(ĐCSVN) - Sau 65 năm xây dựng và phát triển, công tác đối ngoại nhân dân đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào các hoạt động đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, góp phần quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Nhân dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng về vai trò và những thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại nhân dân trong 65 năm qua.
Phóng viên (PV): Được thành lập cách đây 65 năm, với vai trò là một tổ chức chính trị - xã hội chuyên trách về công tác đối ngoại nhân dân, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả vào các hoạt động đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước. Vậy ông có thể chia sẻ một số thành tựu nổi bật của công tác đối ngoại nhân dân trong 65 năm qua?
|
Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam Vũ Xuân Hồng. (Ảnh: KL) |
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng: Có thể khẳng định rằng, đối ngoại nhân dân được Bác Hồ chỉ đạo thành lập và đưa vào mặt trận đối ngoại từ rất sớm. Ngày 17/10/1945, chỉ một tháng rưỡi sau khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, một tổ chức hữu nghị song phương giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Mỹ - tổ chức “Việt – Mỹ thân hữu Hội” đã ra đời với mục tiêu góp phần thực hiện các chủ trương đường lối đối ngoại của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vào ngày 17/11/1950, tại Chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội thành lập Ủy ban Bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam. Hai ngày sau, ngày 19/11/1950, Đại hội thành lập Ủy ban bảo vệ Hòa bình Thế giới của Việt Nam (nay là Ủy ban Hòa bình Việt Nam) được tổ chức trọng thể tại thôn Roòng Khoa, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Năm 2004, Nhà nước đã công nhận ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi bức thư lịch sử cho Đại hội thành lập Ủy ban Hòa bình Việt Nam, ngày 17/11/1950 trở thành Ngày truyền thống của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam.
Trong 65 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác đối ngoại nhân dân đã có vai trò đột phá, xây dựng nền tảng quần chúng và đồng thuận xã hội cho quan hệ giữa Việt Nam và các quốc gia, các dân tộc, kiến tạo và củng cố môi trường hòa bình, tạo dựng hình ảnh quốc tế của nước ta, hình thành mặt trận nhân dân thế giới rộng rãi chưa từng có để đoàn kết, ủng hộ nhân dân Việt Nam, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của nhân dân ta trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Đặc biệt, trong những gần đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, được sự chỉ đạo và phối hợp chặt chẽ của đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, tổ chức và hoạt động của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, có nhiều đóng góp quan trọng cho công tác đối ngoại nói riêng và cho sự nghiệp đổi mới, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Công tác phi chính phủ nước ngoài do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam làm đầu mối thường trực đã được chú trọng đẩy mạnh trong những năm qua và có bước phát triển đáng kể cả về lượng lẫn về chất. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ hợp tác với gần 1.000 tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đến từ hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 15 năm qua, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài đã giải ngân trên 3 tỷ USD cho hàng chục ngàn chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, khắc phục hậu quả chiến tranh, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phòng trừ dịch bệnh, bảo vệ môi trường, giải quyết các vấn đề xã hội, hạ tầng, y tế, giáo dục và liên quan tới biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.
Về công tác củng cố và phát triển tổ chức, trong 65 năm qua, với tiền thân là một số các tổ chức hữu nghị, Ủy ban Đoàn kết, Ủy ban Hòa bình, đến nay, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam hiện có 111 tổ chức thành viên (trong đó có 64 Hội Trung ương và 47 Liên hiệp các tổ chức hữu nghị địa phương) và hàng trăm chi hội hội hữu nghị ở các tỉnh, thành, cơ quan, tổ chức trung ương. Tổ chức và đội ngũ đối ngoại nhân dân của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam ngày càng mở rộng và phát triển. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tổ chức 5 Đại hội đại biểu toàn quốc. Cơ quan thường trực của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam không ngừng được củng cố và trưởng thành, phục vụ hiệu quả hoạt động của toàn hệ thống. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã thành lập Quỹ hỗ trợ Đối ngoại nhân dân và các cơ quan báo chí trực thuộc như báo Thời đại, Tạp chí Hữu nghị, trang điện tử “Vietpeace.org.vn”, Tạp chí Bạch Dương… Hiện, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã thành lập Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế và đối ngoại nhân dân. Cơ sở vật chất kỹ thuật, điều kiện làm việc của cơ quan thường trực Liên hiệp Trung ương và địa phương được cải thiện. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ trẻ làm chuyên trách đối ngoại nhân dân của Liên hiệp được bổ sung, đào tạo, rèn luyện và trưởng thành.
Với những thành tích đã đạt được, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên đã được trao tặng các phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như Huân chương Hồ Chí Minh và các Huân chương cao quý của các nước. Nhiều cán bộ các thế hệ của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên đã có nhiều đóng góp xuất sắc cho công tác đối ngoại và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc cũng đã được nhận các phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước và sự trân trọng của bạn bè quốc tế.
PV: Từ những kết quả đã đạt được và từ thực tiễn quá trình hoạt động, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã rút ra những bài học kinh nghiệm gì trong công tác hòa bình, hữu nghị và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài, góp phần vào những thành tựu chung trong công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước?
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng: Nhìn lại chặng đường 65 năm thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, đồng hành cùng dân tộc, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã rút ra những bài học kinh nghiệm sau:
Một là, bài học nhận thức về công tác đối ngoại nhân dân: Đối ngoại nhân dân có vị trí quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ hội nhập quốc tế, hoạt động đối ngoại nhân dân tiếp tục có vai trò ngày càng quan trọng, đặc biệt trong việc góp phần thực hiện chủ trương “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế”. Đối ngoại nhân dân có nhiệm vụ làm cho nhân dân các nước hiểu và từ đó có thiện cảm và đồng tình, ủng hộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, tăng cường hợp tác xây dựng với Việt Nam, đồng thời qua đó chúng ta tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại tiến bộ vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, tiến bộ xã hội, phát triển công bằng và bền vững.
Hai là, bài học về cơ chế, trước tình hình thế giới có nhiều phức tạp như hiện nay, cần đảm bảo được sự thống nhất trong quan hệ và hoạt động đối ngoại dưới sự lãnh đạo của Đảng; tăng cường sự gắn bó, phối hợp giữa đối ngoại nhân dân với đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước; đồng thời cần xây dựng cơ chế đảm bảo sự phối hợp thống nhất của các tổ chức nhân dân Việt Nam trong hoạt động đối ngoại.
Lễ ghi nhận và vinh danh các tổ chức phi chính phủ là hoạt động được Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức thường niên. (Ảnh: KL)
Ba là, bài học về phương châm “chủ động, linh hoạt, sang tạo, hiệu quả”: Lợi thế của đối ngoại nhân dân là tính không chính thức trong quan hệ, tính rộng và đa dạng của đối tác, của nội dung và hình thức hoạt động. Do đó, cần tích cực chủ động trong quan hệ với đối tác, trong việc xác định nội dung và phương thức hợp tác. Cần phát huy hơn nữa ưu thế linh hoạt của đối ngoại nhân dân trong thể hiện thái độ và xử lý các vấn đề đối ngoại trên cơ sở đảm bảo lợi ích quốc gia, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước và phù hợp các giá trị tiến bộ, nhân văn của nhân loại. Nội dung và hình thức cần được đa dạng hóa phù hợp với từng loại đối tác; cần phát huy tối đa tiềm năng sang tạo, và hiện đại hóa các công cụ tác động, để nâng cao hiệu quả của các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Bốn là bài học về xây dựng lực lượng: Cùng với quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế và các quan hệ hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng mở rộng, chủ thể tham gia các hoạt động đối ngoại nhân dân ngày càng phát triển đa dạng. Trong tình hình đó, cần củng cố, tăng cường năng lực của các lực lượng tham gia công tác đối ngoại nhân dân, trong đó cần đặc biệt chú trọng củng cố, xây dựng và phát huy vai trò của tổ chức chuyên trách trong mặt trận đối ngoại nhân dân là Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam để làm nòng cốt phối hợp trong hoạt động chung của các tổ chức nhân dân Việt Nam. Đồng thời cần đẩy mạnh việc phối kết hợp với các ngành, tổ chức nhân dân, huy động được các nguồn lực về trí tuệ và vật chất trong xã hội để phát huy sức mạnh tổng hợp trong hoạt động đối ngoại nhân dân.
PV: Thưa ông, trong bối cảnh hiện nay khi Cộng đồng ASEAN đã được thành lập và tình hình thế giới diễn biến phức tạp khó lường, công tác đối ngoại nhân dân có vai trò như thế nào?
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng: Vào ngày 31/12/2015, Cộng đồng ASEAN đã chính thức được thành lập trên ba trụ cột: chính trị - an ninh, văn hóa và hướng về người dân. Có thể nói, đây là môt thắng lợi lớn của nhân dân các nước Đông Nam Á trong việc quyết tâm cùng nhau xây dựng Hiệp hội các quốc gia ASEAN với lịch sử gần 50 năm được thành lập trở thành Cộng đồng ASEAN vì tương lai tươi sáng của hơn 600 triệu dân. Trong tình hình đó, đối ngoại nhân dân vẫn tiếp tục có những đóng góp quan trọng trong việc tham gia xây dựng, phát triển đồng hành cùng cộng đồng ASEAN.
Chuẩn bị cho việc này, trong những năm qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã tích cực tìm hiểu tình hình. Song song với các hoạt động và tham gia đóng góp của chúng ta về mặt chính sách, quan điểm đến những sáng kiến cụ thể của nhà nước Việt Nam đối với quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN, các tổ chức hữu nghị của Việt Nam với tất cả các nước ASEAN nói chung và mỗi nước ASEAN nói riêng đã được thành lập. Về mặt tổ chức, chúng ta đã đi trước một bước được tất cả các hội hữu nghị song phương với từng nước ASEAN. Riêng với Brunei do không có truyền thống về lĩnh vực này nên Liên hiệp sẽ là đối tác. Đây là cơ sở vững chắc để chúng ta tăng cường hơn nữa hoạt động theo tinh thần chủ động, linh hoạt, trong việc mở rộng, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ hợp tác giữa nhân dân các nước ASEAN, trao đổi với các tổ chức nhân dân các nước ASEAN đóng góp ý kiến xây dựng của các tầng lớp nhân dân các tổ chức nhân dân ASEAN đối với quá trình phát triển tới đây của ASEAN với một tinh thần cao nhất. Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên đang chuẩn bị chương trình rất chủ động để tham gia vào quá trình này; đồng thời đấu tranh với những quan niệm và ý đồ của các thế lực xấu có âm mưu, hành động chia rẽ các nước ASEAN ,chia rẽ nhân dân các nước trong khu vực này.
Tôi cho rằng, trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN được thành lập, chúng ta phải xây dựng chiến lược lâu dài, những kế hoạch cụ thể. Trong thời gian tới, một mặt tích cực tham gia cùng các tổ chức nhân dân trong quá trình phát triển của cộng đồng mặt khác tăng cường quảng bá thông tin về cộng đồng đến với nhân dân trong nước để mỗi tổ chức, mỗi ban, ngành và cá nhân chuẩn bị tinh thần và kế hoạch, chủ động tham gia vào cộng đồng ASEAN.
Trong quan hệ với các nước trên thế giới trong bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp khó lường, chúng ta phải tận dụng đối ngoại nhân dân để “lấy dân thúc quan” có nghĩa dùng quan hệ đối ngoại giữa nhân dân với nhân dân, giữa nhân dân với các nước để làm cho các chính khách, các chính phủ các cơ quan quyền lực của Nhà nước các nước có các chính sách thuận lợi hữu nghị hợp tác đối với Việt Nam. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong việc vận động sự ủng hộ của bạn bè quốc tế trong suốt 65 năm qua, với truyền thống công tác đối ngoại nhân dân sẽ tiếp tục gặt hái được những thành quả trong tình hình mới. Để nhân dân thế giới chúng ta tốt hơn thì điều quan trọng nhất là đưa được những giá trị văn hóa giá trị tinh thần và giá trị truyền thống và những mặt tốt đẹp của xã hội Việt Nam đến bạn bè quốc tế một cách nhanh nhất hiện đại nhất qua các phương tiện truyền thông đại chúng qua các mối quan hệ truyền thống của chúng ta và các thông tin này phải được truyền tải thường xuyên, liên tục và đến được nhiều tầng lớp nhân dân thế giới, đặc biệt là thế hệ trẻ - những người kế tục và phát triển mối quan hệ với Việt Nam, đây là một thách thức lớn nên chúng ta phải tập trung nguồn lực nhân tố hạt nhân nòng cốt mới trong quan hệ Việt Nam ở mỗi nước, mỗi khu vực.
Với vai trò là đầu mối trong công tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài , Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh vận động viện trợ nâng cao hiệu quả sử dụng viện trợ; hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài hoạt động tốt nhất tại Việt Nam trong điều kiện pháp lý và pháp luật của Việt Nam; tạo điều kiện gần gũi hơn bám sát tốt hơn các hoạt động thông qua các biện pháp quản lý về tài chính, dự án, tăng cường năng lực cho các đầu mối làm về công tác phi chính phủ các địa phương đạt hiệu quả tốt nhất, tranh thủ vận động phi chính phủ được nhiều hơn để mỗi năm viện trợ phi chính phủ nhiều hơn cho đất nước.
Trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới diễn biến phức tạp, chúng ta phải mạnh mẽ đổi mới công tác nghiên cứu đặc biệt là nghiên cứu về động thái. Với tinh thần đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đã thành lập Viện nghiên cứu quốc tế và đối ngoại nhân dân. Theo tôi, đây là viện nghiên cứu có tương lai vì có quan hệ với hàng ngàn đối tác tại các nước trên thế giới chúng tôi có thể theo dõi, nắm bắt được động thái về công tác đối ngoại, chính sách đối ngoại, chính sách phát triển của các nước phục vụ trước hết cho công tác của mình, góp phần tham mưu cho các đồng chí lãnh đạo Việt Nam trong việc hoạch định kế hoạch chiến lược về đối ngoại.
Tôi cho rằng, một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với công tác đối ngoại nhân dân là tăng cường vận động sự tham gia của nhân dân vào các hoạt động ngoại giao của các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Theo Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch của Đại hội Liên hiệp lần thứ 5 (nhiệm kỳ 2013 – 2018, đến năm 2018, tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước sẽ phải có Liên hiệp các tổ chức hữu nghị hoặc các tổ chức đối ngoại nhân dân tương ứng. Hiện nay đã có 44 các tỉnh thành đã thành lập Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, phát triển lực lượng trong tình hình mới.
PV: Trong thời gian tới, đặc biệt là trong năm 2016 – năm diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam sẽ tập trung vào những nhiệm vụ quan trọng nào, thưa ông?
Chủ tịch Vũ Xuân Hồng: Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn có những quan điểm, chủ trương để phát triển, đổi mới và nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân. Đặc biệt Ban Bí thư Trung ương khóa X đã có Chỉ thị 28 về “Tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân” và Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI ngay từ đầu nhiệm kỳ đã có Chỉ thị 04 về tiếp tục nâng cao hiệu quả của công tác đối ngoại nhân dân trong đó nhắc tới rất nhiều đến vai trò, vị trí, chức năng của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ bằng Quyết định số 41 đã có những quyết định cụ thể nhằm thể chế hóa chỉ thị của Đảng, Nhà nước liên quan đến những vấn đề chế độ chính sách điều kiện tạo điều kiện cho Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam hoạt động .
Đoàn đại biểu Lào tham dự hoạt động "Theo dấu chân Chủ tịch Kayson Phomvihan" - một hoạt động ngoại giao nhân dân do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức vào cuối năm 2015. (Ảnh: KL)
Những cơ sở đó là hết sức quan trọng để Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tiếp tục đi lên trên một nền tảng mới, đặc biệt trong năm 2016 - năm diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam, một Đại hội quan trọng, mang tính lịch sử không chỉ trong việc chuyển giao thế hệ lãnh đạo mà đồng thời cũng có quan điểm tổng kết thực tiễn 30 đổi mới của Việt Nam. Trên cơ sở đóng góp và nhân tố chính sách đối ngoại đúng đắn của Việt Nam trong tình hình mới, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên phải được quán triệt nghiên cứu một cách sâu sắc Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XII để tập trung thực hiện tốt nhất sứ mệnh của mình, đó là tạo cơ sở quần chúng, tạo nền tảng nhân dân tạo sự đồng thuận xã hội cho quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với các nước trong tương lai.
Bên cạnh đó, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng tích cực chuẩn bị triển khai một chương trình hành động cụ thể và toàn diện trên tinh thần “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” để thực hiện Nghị quyết XII của Đảng đặc biệt liên quan đến chính sách đối ngoại.
Tôi tin tưởng rằng, với những bài học kinh nghiệm của 65 năm qua, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cũng như các tổ chức thành viên ngày càng nhận diện ra những mô hình hiệu quả, những cách thức phương thức mới để tiếp cận với bạn bè quốc tế, tham gia tích cực vào các thiết chế đa phương vận động viện trợ nhân đạo phát triển đất nước, thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị vốn là tố chất quan trọng của con người Việt Nam , nâng cao vị thế đất nước, góp phần vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!