Nam Định: Gần 9.000 ha lúa xuân bị nhiễm ốc bươu vàng

Thứ năm, 19/03/2020 09:22
(ĐCSVN) - Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Nam Định chiều 18/3, hiện toàn địa phương đã có 8.710 ha lúa xuân bị nhiễm ốc bươu vàng. Trong tổng số đó, nhiễm nặng khoảng 200 ha, nhiễm nhẹ là 6.800 ha. Trung bình, mật độ từ 0,1 - 0,5 con/m2, cao 2 - 3 con/m2, cá biệt 7 - 10 con/m2.

Dự kiến sản lượng lúa vụ Đông Xuân đạt khoảng 20,1 triệu tấn

Vụ đông xuân 2020, toàn tỉnh Nam Định gieo cấy khoảng 73.100 ha lúa (lúa lai chiếm 15% diện tích, lúa thuần 85% diện tích). Trong đó, diện tích gieo sạ khoảng 42.000 ha, chiếm 57% tổng diện tích gieo cấy.

Theo nhận định chung của cơ quan chuyên trách lĩnh vực nông nghiệp Nam Định, vụ đông xuân năm nay thời tiết khá thuận lợi, công tác chăm sóc lúa xuân được các địa phương thực hiện kịp thời nên các trà lúa sinh trưởng, phát triển nhanh. Tuy nhiên đã xuất hiện ốc bươu vàng phá hoại lúa nghiêm trọng.

Thống kê của địa phương cũng cho thấy, năm nay ốc bươu vàng có mật độ, mức độ gây hại thấp hơn so với vụ xuân 2019 và gây hại chủ yếu ở các vùng trũng như huyện Nghĩa Hưng (nhiễm 3.500 ha), Hải Hậu (1.500 ha), Vụ Bản (1.100 ha), Giao Thủy (1.000 ha), Ý Yên (1.000 ha).

Ốc bươu vàng được người dân Nam Định tập kết lên đường chờ chuyển đi tiêu hủy. Ảnh: TSN 

Ông Trần Ngọc Chính, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Nam Định thông tin, theo tổng hợp, đến nay các địa phương trong toàn tỉnh đã thu gom được gần 30.000kg ốc bươu vàng và hơn 800kg trứng ốc. Ốc bươu vàng là loài gây hại mạnh với cây lúa, chúng thường nhắm thời kỳ lúa đang ở giai đoạn phát triển để sinh sôi. Để cây lúa sinh trưởng tốt, không bị ảnh hưởng bởi ốc bươu vàng, đơn vị đang khuyến khích người dân tranh thủ bắt ốc bằng phương pháp thủ công để bảo vệ lúa.

Chi cục Trồng trọt – Bảo vệ thực vật Nam Định cũng đồng thời có những chỉ đạo tới các huyện, thành phố hướng dẫn bà con bắt ốc bằng phương pháp thủ công, và cần được tiến hành thường xuyên trong suốt vụ. Ốc thu gom đem tiêu hủy hoặc dùng làm phân bón cho cây trồng, nghiền làm thức ăn chăn nuôi; dùng thuốc hóa học khi mật độ ốc cao, ốc nhỏ không thể bắt bằng tay. Ưu tiên sử dụng thuốc nhóm hoạt chất Metaldehyde an toàn cho cây trồng và ít gây độc đối với động vật thuỷ sinh. Ngoài ra, thả vịt vào mương máng, ruộng lúa đã cứng hoặc sau khi thu hoạch để vịt ăn ốc.

“…Trong trường hợp phải sử dụng thuốc hóa học thì khi phun thuốc người dân cần hoành triệt, không cho nước trong ruộng chảy ra mương máng từ 3 - 4 ngày. Không phun thuốc gần khu vực nuôi trồng thủy sản. Diệt ốc bươu vàng phải mang tính chất cộng đồng, tự giác, thường xuyên, đúng phương pháp” – Chi cục trưởng  Trần Ngọc Chính cũng khuyến cáo./.

Trần Sơn Nam

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực