Nông nghiệp sẽ phát triển các lĩnh vực còn dư địa

Thứ năm, 04/04/2019 16:47
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn như dịch tả lợn châu Phi bùng phát và diễn biến phức tạp, thị trường xuất khẩu thiếu ổn định nhưng nhiều lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp vẫn đạt kết quả cao hơn so với cùng kỳ năm 2018, đưa tăng trưởng quý I của ngành đạt khoảng 2,68%.
Ảnh minh họa. Nguồn: thoibaotaichinh.vn.

Trong quý I, lĩnh vực có tốc độ tăng giá trị sản xuất cao nhất là thủy sản tăng 5,24%, tiếp đến là lâm nghiệp tăng 4,32%, nông nghiệp tăng 1,93%.

Từ đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác hải sản. Nhu cầu tiêu thụ hải sản của người dân tăng, giá bán đạt mức cao; các chuyến đi biển đạt hiệu quả kinh tế khá, tạo động lực cho ngư dân vươn khơi bám biển. Nuôi trồng thủy sản cũng khá thuận lợi và các đối tượng nuôi chính, chủ lực như cá tra, tôm đều có sự tăng khá cả về sản lượng và giá trị. Do đó, tổng sản lượng thủy sản đạt 1,46 triệu tấn, tăng 4,9% so với cùng kỳ năm trước.

Ở lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tập trung, rừng trồng được chăm sóc, diện tích giao khoán bảo vệ rừng cũng tăng khá so với cùng kỳ năm ngoái. Công nghiệp chế biến, xuất khẩu lâm sản tiếp tục tăng trưởng tốt đã góp phần vào tăng trưởng chung của ngành.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, kim ngạch xuất khẩu quý I/2019 đạt 2,4 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018. Đây là mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD của Việt Nam trong quý I.

Về trồng trọt, quý I/2019, các địa phương tập trung sản xuất lúa và các loại cây hoa màu vụ Đông Xuân. Vụ Đông Xuân, cả nước gieo cấy được 3.068.000 ha lúa, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Do không bị mưa lũ và triều cường ảnh hưởng như năm trước, nên tiến độ xuống giống và thu hoạch lúa Đông Xuân năm nay nhanh hơn, sản lượng ước đạt 8,3 triệu tấn.

Vụ này, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục đẩy mạnh sử dụng lúa thơm, chất lượng cao, đặc sản, tăng 5,6% so với vụ Đông Xuân 2017 - 2018, chiếm 68,5% cơ cấu giống. Do đó dù năng suất giảm nhẹ nhưng giá bán thương phẩm cao phục vụ xuất khẩu nên hiệu quả kinh tế vẫn tăng. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cơ cấu giống và cây trồng tiếp tục được các địa phương quan tâm thực hiện.

Không được thuận lợi như lĩnh vực trồng trọt, trong quý I, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại Việt Nam với diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng đến phát triển chăn nuôi lợn nói riêng và chăn nuôi nói chung. Nhưng, nhờ sự tăng đàn từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 nên đàn lợn vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước. Đàn gia cầm nhìn chung phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Đàn bò phát triển khá do có thị trường tiêu thụ tốt, giá bán thịt bò hơi ở mức tốt và người chăn nuôi có lãi.

Về xuất khẩu, do gặp khó khăn thị trường, nhất là thị trường Trung Quốc nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 8,8 tỷ USD, giảm 2,9% so với cùng kỳ. "Góp mặt" khiến cho tổng kim ngạch xuất khẩu ngành giảm là gạo và nhiều sản phẩm cây công nghiệp như hồ tiêu, hạt điều, cà phê...

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định, để đảm bảo tốc độ tăng trưởng toàn ngành năm 2019, đòi hỏi  tốc độ tăng trưởng nông nghiệp trong quý II và 6 tháng cuối năm phải cao hơn so với kịch bản tăng trưởng đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu trên, trong quý II, lĩnh vực trồng trọt cần nỗ lực duy trì mục tiêu tăng trưởng đã đề ra là 1,93%; đồng thời tập trung đẩy mạnh phát triển sản xuất, vượt mục tiêu trong các lĩnh vực đang có dư địa là thủy sản (tăng 4,78%), lâm nghiệp (tăng 5,8%).

Theo đó, ngành phải đẩy mạnh các hoạt động cơ cấu lại ngành, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; trong đó, tập trung đổi mới tổ chức sản xuất gắn với ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao; thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tăng cường các hoạt động mở cửa thị trường và thúc đẩy tiêu dùng trong nước...

Ở lĩnh vực trồng trọt, ngành sẽ theo dõi tình hình thời tiết, sâu bệnh để chỉ đạo sản xuất kịp thời đảm bảo tiến độ và kế hoạch. Các tỉnh phía Bắc sẽ tập trung chăm sóc lúa Đông Xuân, cây ăn quả; các tỉnh phía Nam gieo sạ lúa Hè Thu, chăm sóc cây ăn quả, cây công nghiệp...

Đối với thủy sản, ngành nông nghiệp tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh liên kết tất các các công đoạn của chuỗi giá trị để gắn kết sản xuất với tiêu thụ, kịp thời thông tin về thị trường để chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp, hạn chế rủi ro mất cân bằng trong cung cầu.

Tổng cục Thủy sản sẽ triển khai nhiệm vụ quan trắc cảnh báo môi trường tại các vùng nuôi tập trung; tổ chức đoàn kiểm tra, giám sát cơ sở sản xuất, vận chuyển giống tôm nước lợ, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi. Đặc biệt là kiểm tra tình hình triển khai các giải pháp chống khai thác IUU tại các địa phương.

Tổng cục Thủy cũng sản sẽ phối hợp cùng địa phương hướng dẫn, xử lý về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và quản lý tàu cá tại cảng; tổ chức tập huấn triển khai các khuyến nghị của Uỷ ban châu Âu về IUU...  nhằm sớm gỡ bỏ được thẻ vàng IUU.

Lĩnh vực chăn nuôi được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong quý II do tác động của dịch tả lợn châu Phi. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành sẽ tập trung chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp, phòng chống dịch tả lợn châu Phi; xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới. Đồng thời, ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn, sản phẩm lợn làm lây lan dịch bệnh...

Các địa phương, đơn vị chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở thường xuyên theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, tiêu độc khử trùng bằng vôi bột, hoá chất; đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Với những giải pháp cụ thể với từng lĩnh vực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển đặt mục tiêu tăng trưởng quý II tăng cao hơn 2,56%, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng ngành năm nay./.

Bích Hồng/TTXVN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực