Phát triển nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế

Thứ bảy, 28/04/2018 17:47
(ĐCSVN) – Kinh tế phát triển dẫn đến nhu cầu sử dụng các mặt hàng nông sản cao cấp an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường ngày càng cao và trở thành xu hướng tất yếu. Nông nghiệp hữu cơ cho phép tạo ra những sản phẩm đáp ứng các yêu cầu đó.
Su hào được trồng theo phương pháp hữu cơ (Ảnh: HNV)

Nhận thức được xu hướng phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên thế giới cũng như ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã chủ động xây dựng cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng khung thế chế để phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 9/11/2017 của Chính phủ, theo đó, sớm ban hành Nghị định về nông nghiệp hữu cơ. Bên cạnh đó, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cũng đã phối hợp với các bộ, ngành, Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ và các doanh nghiệp sửa đổi Tiêu chuẩn TCVN11041:2015 theo hướng tiếp cận tương đương với tiêu chuẩn quốc tế nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện sản xuất đặc thù của Việt Nam và ban hành tháng 12/2017.

Với quyết tâm xây dựng cơ chế chính sách như đã đề cập ở trên, bước đầu đã tạo ra hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, các hộ nông dân, hợp tác xã tham gia vào quá trình đầu tư, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Thực trạng nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam

Tính đến nay, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn ở Việt Nam đã đầu tư vào sản xuất nông nghiệp an toàn, sạch, nông nghiệp sinh thái với nhiều đối tượng cây trồng, vật nuôi. Một số sản phẩm nông nghiệp hữu cơ Việt Nam đã được chứng nhận quốc tế và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới mang lại giá trị kinh tế cao.

Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT, hiện có khoảng 33/63 tỉnh, thành triển khai sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt. Nhiều mô hình hợp tác xã đã sản xuất nông nghiệp hữu cơ có sự phát triển nhanh, mạnh về quy mô cũng như chất lượng sản phẩm như: Lương Sơn (Hòa Bình), Thanh Xuân, Sóc Sơn (Hà Nội), Bắc Hà (Lào Cai), Hàm Yên (Tuyên Quang)…

Đàn bò sữa tại Nam Đàn, Nghệ An (Ảnh: HNV)

Trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản, đã có 2 trang trại chăn nuôi bò sữa hữu cơ quy mô lớn được Tổ chức Chứng nhận quốc tế Control Union (Hà Lan) chứng nhận, gồm: Trang trại bò sữa hữu cơ của Công ty Vinamilk tại Lâm Đồng và Công ty TH Truemilk tại Nghệ An với tổng đàn bò sữa hữu cơ là 1.500 con. Ngoài ra, có một số doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ tiêu chuẩn Nhật Bản: trang trại Bảo Châu, Anh Đào và một số dự án thủy sản nuôi tôm sinh thái bảo vệ rừng ngập mặn tại Cà Mau được tổ chức SNV hỗ trợ lấy chứng nhận IMO của Thụy Sĩ để xuất khẩu tôm sang thị trường EU.

Về vật tư đầu vào, cả nước hiện có khoảng 250 đơn vị sản xuất phân bón hữu cơ, với công suất đăng ký khoảng 4 triệu tấn/năm. Đã cấp phép sản xuất được 115 đơn vị với tổng công suất khoảng 2 triệu tấn/năm.

Đó là minh chứng rõ ràng cho sự phát triển đúng hướng của sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở nước ta hiện nay. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, để phát triển nông nghiệp hữu cơ hiệu quả và bền vững hơn, vẫn còn khó khăn, thách thức.

Thứ nhất, đó là các khung pháp lý, tiêu chuẩn bước đầu xây dựng và hình thành sản xuất, chứng nhận, giám sát chất lượng sản phẩm  nông nghiệp hữu cơ cần có thời gian để đáp ứng thực tiễn phát triển.

Thứ hai, sản xuất nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa có quy hoạch hay định hướng về đất cũng như đối tượng. Thị trường nội địa cho sản phẩm nông nghiệp hữu cơ hiện chưa phát triển mạnh, hệ thống phân phối sản phẩm hữu cơ chưa đồng bộ. Đặc biệt, lòng tin của người tiêu dùng chưa được đảm bảo.

Thứ ba, đa số nông dân chưa muốn chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ do quy trình sản xuất khắt khe, phải có thời gian khá dài để cải tạo đất, chi phí sản xuất khá cao trong 3 năm đầu chuyển đổi, thị trường cho sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ chưa ổn định.

Thứ tư, công tác đào tạo, thông tin tuyên truyền nâng cao nhận thức còn hạn chế, dẫn đến sự hiểu biết về nông nghiệp hữu cơ còn rất khác nhau và chưa thống nhất.

Để nâng cao hiệu quả và nhân rộng sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Thiết nghĩ, là một nước sản xuất nông nghiệp lâu đời với nông nghiệp là thành phần kinh tế chủ yếu, cùng với sự hội nhập ngày càng sâu rộng, trước thách thức không nhỏ về sự cạnh tranh, cộng với đáp ứng nhu cầu “ăn ngon, ăn an toàn” của đa số người tiêu dùng hiện nay, việc nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ là cần thiết.

Theo kiến nghị của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, việc cần thiết hiện nay là tập trung vào các giải pháp có tinh chất thể chế. Song song là phát huy vai trò của Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam cũng như nâng cao tính chủ động của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình và nông dân trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Trước hết, về thể chế, các bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước sớm hoàn thiện hành lang pháp lý đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giúp sản phẩm hữu cơ khẳng định chất lượng và có chỗ đứng tại thị trường trong nước, tạo dựng được thương hiệu trên thị trường thế giới.

Đối với Hiệp hội nông nghiệp hữu cơ Việt Nam, cần phát huy hơn nữa vai trò trong tập hợp, liên kết các nhà sản xuất, kinh doanh nông nghiệp hữu cơ, đẩy mạnh tuyên truyền và phối hợp truyền thông nâng cao nhận thức của công chúng về nông nghiệp hữu cơ, mở rộng hợp tác và xúc tiến thương mại nông nghiệp hữu cơ…

Các địa phương có điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ nêu cao tính tiên phong, đi đầu, làm gương, làm mẫu để nhận rộng hơn các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, lồng ghép sản xuất nông nghiệp hữu cơ với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Bản thân các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, nông dân cần nghiên cứu, đầu tư xây dựng và thực hiện các dự án, mô hình nông nghiệp hữu cơ theo chuỗi giá trị phù hợp quy hoạch và đặc thù địa phương, trong đó doanh nghiệp phải trở thành nòng cốt dẫn dắt, tạo ra nhiều sản phẩm hữu cơ đa dạng, hiệu quả kinh tế cao; chú trọng thực hiện theo tiêu chuẩn sản xuất, chế biến sản phẩm hữu cơ, đảm bảo chất lượng; chủ động trong xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực khoa học – công nghệ về nông nghiệp hữu cơ./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực