Cương lĩnh ruộng đất của Đảng Lao động Việt Nam

Thứ tư, 23/10/2019 10:14
Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất đã thảo luận chính sách cải cách ruộng đất dựa trên Cương lĩnh cải cách ruộng đất của Đảng do Hội nghị Trung ương tháng 1 năm 1953 dự thảo. Sau Hội nghị, bản dự thảo đó đã được bổ sung thành Cương lĩnh ruộng đất chính thức của Đảng.
Bác Hồ đến thăm một gia đình nông dân vừa được chia ruộng đất
(Ảnh: hochiminh.vn)

Bản Cương lĩnh nêu rõ: Để cải thiện đời sống cho nông dân, để đẩy mạnh kháng chiến, đánh đuổi đế quốc Pháp và can thiệp Mỹ, đánh đổ ngụy quyền, hoàn toàn giải phóng dân tộc; để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, mở đường cho công thương nghiệp phát triển, lợi cho kháng chiến và kiến quốc, cần phải xoá bỏ quyền chiếm hữu ruộng đất của đế quốc ở Việt Nam, xoá bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân, làm cho người cày có ruộng.

Chỉ có thực hiện "người cày có ruộng”, động viên hàng chục triệu nông dân hăng hái tham gia kháng chiến, thì kháng chiến mới hoàn toàn thắng lợi, cách mạng chắc chắn thành công.

Vì vậy, Đảng Lao động Việt Nam ra Cương lĩnh ruộng đất. Cương lĩnh gồm 23 điều như sau:

1. Tịch thu toàn bộ ruộng đất và tài sản của thực dân Pháp và của đế quốc xâm lược khác.

2. Tịch thu ruộng đất, trâu bò, nông cụ và tài sản khác của bọn Việt gian phản quốc.

3. Tịch thu hoặc trưng thu (tuỳ tội nặng nhẹ) ruộng đất, trâu bò, nông cụ và tài sản khác của địa chủ phản động và cường hào gian ác.

4. Trưng thu ruộng đất công và ruộng đất nửa công, nửa tư bao gồm ruộng phe, ruộng giáp, ruộng tư văn, tư võ ruộng các đoàn thể, v.v..

5. Trưng thu hoặc trưng mua (tuỳ trường hợp) ruộng đất của các tôn giáo.

6. Tịch thu ruộng đất, trâu bò, nông cụ và tài sản khác của ngoại kiều hợp tác với đế quốc xâm lược và ngụy quyền. Trưng mua ruộng đất, trâu bò, nông cụ của những địa chủ ngoại kiều khác.

7. Trưng mua ruộng đất, trâu bò, nông cụ của địa chủ kháng chiến và địa chủ thường; địa chủ kháng chiến, nhân sĩ dân chủ được chiếu cố một cách thích đáng. Giá tiền và cách trả tiền do Chính phủ quy định.

8. Xoá bỏ nợ mà nông dân lao động và những người thuộc tầng lớp nghèo ở nông thôn vay của địa chủ.

9. Xoá bỏ độc quyền của đế quốc và phong kiến về mặt biển và khúc sông.

10. Không đụng đến ruộng đất, trâu bò, nông cụ, nhà cửa và tài sản khác của phú nông.

11. Kiên quyết bảo hộ ruộng đất, trâu bò, nông cụ, nhà cửa và tài sản khác của trung nông.

12. Bảo hộ công nghiệp và thương nghiệp. Không đụng đến công thương nghiệp của địa chủ kháng chiến và địa chủ thường và những đất đai trực tiếp dùng vào công thương nghiệp của họ.

13. Không đụng đến ruộng của những người có ít ruộng đất phải phát canh vì tham gia công tác kháng chiến, vì thiếu sức lao động hoặc vì bận làm nghề khác.

14. Ruộng đất, trâu bò, nông cụ, v.v. tịch thu, trưng thu và trưng mua đều chia hẳn cho nông dân không có ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất; họ được quyền sở hữu vĩnh viễn những thứ được chia và không phải trả tiền.

15. Lấy xã làm đơn vị chia ruộng đất và theo đầu người mà chia một cách công bằng.

16. Liệt sĩ, quân nhân cách mạng, thương binh, bệnh binh, cán bộ, nhân viên phục vụ kháng chiến và gia đình họ ở nông thôn không có ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất đều được chia ruộng đất. Liệt sĩ, quân nhân cách mạng, thương binh, bệnh binh được ưu đãi trong khi chia.

17. Khi tịch thu, trưng thu, trưng mua ruộng đất để lại cho địa chủ (trừ những người bị tù từ trên 5 năm trở lên) và gia đình họ một phần ruộng đất tương đương với phần ruộng đất được chia của nông dân.

18. Gia đình nguỵ binh thuộc thành phần nông dân lao động không có ruộng đất hoặc thiếu ruộng đất thì được chia ruộng đất. Nguỵ binh cũng được một phần ruộng đất nhưng khi họ chưa bỏ hàng ngũ nguỵ quân trở về với Tổ quốc thì ruộng đất ấy do Uỷ ban Kháng chiến hành chính hay Nông hội xã quản lý.

19. Những rừng nhỏ, ao hồ đầm, đất hoang, vườn cây ăn quả nếu có thể chia, đều chia cho nông dân.

20. Những đồn điền canh tác bằng máy, hoặc những đồn điền trồng cà phê, cao su, v.v. theo kỹ thuật tiến bộ, các trại thí nghiệm, những hầm mỏ, những nơi có cổ tích lịch sử, v.v. thì không chia mà do chính quyền quản lý.

21. Để thực hiện cải cách ruộng đất phải phát động quần chúng theo đúng đường lối chung của Đảng ở nông thôn: dựa hẳn vào bần, cố nông, đoàn kết chặt chẽ với trung nông, liên hiệp phú nông, tiêu diệt chế độ bóc lột phong kiến từng bước và có phân biệt, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến.

22. Chính quyền sẽ thành lập Uỷ ban cải cách ruộng đất từ cấp trung ương đến cấp tỉnh. Dưới sự lãnh đạo của chính quyền, những Uỷ ban này có nhiệm vụ lãnh đạo cụ thể phong trào quần chúng, thực hiện cải cách ruộng đất. Ở cấp xã, nhiệm vụ lãnh đạo quần chúng đấu tranh thực hiện cải cách ruộng đất thuộc về Hội nghị đại biểu nông dân và Ban Chấp hành Nông hội.

23. Cương lĩnh này định cho toàn quốc, những vùng tự do có đủ điều kiện thì thi hành trước, các vùng khác chưa đủ điều kiện thì thi hành sau. Đối với những vùng dân tộc thiểu số sẽ có quy định riêng.

Cương lĩnh ruộng đất của Đảng ra đời đánh dấu bước trưởng thành của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ, đẩy mạnh sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc đến thắng lợi.

----------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.857-861, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

 

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực