Bánh chưng trong văn hóa ẩm thực Tết Việt

Thứ năm, 23/01/2020 17:53
(ĐCSVN) – Mỗi dịp Tết đến xuân về với người Việt Nam, hẳn ai cũng nhớ tới câu đối Tết: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ. Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” đã đồng hành với biết bao thế hệ người Việt Nam ta mỗi độ xuân về.
leftcenterrightdel
Gia đình làng Tranh Khúc, xã Duyên Hà, huyện Thanh Trì, Hà Nội với nghề gói bánh chưng truyền thống (Ảnh: Kim Cương).

Chiếc bánh chưng dân tộc Việt

Bánh chưng loại bánh có lịch sử lâu đời trong ẩm thực truyền thống Việt Nam được sử sách nhắc lại. Bánh chưng có vị trí đặc biệt trong tâm thức của cộng đồng người Việt bởi nguồn gốc sự ra đời loại bánh này được bắt nguồn từ nguồn gốc của dân tộc Việt Nam với truyền thuyết đời vua Hùng.

leftcenterrightdel
Những chiếc bánh chưng tượng trưng cho mặt đất nơi có các sinh vật, cây cỏ cùng sinh sôi, phát triển (Ảnh: Kim Cương).

Tương truyền rằng Vua Hùng thứ 6 sau khi phá xong giặc Ân, nhân dân no ấm trong nước thái bình, nên lo việc truyền ngôi cho con, mới hội họp hai mươi hai vị quan lang công tử lại mà bảo rằng: “Ai đem lễ vật hợp với ý của ta đến dâng cúng Tiên Vương cho tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho”. Các hoàng tử đua nhau đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc đổi chác, đều là của ngon vật lạ để dâng vua cha. Chỉ có Lang Liêu là Vị hoàng tử thứ 18, do mẹ mất từ sớm, trong nhà ít người dù cận ngày dâng lễ vật mà chưa có gì quý để tỏ lòng thành kính. Nhưng Lang Liêu lại có tính tình thuần hậu, chí hiếu mải lo không có gì báo dâng báo hiếu nên lo lắng ngày đêm không ăn ngủ được. Trong lúc thiếp đi vì mệt hoàng tử đã có giấc mộng được một vị thần chỉ dẫn cách làm ra bánh chưng, bánh dày để dâng vua. Lang Liêu dùng những nguyên liệu từ đồng ruộng và cuộc sống hằng ngày để làm nên bánh chưng hình vuông, tượng trưng cho đất, bánh dày hình tròn tượng trưng cho trời. Nhận những sản vật từ hoàng tử thứ 18, Vua Hùng đã đánh giá cao đến món bánh chưng, bánh dày của chàng hoàng tử Lang Liêu, bởi “người làm ra 2 thứ bánh này phải là người hiểu được nghĩa lý của trời đất, phải biết yêu lao động, trân trọng từng hạt gạo do người nông dân đã phải một nắng hai sương, lam lũ vất vả làm ra...”. Nhờ đó, Lang Liêu được truyền ngôi báu và lễ vật của Lang Liêu trở thành món bánh truyền thống cần có trong ngày lễ tết quan trọng của dân tộc và được lưu truyền đến ngày nay.

Truyền thuyết xa xưa ấy về sự tích chiếc bánh chưng còn gói trong đó là một nền văn minh nông nghiệp lúa nước phát triển. Bánh chưng chính là sản phẩm của trồng trọt và chăn nuôi. Bên ngoài là chiếc lá dong gói bánh có sẵn từ thiên nhiên, bên trong được chế biến từ nguồn nguyên liệu nấu ăn cội rễ của dân tộc: gạo nếp, đỗ xanh, thịt lợn từ sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi. Tất cả sản phẩm từ thiên nhiên và sức lao động được hòa quyện tinh tế trong chiếc bánh chưng.

Chiếc bánh gói trọn triết lý nhân sinh

leftcenterrightdel
Bánh chưng không thể thiếu trên mâm cỗ Tết các gia đình Việt. (Ảnh Kim Cương)

Với nhiều thế hệ, chiếc bánh chưng là niềm hân hoan của ngày Tết sum họp, đoàn tụ. Những chiếc bánh đẹp, dày dặn, vuông thành sắc cạnh được dành riêng để bày bàn thờ cúng ông bà tổ tiên, bánh nhỏ gói riêng cho trẻ con như món quà đầu năm...

Bánh chưng tượng trưng cho quan niệm về vũ trụ của người Việt xưa, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của nền văn hóa lúa nước. Bên cạnh đó, bánh chưng còn mang những ý nghĩa sâu xa về triết lý nhân sinh của người Việt xưa cho rằng chiếc bánh trưng còn tượng trưng cho Ngũ hành trong triết lý phương Đông, tương sinh-tương khắc hài hòa, bổ trợ cho nhau trong tổng thể vuông vức: Vàng ngà hạt đỗ (Thổ), bùi bùi thoảng hương, đỏ thịt lợn chín (Hỏa), trắng màu nếp mới (Kim), xanh mát lá dong (Mộc); ngoài cùng là những chiếc lạt được nhuộm đen bởi lá dong luộc chín (Thủy). Hạt đỗ màu vàng ứng với hành Thổ trong thế đất vuông, được bao bọc nằm ở trung tâm, tượng trưng cho con người ở vị trí quan trọng nhất, là trung tâm của trời đất trong Ngũ hành. Ngay trong quá trình luộc chín bánh cũng thể hiện triết lý Ngũ hành của người xưa: Người ta dùng nước để luộc bánh (Thủy), lửa (Hỏa) được đốt từ củi (Mộc), dùng nồi luộc bằng kim loại (Kim) đặt lên ba ông đầu rau (Thổ).

Với nhịp sống hiện đại ngày nay, bánh chưng vẫn là món ẩm thực trong mâm cỗ ngày Tết không thể thiếu với các gia đình Việt Nam. Chiếc bánh chưng vẫn những nguyên liệu như cả vài ngàn năm vẫn thế, vẫn lá dong để gói gạo nếp, nhân đỗ xanh và thịt lợn, lạt mềm để buộc đã trở thành nét văn hóa ẩm thực tinh túy không thể thiếu trong đời sống văn hóa truyền thống của dân tộc Việt mỗi dịp năm mới gõ cửa./.

KC
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực