Hoạt động của đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương tại Đại hội VII Quốc tế Cộng sản

Thứ tư, 11/09/2019 17:02
(ĐCSVN) - Đại hội VII Quốc tế Cộng sản họp ở Mátxcơva (Liên Xô) từ ngày 25-7 đến ngày 21-8-1935, bàn về nhiệm vụ chống chủ nghĩa phát xít. Nhiều đoàn đại biểu của các nước tới dự.
Thẻ của đồng chí Lê Hồng Phong (bí danh Hai An) dự Đại hội VII
Quốc tế Cộng sản (Nguồn ảnh: baoquangbinh.vn)

Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương gồm các đồng chí Lê Hồng Phong, Hoàng Văn Nõn, Nguyễn Thị Minh Khai. Đại hội nhiệt liệt chào đón Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương.

Tại Đại hội, Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương trình bày ba bản tham luận.

Trong phiên họp thứ chín của Đại hội ngày 28-7-1935, đồng chí Lê Hồng Phong (lúc ấy lấy tên là Hải An) đọc bản tham luận quan trọng nói về phong trào cách mạng Đông Dương thời kỳ 1930-1935, nêu các bài học kinh nghiệm đấu tranh cách mạng, nêu ưu điểm và khuyết điểm của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đồng chí nêu rõ sức mạnh bất diệt của Đảng Cộng sản Đông Dương, bày tỏ sự lạc quan về tiền đồ của cách mạng Đông Dương.

Đồng chí bày tỏ niềm vui mừng của Đảng Cộng sản Đông Dương lần đầu tiên được đi dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, niềm tin tưởng vào Quốc tế Cộng sản, Đảng Cộng sản Liên Xô, các đảng anh em khác.

Trong phiên họp thứ 31 ngày 11-8-1935, đồng chí Hoàng Văn Nõn (lúc ấy tên là Văn Tân) đọc tham luận, khẳng định những đóng góp to lớn của các dân tộc thiểu số ở Đông Dương.

Đồng chí nêu vấn đề thực hiện mặt trận thống nhất của giai cấp công nhân. Công nhân cần lập Công hội đỏ, cần đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đồng chí còn nêu vấn đề thành lập Mặt trận nhân dân thống nhất phản đế Đông Dương.

Trong phiên họp thứ 40, ngày 16-8-1935, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai (lúc ấy tên là Phan Lan) đọc bản tham luận khẳng định vai trò và thành tích của phụ nữ Đông Dương.

Trong bản tham luận của mình, đồng chí còn đề cập đến những âm mưu chiến tranh của Pháp, vấn đề lập Mặt trận nhân dân chống chiến tranh, bảo vệ hoà bình, Các bản tham luận của Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương là cơ sơ để Quốc tế Cộng sản hiểu rõ tình hình và đề ra phương hướng giúp đỡ cách mạng Đông Dương.

--------------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 2, tr.403-407, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.


Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực