Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ: Gỡ “nút thắt” từ công tác giải phóng bặt bằng

Thứ tư, 07/11/2018 18:04
(ĐCSVN) – Công trình được đưa vào khai thác với tiêu chuẩn đường cao tốc đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an toàn giao thông, rút ngắn thời gian đi lại trên tuyến đường Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, giải tỏa áp lực cho tuyến Quốc lộ 1 cũ đã quá tải và thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông.

Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ là liên danh giữa 3 doanh nghiệp: Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Xây dựng Minh Phát (Minh Phát), Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành (Phương Thành). Trong đó, Minh Phát góp 535,05 tỷ đồng (65% vốn điều lệ); Cienco 1 góp 148,17 tỷ đồng (18%) và Phương Thành góp 139,93 tỷ đồng (17%). Tổng cộng, vốn góp chủ sở hữu của các đơn vị trên là 823,15 tỷ đồng, tương đương 12,2% tổng mức đầu tư của dự án.

Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ có chiều dài khoảng 29 km với điểm đầu tại Km182+300 (vị trí nút giao Pháp Vân giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 của Hà Nội), điểm cuối tại Km211+256 (Km211+000 của tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình). Dự án do Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ làm chủ đầu tư được thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao) với tổng mức đầu tư ban đầu là 6.731 tỷ đồng.

Khởi công cuối tháng 7/2014, với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ GTVT và nỗ lực của nhà đầu tư, chỉ sau hơn một năm, giai đoạn I của dự án với mục tiêu cải tạo, nâng cấp mặt đường đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe, bề rộng nền đường 25m (tổng mức đầu tư 1.973 tỷ đồng) đã hoàn thành và đưa vào khai thác từ tháng 9/2015, rút ngắn 6 tháng tiến độ so với hợp đồng.

Công trình được đưa vào khai thác với tiêu chuẩn đường cao tốc đã góp phần rất lớn trong việc đảm bảo an toàn giao thông, rút ngắn thời gian đi lại trên tuyến đường Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình, giải tỏa áp lực cho tuyến Quốc lộ 1 cũ đã quá tải và thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông.

Ngay sau khi hoàn thành giai đoạn I, từ tháng 11/2015, nhà đầu tư tiếp tục triển khai thi công giai đoạn II để xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 33,5m, tốc độ thiết kế đạt 100km/h với tổng mức đầu tư khoảng 4.757 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án sẽ hoàn thành vào ngày 31/12/2017, thậm chí lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã ra “tối hậu thư” yêu cầu dự án phải hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2018, tuy nhiên vấn đề mặt bằng bàn giao chậm khiến cho dự án bị “vỡ” tiến độ.

Hiện nay, dự án đã cơ bản được mở rộng từ 4 làn xe lên 6 làn xe. Nhiều đoạn đã hoàn thành thảm bê tông nhựa 2 lớp, đảm bảo cho các phương tiện lưu thông êm thuận, hạng mục đường gom hai bên tuyến tại những vị trí đã được bàn giao công địa đang được triển khai. Tuy nhiên, trên tuyến chính của dự án vẫn tồn tại nhiều khu vực mặt đường chỉ có 4 làn xe, chưa mở rộng lên 6 làn và đang phải rào chắn vì chờ mặt bằng thi công. Dọc dự án vẫn cắm nhiều biển cảnh báo: “Đoạn đường đang chờ giải phóng mặt bằng”, việc này khiến các phương tiện lưu thông qua đây liên tục phải giảm tốc độ.

Ông Vũ Đức Nhận - Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho biết: “Theo kế hoạch ban đầu, TP Hà Nội cam kết bàn giao toàn bộ mặt bằng dự án trước 21/9/2016, sau đó, gia hạn đến 31/10/2017 và mới đây là 30/4/2018. Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn còn 5% mặt bằng trên tuyến chính chưa được địa phương bàn giao cho các nhà thầu thi công”. Đây là nguyên nhân chính dẫn tới tiến độ hoàn thành dự án bị chậm so với kế hoạch ban đầu.

Thông tin cụ thể về tình hình giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án, cũng theo ông Nhận, ngoài phần diện tích đất công và đất các khu công nghiệp đã được bàn giao, dự án còn 5% mặt bằng vướng mắc chủ yếu là đất nông nghiệp tập trung trên địa bàn ba huyện nơi dự án đi qua gồm: Thanh Trì, Thường Tín và Phú Xuyên. Nguyên nhân chủ yếu do hồ sơ nguồn gốc đất không rõ ràng, thất lạc, không thống nhất giữa hồ sơ lưu tại địa phương và thực tế… cần nhiều thời gian để điều tra, khôi phục làm rõ. Bên cạnh đó, việc người dân chưa đồng thuận với chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề, chuyển nhượng theo quy định của TP Hà Nội cũng khiến công tác bàn giao GPMB của dự án gặp khó khăn.

Tuyến đường cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ là tuyến đường có lưu lượng xe lưu thông cao nhất nước, với phương tiện từ 75.000 – 85.000 xe tiêu chuẩn mỗi ngày đêm, bởi vậy dự án mở rộng chậm ngày nào sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc giao thông ngày đó. Theo đó, để đưa dự án sớm hoàn thành, hiện nay nhà đầu tư đang tập trung chỉ đạo các đơn vị thi công làm ngày, làm đêm; đồng thời tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị liên quan của thành phố Hà Nội nhằm tập trung tháo gỡ vướng mắc, giải quyết dứt điểm những tồn tại, hạn chế. Trong đó, tập trung vào công tác GPMB, hoàn chỉnh các khu tái định cư cho người dân; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ trong đền bù GPMB… để đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất phục vụ thi công.

Với vị trí là tuyến huyết mạch có vai trò quan trọng của Thủ đô và các tỉnh khu vực phía Bắc, sau khi hoàn thành đi vào sử dụng, dự án không chỉ góp phần giảm sự ùn tắc giao thông, tạo thông thoáng cho cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội mà còn góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gìn giữ an ninh quốc phòng của Hà Nội và các tỉnh phía Bắc./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực