Thái Bình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp

Thứ hai, 30/03/2015 15:49

(ĐCSVN) - Thái Bình là tỉnh một có tiềm năng lớn trong phát triển nông nghiệp. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã giành được nhiều thắng lợi. Bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc đáng ghi nhận trong nhiều lĩnh vực.

Thực tế cho thấy, những năm qua, địa phương đã gắn chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp với xây dựng nông thôn mới. Đây là hai nhiệm vụ quan trọng trên chặng đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa mà trước hết là công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Sau mỗi giai đoạn phát triển, kinh tế nông nghiệp của tỉnh lại đặt ra những mục tiêu lớn hơn về giá trị sản xuất và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng và khắt khe của thị trường.

Những kết quả tích cực

Bằng các cơ chế, chính sách của tỉnh, đã mang lại một sinh khí mới cho sự phát triển kinh tế của tỉnh, nhất là khu vực nông nghiệp. Trong thời gian qua, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đã có sự chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp, tăng giá trị sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đã giảm dần từ 42,27% năm 2005 xuống còn 34,96% năm 2014. Điều này là phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt giảm từ 65,56% trong giá trị sản xuất ngành nông nghiệp năm 2005 xuống 58,72% năm 2010, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi tăng từ 32,13% năm 2005 lên 38,37% năm 2010 và dịch vụ nông nghiệp lại giảm từ 3,31% năm 2005 xuống 2,91% năm 2010.

Một cánh đồng trồng màu ở Thái Bình (Ảnh: Đ.H)

Trong cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp, do quá trình công nghiệp hóa, sự phát triển mở rộng của các khu công nghiệp đã làm cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển đổi theo hướng sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên đất đai, như chuyển đổi từ diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình sản xuất nông nghiệp khác hoặc thay đổi trong cơ cấu giống cây trồng kết hợp các tiêu chuẩn trồng trọt tiên tiến cho năng suất cao hơn và chất lượng tốt hơn, tập trung là trồng cây lương thực (cây lúa). Mặc khác, bên cạnh sản xuất trồng trọt, sự phát triển của các nghề trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh phục vụ nhu cầu đô thị và làm đa dạng thêm cơ cấu cây trồng của ngành nông nghiệp tỉnh.

Đối với ngành chăn nuôi, cơ cấu giá trị sản xuất chiếm tỷ trọng lớn là gia súc chiếm 78,11% và gia cầm chiếm 14,03%. Trong nội bộ ngành thủy sản cũng diễn ra sự chuyển dịch theo hướng tích cực, tập trung ở hai huyện là Thái Thụy và Tiền Hải. Từ năm 2007 đến nay, tỷ trọng cơ cấu giá trị sản xuất thủy sản giảm tỷ trọng khai thác là 33,22% năm 2007, giảm còn 28,25% năm 2011, tăng nhanh tỷ trọng nuôi trồng thủy sản 64,35% năm 2007 lên 68,92% năm 2011, dịch vụ thủy sản cũng tăng theo.

Nhìn chung, cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh có mức độ chuyển dịch nhanh, đây cũng là giai đoạn có nhiều thay đổi trong cơ chế phân cấp của Trung ương với tỉnh, gia tăng quyền tự chủ của lãnh đạo tỉnh trong việc bố trí nguồn vốn ngân sách đầu tư, ban hành chính sách phát triển kinh tế địa phương.

Những tồn tại cần sớm được tháo gỡ

Về cơ bản, xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như trong nội bộ khu vực nông nghiệp, nông thôn bước đầu đã có chuyển biến tích cực. Song, so với nhu cầu và khả năng, nhất là yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế thì tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn diễn ra còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế sẵn có, chưa đạt yêu cầu so với đòi hỏi phát triển nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Việc đưa tiến bộ khoa học - công nghệ vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn còn chậm, tuy đã xuất hiện những thành tố của một nền nông nghiệp hàng hóa. Nhưng, nhìn từ góc độ hiệu quả kinh tế thì vẫn còn ở trình độ thấp.

Hiệu quả sử dụng vốn chưa cao, vốn đầu tư vào các khu vực kém phát triển vẫn chủ yếu hướng vào việc xóa đói, giảm nghèo hơn là tập trung vào mục tiêu thị trường - mở cửa, do đó, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh của các địa phương. Công nghiệp chế biến nông, lâm nghiệp và thủy sản chưa được chú trọng đầu tư đúng mức. Khả năng cạnh tranh hàng nông sản trên thị trường chưa cao. Thị trường tiêu thụ nông sản đang đặt ra nhiều vấn đề bức xúc hiện nay.

Những hạn chế trên đây do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, như: định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã được xác định, song chưa có chương trình đồng bộ và hệ thống. Một số cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn chưa sát với thực tế, chưa tính hết tiềm năng và lợi thế của từng vùng miền và địa phương. Hướng đầu tư còn dàn trải nên kém hiệu quả; cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ, hệ thống giao thông xuống cấp nghiêm trọng do thiếu nguồn kinh phí cho việc duy tu, bảo dưỡng định kỳ. Lực lượng lao động có trình độ kỹ thuật cao còn thiếu; quan hệ cung - cầu trên thị trường, cũng như mối liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản chưa đồng bộ...

Một số giải pháp

Trong giai đoạn phát triển đến năm 2020, Thái Bình đã xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu hình thành nền nông nghiệp công nghệ cao, hình thành rõ nét những sản phẩm mũi nhọn, những vùng động lực của tỉnh gắn với điều kiện thực tiễn của nông nghiệp Thái Bình. Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về nguồn lợi hải sản, tập trung đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào hoạt động sản xuất nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế phải dựa trên nguyên tắc phát huy nội lực từ phía người nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã; được tạo điều kiện từ chính sách khuyến khích của nhà nước và sự phối hợp của các cơ quan, đơn vị tư vấn, nghiên cứu khoa học. Từng bước phát triển nền nông nghiệp đa thành phần, trong đó đề cao vai trò quan trọng của kinh tế tập thể. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp đi đôi với quá trình chuyển dịch cơ cấu ngành, nghề, lao động nông nghiệp, phát triển nông thôn mới, nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân.

Để tiếp tục đẩy mạnh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cần tiếp tục tạo cơ chế ưu đãi về tín dụng đầu tư, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất nhập khẩu đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ tìm kiếm thông tin thị trường nhằm khuyến khích các cá nhân, tổ chức đầu tư phát triển cơ giới hóa, cơ sở hạ tầng nông thôn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản trước thu hoạch và tiến hành thực hiện theo đúng hợp đồng ký kết. Đây là giải pháp rất cần thiết cho hoạt động sản xuất nông nghiệp hiện nay nhằm phát triển chuỗi giá trị nông sản, nâng cao tỷ lệ lợi nhuận cho đối tượng nông dân.

Hỗ trợ một phần kinh phí nghiên cứu, kinh phí đầu tư sản xuất thử nghiệm cây trồng, vật nuôi mới có năng suất và giá trị kinh tế cao được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tư vấn thiết kế, xây dựng, quảng bá, chứng nhận thương hiệu giống. Tạo động lực phát triển đa dạng cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi của tỉnh.

Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung mẫu, tạo cơ chế khuyến khích cho các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất và cơ chế ưu đãi phát triển cho từng vùng. Trong đó chú trọng công tác tiến hành dồn điền đổi thửa và ứng dụng công nghệ cao trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nhằm tạo mô hình mẫu tác động đến các vùng sản xuất khác trên địa bàn tỉnh.

Triển khai nhanh và đồng bộ các chính sách khuyến khích ngư dân chuyển đổi cơ cấu ngành nghề khai thác theo hướng vươn khơi bám biển, hỗ trợ về mặt pháp lý đối với hình thức khai thác theo tổ đội, phát triển dịch vụ hậu cần biển.

Thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm, sáng kiến trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, chú trọng công tác thu hồi ý kiến phản hồi từ phía người dân để hoàn thiện tốt hơn các chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Thái Bình.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực