Phía sau các "giải thưởng nhân quyền"

Thứ sáu, 03/08/2012 13:59

Ngày nay, nhân quyền đang trở thành một vấn đề tranh luận "nóng bỏng" giữa một số nước muốn áp đặt những quan niệm và sử dụng như một cái cớ để gây sức ép với những nước không chấp nhận sự chi phối và sự can thiệp từ bên ngoài.

Sự khác biệt trong quan niệm về nhân quyền là do nhiều nguyên nhân khác nhau về văn hóa, xã hội, nhân sinh, đặc biệt là từ sự lựa chọn các giá trị riêng có vai trò định hướng cho quá trình phát triển của mỗi quốc gia. Ðây cũng là một số trong nhiều lý do làm cho sách lược "lưỡng chuẩn về nhân quyền" của Mỹ và phương Tây bị nhiều nước lên án như là sự áp đặt để đạt tới những mục đích kinh tế, chính trị, tôn giáo...

Khi đánh giá nhân quyền, phải xem xét từ những thành tựu mà mỗi Nhà nước đã đem lại cho nhân dân của mình. Không thể nấp dưới chiêu bài nhân quyền để ngạo mạn đánh giá thành tích nhân quyền, từ đó tạo cớ can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia khác. Áp đặt về nhân quyền để đạt những mục đích kinh tế, chính trị, tôn giáo, đó là điều mà giới tri thức phương Tây từng thừa nhận. Noam Chomsky - một học giả của Mỹ viết: "Thật ra chính sách ngoại giao của Mỹ là đặt căn bản trên nguyên tắc không liên quan gì đến nhân quyền, mà là liên quan nhiều đến sự tạo ra một bầu không khí thuận lợi cho ngoại thương". Lịch sử cũng đã và đang minh chứng, chưa bao giờ các quốc gia phương Tây đứng đầu là Mỹ, lại tỏ ra tôn trọng nhân quyền ở các nơi khác trên thế giới. Bởi thế, bất chấp việc chưa có một khái niệm thống nhất về nhân quyền trên thế giới, thì tiêu chí về nhân quyền đã và đang được Mỹ cùng các quốc gia phương Tây khai thác từ bản Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền được Liên hợp quốc thông qua ngày 10-12-1948. Nhưng kể cả khi vận dụng Tuyên ngôn này, họ vẫn cố tình lờ đi Ðiều 29 của Tuyên ngôn và một số điều khoản trong hai bản Giao ước quốc tế về quyền dân sự và quyền chính trị; Giao ước quốc tế về những quyền kinh tế - xã hội và văn hóa đã được Ðại hội đồng Liên hợp quốc chấp thuận ngày 6-12-1966, trong đó có một số quy định chỉ rõ các quyền cơ bản của con người đều chịu "sự hạn chế do luật pháp đặt ra".

Hằng năm, tự đặt mình ở cương vị phán xét người khác, Mỹ lại đưa ra những bản phúc trình về tình trạng nhân quyền, tự do tôn giáo của các quốc gia khác, trừ Mỹ, và đều bị các nước liên quan phản đối kịch liệt. Ðáng chú ý ngay trong năm 2011 vừa qua, Trung Quốc đã đáp trả bằng các hồ sơ chi tiết về tình trạng vi phạm nhân quyền khủng khiếp của chính nước Mỹ.

Những cuộc xung đột đó sẽ còn dài và một trong những phương tiện đang được sử dụng trong cuộc chiến nhân quyền ấy là: trao giải thưởng nhân quyền. Ðến ngay cả giải thưởng Nobel hòa bình - một giải thưởng mà người sáng lập ra nó đặt tiêu chí là trao giải cho "người có cống hiến to lớn cho tình hữu nghị giữa các quốc gia, cho việc giải trừ hoặc hạn chế các lực lượng vũ trang và việc tổ chức hay xúc tiến các hội nghị hòa bình", tưởng như chẳng dính dáng gì mấy tới cuộc xung đột nhân quyền, cũng đang bị biến dạng. Không ít học giả quốc tế nhận xét, Nobel hòa bình "đã chệch xa khỏi sứ mệnh ban đầu của mình". Tác giả Ronald R.Krebs - Phó Giáo sư Khoa học Chính trị tại Ðại học Minnesota, Hoa Kỳ trên Tạp chí Foreign Policy đánh giá: "Từ 1971 đến 2008, các nhà bất đồng chính kiến được nhận giải tới 10 lần... giải thưởng của họ không đồng nghĩa với những đóng góp đáng kể vào hòa bình trong nước và quốc tế".

Việt Nam không phải là ngoại lệ. Chưa bao giờ, việc trao các loại giải thưởng nhân quyền cho những người được gọi là "nhà bất đồng chính kiến bị chính quyền đàn áp" trong nước lại "nhộn nhịp" như mấy năm gần đây. Tính sơ sơ đã có gần chục loại giải thưởng nhân quyền được trao cho các đối tượng chống Nhà nước Việt Nam, như "giải thưởng Hellman/Hammet" của tổ chức Quan sát nhân quyền quốc tế (HRW); "giải thưởng Stephanus" của Hiệp hội quốc tế nhân quyền tại Ðức; "giải thưởng quốc tế Gruber" của Nghiệp đoàn luật sư quốc tế; "giải nhân quyền Gwangju"; giải thưởng nhân quyền của "Mạng lưới nhân quyền Việt Nam",... Với một số giải thưởng khác, như "giải thưởng nhân quyền Sakharov" của Quốc hội châu Âu; giải thưởng Nobel hòa bình, Nobel văn chương... tuy chưa có cá nhân nào là người Việt Nam được nhận, nhưng một số "nhân vật" đã được đưa vào danh sách đề cử như: Thích Quảng Ðộ, Nguyễn Văn Lý, Dương Thu Hương...

Vậy những "giải thưởng nhân quyền" ấy có biểu lộ chút giá trị nào như tên gọi không? Ðiểm mặt một số cá nhân được các tổ chức nọ "vinh danh", sẽ thấy ngay bản chất của các loại giải thưởng này. Lê Thị Công Nhân, người được nhiều "giải thưởng nhân quyền" nhất, chỉ được biết đến sau khi Tòa án kết tội "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam". Trong vài năm liền, hầu như năm nào, nhân vật này cũng được các tổ chức chống phá chính quyền Việt Nam trao giải thưởng: năm 2007 là giải thưởng của "mạng lưới nhân quyền Việt Nam"; năm 2008 là "giải nhân quyền Gwangju". Năm 2009 là "giải thưởng quốc tế Gruber" và năm 2010 là "giải thưởng Stephanus". Lý do trao giải không có gì khác, ngoài việc kích động Lê Thị Công Nhân ngày càng liều lĩnh chống chính quyền như con thiêu thân. Ðáp lại sự "lăng-xê" của các tổ chức này, Lê Thị Công Nhân không ngại nói năng xằng bậy, cho rằng cả dân tộc Việt Nam "mê muội" và "cuồng tín", kích động quần chúng phải đứng lên lật đổ chính thể hiện hành, ca tụng các hành động khủng bố điên cuồng của Lý Tống, kể cả hành động cướp máy bay xâm nhập lãnh thổ Việt Nam để rải truyền đơn...

Kế đến là Nguyễn Văn Lý, người có "thâm niên" đi tù nhiều lần vì các tội danh chống chính quyền nhân dân từ những năm 1977. Ðó là người hễ mở miệng ra là kêu gọi lật đổ chế độ, kích động chống Nhà nước, kêu gọi nước ngoài cấm vận, đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách CPC (các nước cần quan tâm đặc biệt về vấn đề Tôn giáo), không cho Việt Nam vào WTO, tẩy chay bầu cử Quốc hội và Ðại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội..., toàn những việc làm phi pháp; phản dân, hại nước.

Thứ nữa là những kẻ như Trần Khải Thanh Thủy, kẻ "nổi tiếng" với thành tích lừa phỉnh dân khiếu kiện và lập ra "hội dân oan" để "kinh doanh" kiếm lời, rồi có hành vi côn đồ hung hãn, đánh người gây thương tích... Không phải ngẫu nhiên mà người ta lại dùng cái hỗn danh "Trần Khải Ma Quỷ" để đặt cho Trần Khải Thanh Thủy. Hay Nguyễn Khắc Toàn, trình độ tư duy quá thấp kém nhưng bằng cái tài lưu manh làm cho đồng bọn phải kinh hãi, như thủ đoạn "triệt hạ" Trần Khải Thanh Thủy để chiếm lấy món lợi "dân oan", khiến kẻ thân tín là Hồ Thị Bích Khương bỏ chạy "tháo thân" bằng những bài viết tố Nguyễn Khắc Toàn trên Internet v.v. Ðiểm qua vài gương mặt được nhận các "giải thưởng nhân quyền" đã đủ thấy tiêu chí của các giải thưởng này rất cụ thể là: càng chống chính quyền cực đoan thì càng nhận được nhiều giải thưởng! Hoàn toàn trái ngược với những căn cứ được nêu trong các văn bản quốc tế về nhân quyền.

Xét đến công cụ trao giải, trước tiên phải kể đến "mạng lưới nhân quyền Việt Nam" gồm những kẻ chống phá Nhà nước Việt Nam đã có thâm niên, như Nguyễn Thanh Trang, Võ Văn Ái, Nguyễn Tường Bách, Nguyễn Ngọc Bích, Nguyễn Minh Cần, Ðoàn Viết Hoạt, Nguyễn Hữu Lễ, Phạm Ngọc Lũy, Nguyễn Quốc Quân, Nguyễn Chí Thiện... Mạng lưới này được lập ra từ năm 2002, với hàng loạt các hoạt động "chống cộng", và "giải thưởng nhân quyền" được trao theo kiểu xếp hàng, lần lượt được trao cho các đối tượng có hoạt động tuyên truyền hoặc mưu đồ lật đổ Nhà nước Việt Nam như: Trần Anh Kim, Ðỗ Nam Hải, Nguyễn Chính Kết, Nguyễn Văn Ðài, Lê Thị Công Nhân, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn...

Còn các tổ chức trao giải nhân quyền quốc tế khác, thì từ khâu xét chọn đến trao giải, đều có vai trò tích cực của các cá nhân, tổ chức thù địch với Nhà nước và nhân dân Việt Nam, như: "Việt Tân", "tập hợp dân chủ đa nguyên", "cao trào nhân bản"... Nổi bật là tổ chức Quan sát nhân quyền quốc tế (HRW) với "giải thưởng Hellman/Hammet" mà tiền thân là tổ chức Helsinki để "giám sát" dân chủ, nhân quyền của Liên Xô (cũ), sau này được bành trướng, mở rộng thành một tổ chức tự phong cho mình quyền giám sát nhân quyền thế giới! Sự thật là những đối tượng được HRW trao "giải thưởng Hellman/Hammet" đều là các công dân Việt Nam vi phạm pháp luật. Nhìn khung cảnh những buổi lễ trao giải của HRW, không ai có thể nhận xét khác được về vai trò tích cực của các cá nhân, tổ chức mà ta gọi là bọn phản động lưu vong người Việt. "Giải thưởng Hellman/Hammet 2010" được trao cho sáu đối tượng người Việt thì trong đó có bốn đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật, hiện đang là phạm nhân trong các trại cải tạo.

Chính vì vậy, trên các diễn đàn Internet, không ít bạn đọc đã nhận rõ trắng - đen trong bản chất và hành vi của các tổ chức trao giải nhân quyền, như trên diễn đàn BBC, bạn đọc viết: "Giải thưởng HRW chỉ có ý nghĩa với những ai coi trọng giải thưởng này thôi. Cá nhân tôi đánh giá thấp giải thưởng này do mức độ thành kiến của tổ chức này với Việt Nam là quá cao và hành vi của tổ chức này với Việt Nam là quá khích". Không có gì ngạc nhiên khi đứng sau mỗi giải thưởng nhân quyền ấy đều có hình bóng trực tiếp hoặc gián tiếp điều hành của một số nước phương Tây và đồng minh. Việc khai thác chiêu bài bảo vệ nhân quyền để ép buộc những quốc gia có chủ quyền khác vẫn không ngoài tham vọng điều hành thế giới. Trước xu thế phản đối quan điểm nhân quyền cưỡng chế của Mỹ và phương Tây (thể hiện trong Hội nghị Quốc tế Nhân quyền ở Vienna năm 1993 và nhiều diễn đàn, hội nghị khu vực, quốc tế khác), việc đẩy mạnh hình thức trao "giải thưởng nhân quyền" chỉ là màn kịch vụng về trên sân khấu chính trị hải ngoại, ngày càng phơi bày bộ mặt chống phá Nhà nước Việt Nam của các thế lực thù địch và những kẻ phản động lưu vong./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực