Khắc phục khó khăn trong giáo dục mầm non ở Đông Nam bộ

Thứ bảy, 16/07/2016 00:46
(ĐCSVN) - Hiện nay, hầu hết các tỉnh khu vực miền Đông Nam bộ đang gặp rất nhiều khó khăn trong giáo dục mầm non, đó là việc thiếu giáo viên mầm non nhưng chưa thể tuyển dụng bổ sung vì vướng chỉ tiêu biên chế. Cùng với đó là cơ sở vật chất cho bậc học này nhiều nơi còn thiếu thốn.

Một trường mầm non do doanh nghiệp có vốn nước ngoài  đầu tư trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
(Ảnh: K.V)

Học sinh mầm non tăng nhanh hàng năm

Hàng năm, nhu cầu học tập của học sinh mầm non trên địa bàn các địa phương khu vực Đông Nam bộ lại khá tăng cao, bởi đây là khu vực phát triển công nghiệp, lượng người nhập cư vào địa bàn mỗi năm một tăng, kèm theo số trẻ em sinh sống cùng gia đình cũng tăng nhanh.

Chỉ tính riêng tỉnh Bình Dương, trung bình tăng 6.000 đến 9.000 trẻ mỗi năm. Chính vì vậy, mỗi năm địa phương này đều phải đầu tư xây dựng thêm trường lớp cho bậc học mầm non, nhưng vẫn không đủ đáp ứng chỗ học cho trẻ em. Do các trường công lập không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu trông giữ trẻ, các trường, nhóm lớp mầm non tư thục ở khu vực này cũng phát triển khá nhanh, phần nào giải quyết được nhu cầu gửi con của người lao động.

Anh Đào Ngọc Khánh, người dân phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai cho biết: Do cả hai vợ chồng làm cho doanh nghiệp nước ngoài, nên hai đứa con của gia đình anh đều phải gửi nhà trẻ. Ban đầu, xin được vào một trường công lập ở phường Tân Hiệp, vợ chồng anh yên tâm vì trường lớp khang trang, rộng rãi, thoáng mát, qua theo dõi thấy việc chăm sóc các cháu ở trường rất chu đáo, cẩn thận, bản thân hai đứa con nhà anh Khánh cũng thích đến ngôi trường này. Nhưng chỉ sau một thời gian cho con mình đến học ở trường công lập, vợ chồng anh Khánh mới thấy một bất tiện, đó là trường này chỉ nhận trông giữ đến hết thứ 6, trong khi hai anh chị phải làm cả thứ 7. Không kể những ngày tăng ca, về muộn phải nhờ người đón. Vậy là vợ chồng anh phải mang con sang gửi nhà trẻ tư thục, vì ở đây nhận trông cả thứ 7 và nếu có về chậm giờ thì nhà trẻ vẫn trông giúp. Những cặp có hoàn cảnh như vợ chồng anh Khánh có rất nhiều tại các tỉnh có đông khu công nghiệp như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tây Ninh, Long An…

Không tính các trường công lập và một số trường mầm non tư thục được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, diện tích rộng rãi, đủ sân chơi cho các cháu, còn lại, một số mầm non tư thục hầu như không đủ điều kiện trông giữ trẻ. Tuy nhiên, do nhu cầu quá lớn, nên ngành giáo dục và chính quyền các địa phương ở Đông Nam bộ gần như không thể bao quát hết được lĩnh vực này. Đã xảy ra nhiều trường hợp tai nạn thương tâm đối với các cháu nhỏ do việc quản lý lớp học chưa chặt chẽ, giáo viên hoặc người trông giữ trẻ chưa có kiến thức, chưa qua đào tạo về bậc học mầm non…

Tại thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An..., ngành chức năng đã phát hiện nhiều nhà trẻ tư thục không giấy phép, có những vụ cô giáo mầm non đánh đập trẻ em, gián tiếp hoặc trực tiếp gây thương tích cho các cháu, thậm chí đã có một số vụ tử vong ngay tại lớp học. Tình trạng quá tải số lượng trẻ tính trên 1 giáo viên đang là vấn đề gây nhiều nhức nhối cho xã hội, và vấn đề này cũng là một trong những điều gây áp lực nhất tới các giáo viên mầm non. Việc quản lý quá nhiều trẻ nhỏ, từ việc soạn giáo án, chăm lo, tổ chức trò chơi, lên bảng theo dõi quá trình học tập, để ý tới tâm lý từng bé khiến các cô luôn phải bận bịu suốt cả ngày. Áp lực về thời gian và trách nhiệm là vô cùng lớn đối với giáo viên mầm non.

Cô Nguyễn Thị Uyển, chủ một nhà trẻ tư thục tại thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cho hay: Mầm non tư thục đang đối diện với rất nhiều khó khăn, bất cập. Mặc dù Nhà nước có chính sách xã hội hóa từ lâu đối với bậc học này, nhưng để tiếp cận đến những chính sách ấy thì quả là vô cùng khó. Cô Uyển cho biết, gia đình tự mua đất, đầu tư xây dựng trên diện tích 400 mét vuông cho nhà trẻ tư thục, tổng chi phí gần 5 tỷ đồng. Khi nhóm trẻ đi vào hoạt động, việc thuê giáo viên không hề đơn giản, bởi chi phí cho mỗi giáo viên mầm non không thể trả quá cao, mà thấp quá cô giáo sẽ nghỉ việc. Trung bình mỗi lớp hai chục cháu là phải có hai cô chăm sóc. Lương tháng trả cho giáo viên giờ đã mất gần chục triệu, rồi còn rất nhiều chi phí khác nữa nên hiệu quả không cao.

Tại Hội nghị ngành giáo dục- đào tạo các địa phương Vùng 5 khu vực miền Đông Nam bộ vừa tổ chức tại Tây Ninh, các ý kiến phát biểu tại Hội nghị cho thấy, hầu hết các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam bộ đang thiếu giáo viên mầm non một cách trầm trọng, nhưng chưa thể tổ chức tuyển dụng vì đã hết chỉ tiêu biên chế. Do thiếu giáo viên mầm non so với quy định nên đa số giáo viên bậc học này đều dạy vượt 200 tiết / năm học nhưng không được tính tiền thừa giờ.

Đó là những giáo viên mầm non trong hệ thống công lập, còn đối với giáo viên mầm non ở các nhà trẻ, nhóm trẻ tư thục thì lại là câu chuyện chưa có lời kết…

Tăng cường đầu tư và đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục mầm non

Có thể nói, do nhu cầu bùng nổ trên chục năm nay trong bậc học mẫu giáo, mầm non, chính vì vậy, xã hội hóa giáo dục mầm non là chủ trương đúng đắn và phát huy tác dụng rất tích cực.

Một trong những địa phương có lượng trẻ mầm non, mẫu giáo tăng cao là thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Theo lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Dĩ An, trong những năm qua, công tác xã hội hóa giáo dục mầm non ở địa phương đã có những chuyển biến mạnh mẽ; mạng lưới mầm non ngoài công lập phát triển nhanh trên khắp địa bàn Thị xã. Số cháu theo học tại các cơ sở mầm non tư thục chiếm tỷ lệ khá cao so với số trẻ ra lớp trong toàn thị xã. Đa số các cơ sở mầm non ngoài công lập được cấp phép có cơ sở vật chất bảo đảm theo yêu cầu tối thiểu của ngành. Một số cơ sở xây dựng kiên cố, khang trang, có sân chơi, đồ chơi ngoài trời, bếp ăn đều được xây dựng và cải tạo theo quy trình bếp một chiều.

Giáo dục mầm non ngoài công lập ở khu vực Đông Nam bộ đã có những đóng góp quan trọng vào việc phát triển quy mô mạng lưới trường lớp mầm non tại khu vực này. Đó là việc tổ chức và hoạt động khá đa dạng với mức chi phí chăm sóc, giáo dục trẻ tăng giảm linh hoạt theo thời giá và khả năng của phụ huynh. Thời gian đưa đón, giữ trẻ linh động cả trong và ngoài giờ hành chính, kể cả ngày thứ bảy, chủ nhật và ngày nghỉ lễ, phù hợp với điều kiện và mức sống của người dân, từ đó đã đáp ứng được nhu cầu gửi con của phụ huynh, đặc biệt phụ huynh là công nhân lao động.

Ngành giáo dục- đào tạo các địa phương đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp của ngành, quan tâm bố trí quỹ đất, mời gọi đầu tư xây dựng cơ sở vật chất để phát triển các trường mầm non phục vụ nhân dân. Có chính sách hỗ trợ và kêu gọi các doanh nghiệp quan tâm đóng góp kinh phí xây dựng trường lớp, kinh phí hỗ trợ cho những hoạt động của các trường trên địa bàn, nhất là trường mầm non ở khu công nghiệp, để công nhân có nơi gửi con vì nếu giao hoàn toàn cho tư nhân thì con em công nhân và nhân dân lao động có thu nhập thấp sẽ không có điều kiện được hưởng sự chăm sóc giáo dục tốt từ những cơ sở giáo dục mầm non tư thục có chất lượng.

Uỷ ban nhân dân tỉnh Đồng Nai cũng đã xây dựng Đề án “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Theo đề án, sẽ có thêm nhiều chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh như: Ưu tiên ngân sách cho giáo dục mầm non, hỗ trợ tiền lương hằng tháng cho giáo viên, nhân viên cấp dưỡng... Cụ thể, tỉnh Đồng Nai sẽ hỗ trợ cho đội ngũ giáo viên dạy bán trú tại các trường công lập 500 nghìn đồng/tháng/người để bù cho 150 tiết không được thanh toán trước đó; hỗ trợ nhân viên cấp dưỡng các trường công lập 700 nghìn đồng/tháng/người để khuyến khích đội ngũ này “bám” trường, làm việc lâu dài tại các cơ sở giáo dục. Thời gian hỗ trợ là 9 tháng/năm.

Thành phố Hồ Chí Minh cũng đã thí điểm nhận giữ trẻ ngoài giờ cho con em công nhân làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất tại hai quận là Thủ Đức và Bình Tân. Riêng quận Thủ Đức đã tổ chức thí điểm nhận giữ trẻ theo ca, mỗi trường 6 lớp với 2 khung giờ là từ 6 đến 14 giờ và 14 đến 21 giờ. Cả quận có khoảng trên dưới 9 nghìn trẻ là con em công nhân dưới 5 tuổi cần theo học tại các cơ sở giáo dục mầm non. Nhu cầu này rất lớn, đặc biệt là với nhóm trẻ từ 6 đến 18 tháng tuổi. Không chỉ quan tâm đến bậc học mầm non ở khu vực thành thị, thời gian qua, ở khu vực nông thôn Đông Nam bộ, nhiều địa phương cũng đã tập trung chăm lo chỗ học, chỗ nghỉ cho các cháu với sự chung tay của các cấp, ngành, địa phương.

Mới đây, tỉnh Tây Ninh đã hoàn thành Đề án “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non tại vùng nông thôn khó khăn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2015 - 2020”. Mục tiêu tổng quát của Đề án là đến năm 2020 tăng tỷ lệ trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập và tăng số lượng trường mầm non ngoài công lập, giảm các nhóm, lớp mầm non ngoài công lập. Phấn đấu đến năm 2020, Tây Ninh có trên 90% cán bộ, giáo viên, bảo mẫu của các nhóm trẻ độc lập tư thục tại địa bàn thực hiện đề án được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng chăm sóc trẻ và được giáo dục đạo đức lương tâm nghề nghiệp. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 164 tỷ đồng và Đề án được thực hiện qua 2 giai đoạn chính. Giai đoạn 2015-2017 sẽ xây dựng 22 trường mầm non mới, giai đoạn 2018-2020 xây 18 trường…

Có thể nói, với sự vào cuộc của các địa phương, từ nguồn vốn Nhà nước và huy động trong cộng đồng xã hội, những khó khăn, bất cập trong bậc học mầm non tại các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ sẽ được tháo gỡ, tạo động lực cho phát triển kinh tế- xã hội, ổn định an ninh trật tự trên địa bàn, giúp cho vùng kinh tế năng động này có những đột phá mới trên con đường hội nhập./.

 

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực