cũng như đối với công cuộc đổi mới; kiên quyết đấu tranh với những hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vi phạm pháp luật và các thói hư, tật xấu trong xã hội. Báo chí là cầu nối hữu hiệu giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Trần Quốc Vương, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải A cho các tác giả đạt giải Báo chí quốc gia năm 2019. 

Nhiều tác phẩm báo chí có chất lượng tốt, thể hiện bản lĩnh chính trị và trách nhiệm xã hội, kỹ năng nghề nghiệp của người làm báo, tạo được hiệu quả xã hội cao, sức lan tỏa rộng rãi trong nhân dân. Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác thông tin về chủ quyền biển, đảo; thông tin tuyên truyền về đối ngoại; thông tin về những thành tựu trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước; về các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình, thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến với các nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Nhiều cơ quan báo chí còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ những địa phương, những người có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Trong đại dịch viêm phổi cấp do chủng mới của Virut Corona (COVID-19) gây ra, khi mà cả thế giới phải đối mặt với tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, nhiều quốc gia lâm vào khủng hoảng thực sự, hệ thống y tế mất kiểm soát với hệ lụy là hàng triệu người mắc, hàng trăm nghìn người tử vong, thì Việt Nam nổi lên như một hình mẫu về việc chống dịch hiệu quả. Qua đại dịch, chúng ta càng thấy rõ hơn vai trò sứ mệnh của báo chí, cơ quan truyền thông. Các nhà báo đã ở tuyến đầu chống dịch, thông tin nhanh chóng, kịp thời, chính xác giúp người dân nâng cao nhận thức, tin tưởng, đồng hành cùng Đảng, Chính phủ thực hiện các giải pháp phòng, “chống dịch như chống giặc”, góp phần tạo nên thành tích ngoạn mục, được quốc tế ghi nhận, đánh giá cao là quốc gia mà truyền thông được người dân tin cậy trên thế giới.

Khẳng định những đóng góp của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: 95 năm truyền thống vẻ vang đã minh chứng tính ưu việt của báo chí cách mạng Việt Nam, ra đời từ yêu cầu của cách mạng, do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, chăm lo, phát triển cùng với sự lớn mạnh của cách mạng Việt Nam; luôn gắn bó máu thịt và phấn đấu hết mình cho lợi ích của Tổ quốc và nhân dân. Những đóng góp to lớn của báo chí và đội ngũ người làm báo đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác. “95 năm Báo chí cách mạng Việt Nam là truyền thống, niềm tự hào lớn lao của giới báo chí nói riêng, của công chúng và nhân dân nói chung” – đồng chí Lê Mạnh Hùng nêu rõ.

Chặng đường tiếp theo của công cuộc đổi mới đất nước đang đặt ra cho báo chí cách mạng nước ta sứ mệnh vẻ vang và cao cả. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đánh giá cao vai trò quan trọng của báo chí trong sự nghiệp cách mạng; luôn quan tâm, ủng hộ, tạo điều kiện để báo chí phát triển. Báo chí phải có vai trò và trách nhiệm, sứ mệnh thúc đẩy và góp phần tạo nên sự đồng tâm, đồng thuận xã hội và sức mạnh tổng hợp to lớn cho cách mạng. Mỗi nhà báo, cơ quan báo chí cần phát huy truyền thống vẻ vang do thế hệ các nhà báo đã bồi đắp suốt 95 năm qua, xây dựng bản lĩnh chính trị, nêu cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân và đạo đức nghề nghiệp để hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ chính trị của mình, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng và lòng mong đợi của nhân dân. 

Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho rằng, người làm báo tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm báo chí là vũ khí sắc bén của Đảng, Nhà nước trên mặt trận tư tưởng. Mỗi người làm báo là chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa cách mạng. Nhà báo cách mạng phải có tinh thần cách mạng, đó là tinh thần trách nhiệm tiến công với tấm lòng nghĩa hiệp bảo vệ cái đúng, cái tốt; đấu tranh loại bỏ cái sai, cái xấu, vì sự nghiệp chung của đất nước, của nhân dân. Báo chí phải góp phần đắc lực vào việc hình thành dư luận xã hội lành mạnh; lan tỏa những giá trị tốt đẹp, xây dựng bản lĩnh, trí tuệ, tâm hồn, khí phách con người Việt Nam trong thời kỳ mới; góp phần cổ vũ và tạo ra sức mạnh đoàn kết, thống nhất đồng thuận trong toàn dân tộc. Thông tin trên báo chí phải đảm bảo tính chân thực, hướng tới cái tốt, cái đẹp có tình thời sự, kịp thời, phản ánh được dòng chảy chính của xã hội, góp phần khởi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Trong thư gửi tới các đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nói riêng và toàn thể cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, những người làm báo cả nước nói chung nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kêu gọi báo chí cách mạng Việt Nam cần bám sát quan điểm chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời về đời sống xã hội của đất nước, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được “dòng chảy chính” của xã hội, của đất nước, phải “phò chính, diệt tà”. Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.

“Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, làm báo mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thử thách, gian nan. Hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo cần luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ.

Chúc mừng những thành tựu của nền Báo chí Cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định: Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng, sự dìu dắt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, báo chí cách mạng Việt Nam đã ngày càng phát triển, không ngừng lớn mạnh, thể hiện lòng yêu nước, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghề nghiệp, chủ động tiếp cận và làm chủ công nghệ làm báo hiện đại. Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Người làm báo là chiến sỹ trên mặt trận văn hóa – tư tưởng”, xứng đáng với sự tin yêu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, các thế hệ nhà báo đã thể hiện rõ nét tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo, tài năng, đạo đức và bản lĩnh chính trị của mình để có những bài báo xuất sắc mở đường cho đổi mới tư duy, góp phần giải quyết nhiều vấn đề quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Báo chí đã thực hiện tốt chức năng là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của Nhân dân; công tác tuyên truyền trong thời gian qua đạt chất lượng và hiệu quả cao.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đồng chí Trần Quốc Vương, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trao giải A cho các tác giả đạt giải Báo chí quốc gia về Xây dựng Đảng (Búa liềm vàng) năm 2019. 

Nhắc nhớ những thành tích vẻ vang cũng như những hy sinh, mất mát của những Nhà báo – chiến sỹ trong chiến tranh, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư trân trọng và ghi ơn hàng trăm nhà báo đã ngã xuống trong tư thế tay bút, tay máy, tay súng. Đồng chí Trần Quốc Vượng cũng nhấn mạnh: Gần một thế kỷ qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, vị thế của báo chí và người làm báo được tiếp tục khẳng định. Đây là bước phát triển rất đáng tự hào của báo chí cách mạng - đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng ta.

“Đảng, Nhà nước và nhân dân ta vui mừng trước sự trưởng thành, vững vàng của đội ngũ báo chí cách mạng. Những người làm báo ở nước ta không ngừng được nâng cao về năng lực, phẩm chất chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; đã và đang nỗ lực cố gắng làm chủ công nghệ làm báo hiện đại, không ngừng đổi mới, sáng tạo về hình thức thể hiện, phương thức phát hành” – đồng chí Trần Quốc Vượng nêu rõ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cũng cho rằng, đội ngũ những người làm báo Cách mạng Việt Nam phải thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sỹ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ” ... Báo chí nước ta là báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sứ mệnh phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn của báo chí là “Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân”. Điều đó đòi hỏi mỗi nhà báo phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt huyết và thái độ bình tĩnh trước mọi vấn đề; phải có tấm lòng trong sáng, không để tiêu cực chi phối, không bị tình cảm cá nhân lấn át, mất đi tính khách quan, trung thực của mỗi tác phẩm báo chí.

Nhấn mạnh vai trò, bản lĩnh của người làm Báo Cách mạng, đồng chí Trần Quốc Vượng nêu rõ: “Khoa học - công nghệ dù phát triển, tạo thuận lợi cho nhà báo tác nghiệp, song, không thể thay thế được trái tim, khối óc, ý chí, bản lĩnh, nhân bản của người làm báo!”.

Khẳng định những đóng góp của nền Báo chí Cách mạng nói chung, Hội Nhà báo nói riêng và những côn lao đóng góp của những thế hệ người làm báo, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Bảy mươi năm qua, kể từ ngày thành lập tại chiến khu Việt Bắc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, các thế hệ Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo cả nước đã luôn đoàn kết, chủ động sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, không ngừng lớn mạnh, có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta. Trong mọi hoàn cảnh, đông đảo hội viên, nhà báo luôn đồng hành cùng dân tộc, bám sát thực tiễn, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; động viên, cổ vũ toàn dân trong các cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do trước đây, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay; đồng thời tích cực tham gia công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vạch trần các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chúc các cấp hội, hội viên, nhà báo cả nước không ngừng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực vươn lên, luôn xứng đáng là người chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng./.

Hiền Hòa

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực