5G: Việt Nam tiến cùng thời đại

Thứ ba, 14/05/2019 11:35
(ĐCSVN) - 5G là mạng di động thế hệ thứ 5 (5th Generation mobile network) hay còn gọi là hệ thống không dây thứ 5, nối tiếp công nghệ di động thế hệ 4G. Hiện 5G đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ, hứa hẹn sẽ được ứng dụng rộng rãi trong tương lai gần, nhất là những sản phẩm thông minh.

Ngày 10/5 vừa qua, Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel) thực hiện kết nối lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam. Được biết, tốc độ kết nối mạng với thiết bị đầu cuối đạt mức 1,5 - 1,7Gbps (tương đương cáp quang thương mại), đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia thử nghiệm thành công sớm nhất mạng 5G trên thế giới, chỉ đứng sau Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.

Thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên ở Việt Nam. Ảnh: kinhtedothi.vn

Từ tiếp cận công nghệ…

5G là mạng di động thế hệ thứ 5 (5th Generation mobile network) hay còn gọi là hệ thống không dây thứ 5, nối tiếp công nghệ di động thế hệ 4G. Hiện 5G đang trong giai đoạn phát triển bùng nổ, hứa hẹn sẽ được ứng dụng rộng rãi trong tương lai gần, nhất là những sản phẩm thông minh.

Mạng 5G sẽ khắc phục triệt để những khiếm khuyết của 4G-LTE, đặc biệt là tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh gấp 20 lần so với 4G, đạt tới 20 GPs mỗi cell đơn tải về. Theo đó, người dùng có thể xem trực tuyến video ở cấp độ “8K” với định dạng 3D, kết nối thiết bị VR gần như không có độ trễ.

Ngay ở vùng rìa phủ sóng, mạng 5G cũng đạt tốc độ 10 Gbps (gigabit/giây) và có thể còn cao hơn. 5G có thể giao tiếp tốt với các thiết bị công nghệ điện tử thông minh trong nhà, trên ô tô và kết nối internet… Bởi 5G sử dụng bước sóng milimét, quang phổ tín hiệu RF giữa các tần số siêu cao 20GHz và 300GHz. Các bước sóng này có thể truyền tải khối lượng lớn dữ liệu với tốc độ lớn.

Tuy nhiên, mạng 5G cũng có những yếu điểm là không truyền xa, khó xuyên tường và vượt chướng ngại vật… để khắc phục cần phải sử dụng một lượng lớn antena để có cùng độ phủ sóng như 4G hiện nay, nên cơ sở hạ tầng của mạng 5G có vai trò khá quan trọng.

Mạng 5G sẽ sử dụng các trạm HAPS (High Altitude Stratospheric Platform Stations) như máy bay không người lái cố định bố trí ở độ cao khoảng 20–22 km so với mặt đất hoạt động gần giống như vệ tinh địa tĩnh để thay thế các antena, tạo ra đường truyền tín hiệu thẳng đứng, khiến vùng phủ sóng rộng, ổn định, không bị hạn chế bởi địa hình và các kiến trúc trên mặt đất.

Để khắc phục các vật cản lớn ở các thành phố, một số nước châu Âu thậm chí còn đang nghiên cứu việc lắp đặt các trạm phát sóng 5G ở ngay nắp cống trên đường giao. Theo giới chuyên gia dự báo đến năm 2035 công nghệ 5G có thể tạo ra GDP toàn cầu tới 12.300 tỷ USD.

Đến triển khai, thử nghiệm …

Việt Nam đã triển khai thử nghiệm mạng 5G chỉ sau 3 tháng kể từ ngày Viettel nhận giấy phép của cơ quan quản lý. Hiện mới có 2 nhà mạng được cấp phép thử nghiệm là Viettel và MobiFone. Đồng hành với quá trình thử nghiệm của Viettel còn có Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển).

Ngày 10/5, Viettel đã thực hiện kết nối thử nghiệm thành công mạng di động 5G. Theo đó, tốc độ kết nối mạng với thiết bị đầu cuối được ghi nhận là đạt mức 1,5 - 1,7Gbps (tương đương cáp quang thương mại) và dự kiến sẽ thương mại hóa vào năm 2020.

Mục tiêu của giai đoạn thử nghiệm mạng 5G được xác định là: (1) vùng phủ sóng; (2) công suất; (3) tốc độ tối đa; (4) khả năng tương thích với cơ sở hạ tầng hiện đại. Trước đó, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng khẳng định: “5G là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng trên thế giới”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: “Chúng ta muốn đi đầu trong cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, muốn phát triển Công nghệ thông tin và truyền thông hợp nhất (ICT), để người dân và doanh nghiệp Việt Nam có thể cạnh tranh trong nền kinh tế toàn cầu. Đó là lý do tại sao cần sớm triển khai mạng 5G”.

Viettel còn cho biết thêm, đơn vị này đang xây dựng nhiều phương án tính giá cước 5G sẵn sàng cho việc triển khai thương mại hóa vào năm 2020. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu nhà mạng có thể sẽ không tính cước theo dung lượng mà dựa trên sự trải nghiệm của khách hàng.

Trước đó, ngày 26/4, Viettel cũng đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và phát sóng thử nghiệm thành công trên mọi băng tần được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép. Tốc độ kết nối trong các bài thử nghiệm dao động từ 600-700Mbps, tương đương nhà mạng 5G Verizon của Mỹ.

Một trong những yếu tố quan trọng của cơ sở hạ tầng là các tháp sóng. Theo số liệu của Deloitte, thì Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về lĩnh vực này, cho đến nay họ đã xây được hơn 350.000 tháp sóng đạt tỉ lệ 14 cột trên 10.000 dân. Tiếp theo là Mỹ có 30.000 tháp, đạt mức 5 cột tháp trên 10.000 dân.

Ở Việt Nam, nhà mạng Viettel đã lắp đặt được 3 trạm 5G, trạm số 1 đặt trên nóc nhà Trung tâm Viettel quận Hoàn Kiếm; trạm số 2 đặt tại trụ sở Viettel Net số 19 Duy Tân; trạm thứ 3 đặt ở số 1 Trần Hữu Dực. Theo kế hoạch, tháng 6 tới sẽ hoàn thành khoảng 70 trạm 5G và hoàn thành triển khai thử nghiệm trên cả 2 thành phố lớn là Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Trong cuộc đua ứng dụng 5G, mạng thế hệ mới này là khâu then chốt trong việc phát triển xe tự lái, thực tế ảo và thành phố thông minh của các nhà mạng trên phạm vi toàn cầu. Thời gian thực là khâu cốt tử để bảo đảm cho các thiết bị thông minh không có bất kỳ sai sót nào trong quá trình vận hành.

Hãng nghiên cứu và tư vấn toàn cầu trong lĩnh vực viễn thông Analysys Mason phân loại 3 nhóm nước dẫn đầu về mức độ sẵn sàng triển khai 5G ở cấp độ thương mại. Theo đó, nhóm đầu tiên gồm 4 nước (Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản). Nhóm thứ 2 gồm 3 nước (Đức, Anh, Pháp). Nhóm thứ 3 gồm 3 nước (Canada, Nga, Singapore).

Hiện nay cuộc đua thực sự đang nằm ở sự cạnh tranh chiếm lĩnh ngôi vị dẫn đầu công nghệ 5G giữa các tập đoàn thiết bị viễn thông như: ZTE, Huawei (Trung Quốc) với các công ty Qualcomm, Intel (Mỹ); Nokia, Ericsson (EU) và các nhà mạng đang nổi lên khác...

Và tìm kiếm các giải pháp

(1) Theo giới chuyên gia, Việt Nam cần tập trung phát triển các doanh nghiệp công nghệ và sản xuất các thiết bị internet vạn vật (IoT), thiết bị viễn thông, chipset 5G, camera giám sát… Vì đây là các sản phẩm chỉ có hiệu quả cao khi gắn kết với mạng 5G.

(2) Việt Nam cần sớm đưa ra các chính sách, quản lý, chiến lược phát triển di động băng rộng và lộ trình triển khai 5G bao gồm: công nghệ, chia sẻ và dùng chung cơ sở hạ tầng, tần số, tiêu chuẩn, an toàn thông tin, ứng dụng và các mô hình kinh doanh dịch vụ 5G…

(3) Việt Nam cần sẵn sàng hợp tác với các nước trong ASEAN để thành lập liên doanh và các nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ; sẵn sàng mở và chia sẻ tất cả các bí quyết công nghệ với quốc gia khác là thành viên ASEAN để có thể sớm làm chủ các thiết bị đảm bảo an ninh mạng quốc gia.

(4) Cần chủ động khắc phục các mặt trái của công nghệ 5G, trong đó có vấn đề bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, giảm thiểu những tác động tiêu cực có thể nảy sinh.

Như vậy, 5G là một trong những mũi nhọn mang tính đột phá để Việt Nam sớm tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Sự thành công trong quá trình thử nghiệm mạng 5G cho thấy Việt Nam đã và đang nắm bắt cơ hội để “đi tắt, đón đầu” trong sự nghiệp CNH, HĐH; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN theo tinh thần của Văn kiện Đại hội XII của Đảng./.

Nguyễn Nhâm

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực