Thúc đẩy tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp bền vững

Thứ hai, 10/10/2016 16:50
(ĐCSVN) - Trong xây dựng nông thôn mới, dồn điền đổi thửa là một nội dung rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, ứng dụng cơ giới hoá, khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất, làm tăng năng suất lao động, gia tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đ.H)

Việt Nam là một nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, đa số diện tích đất được sử dụng cho trồng trọt. Mặc mặc dù đã chuyển đổi khoảng 700.000 ha đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp cho mục đích công nghiệp, thuỷ điện, phát triển đô thị, nhưng tổng diện tích đất nông nghiệp vẫn tăng 15% kể từ năm 2000. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2001 - 2003, diện tích đất nông nghiệp vào khoảng 8,9 triệu ha, thì con số này tăng lên 10,2 triệu ha trong giai đoạn 2011 - 2013.

Còn theo số liệu của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, từ năm 2000, tuy diện tích đất trồng lúa thay đổi rất ít, dao động trong khoảng 4 - 4,2 triệu ha, nhưng diện tích gieo trồng vẫn tăng trung bình 1,7%/năm trong giai đoạn 2000 - 2010 do canh tác 2 - 3 vụ mỗi năm. Diện tích gieo trồng lúa một số năm vượt 7,5 triệu ha. Diện tích gieo trồng cây hàng năm không thay đổi đáng kể trong những năm 2000, nhưng trong vài năm gần đây đã tăng lên, chủ yếu là ngô và sắn. Diện tích trồng cây hàng năm khác đã tăng từ 2 triệu ha trong thập niên 2000-2010, lên 2,3 triệu ha trong thời gian gần đây.

Thực tế cho thấy, sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam được thực hiện dưới các hình thức tổ chức sản xuất khác nhau như hộ nông nghiệp, trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp,… Và, khoảng 90% đất nông nghiệp thuộc các hộ nông nghiệp và các trang trại, 6% thuộc các doanh nghiệp, số còn lại thuộc các cơ sở khác. Đa phần các hộ nông nghiệp có quy mô rất nhỏ. Theo số liệu Tổng điều tra nông nghiệp của Tổng cục Thống kê, cơ cấu thành phần kinh tế trong nông nghiệp thay đổi rất ít. Nhóm có quy mô sản xuất nhỏ dưới 0,2 ha chiếm khoảng 35%; nhóm có quy mô trên 2 ha chiếm khoảng 6%. Tuy vậy, thực tế ở nhiều nơi cho thấy các hộ quy mô rất nhỏ lại thu được hiệu quả cao - tính theo sản lượng bình quân trên diện tích đất canh tác và nguồn lực khác. Đối với một số loại cây trồng trong một số trường hợp, hiệu quả tăng dần với quy mô đến một mức độ nào đó, sau đó giảm khi quy mô tiếp tục tăng. Nhưng, quan niệm “nhỏ là tốt” này chưa tính đến vấn đề quản lý rui ro của chủ hộ cũng như các chi phí giao dịch cao khi phải thu gom sản phẩm của nhiều hộ nhỏ để mang ra thị trường.

Nhìn chung, các hộ nông dân nhỏ không đạt hiệu suất cao do ruộng đất manh mún, phân tán. Tại nhiều nơi, ruộng đất được chia đều cho mọi người. Kết quả là các hộ có từ 3 - 4 mảnh ruộng, thậm chí nhiều hơn, và các mảnh ruộng đó lại cách xa nhau. Thực tế đó ảnh hưởng đến năng suất lao động và hiệu quả quản lý. Mức độ manh mún tại mỗi địa phương khác nhau, do đặc điểm địa hình, mật độ dân số, cách thức phân bố đất, các yếu tố lịch sử và văn hóa khác. Nhìn chung, hai vùng có mức độ manh mún cao nhất là vùng Đồng bằng sông Hồng và miền núi phía Bắc.

Trước thực trạng này, nước ta đã đề ra mục tiêu giảm mức độ manh mún đất đai thông qua chương trình dồn điền đổi thửa, khuyến khích các hộ nông dân đổi ruộng cho nhau để có các mảnh liền thửa và gia nhập hợp tác xã. Tại một số nơi, nông dân cho doanh nghiệp thuê đất và một số thành viên gia đình tiếp tục làm việc trong các trang trại được quản lý chuyên nghiệp hơn. Những chương trình này đã mang lại một số hiệu quả, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Hồng. Tính chung cả nước, số thửa bình quân mỗi hộ đã giảm từ 4,27 thửa năm 2004 xuống còn 2,83 thửa năm 2014. Tuy vậy, tình trạng manh mún đất đai vẫn là cản trở đáng kể đối với quá trình hiện đại hóa nông nghiệp. Tại hầu hết các địa phương trong cả nước, thị trường cho thuê đất vẫn chưa phát triển do hạn chế về quy mô thửa ruộng, chi phí giao dịch cao và công tác định giá đất của chính quyền địa phương còn nhiều bất cập.

Nhìn chung, Việt Nam hiện mới đang ở giai đoạn đầu của quá trình tập trung ruộng đất, tuy tốc độ tập trung sản xuất hàng hóa diễn ra nhanh hơn, nhất là trong ngành chăn nuôi, lúa gạo và một phần trong ngành thủy sản. Đa số các hộ nông dân vẫn không thoát ly mà tiếp tục sản xuất nông nghiệp. Nhiều hộ gia đình, gồm hầu hết nhóm có dưới 0,2 ha đất, có lẽ sẽ tiếp tục bám vào đất nông nghiệp vì những lý do xã hội hơn là kinh tế. Nếu giữ được đất nông nghiệp có nghĩa là đảm bảo được an sinh, duy trì được quan hệ gắn kết với cộng đồng và có lẽ là cả nơi nghỉ hưu khi tuổi già.

Trong một thời gian dài, nền nông nghiệp truyền thống của Việt Nam chủ yếu dựa trên sức người và gia súc cày kéo, mức độ sử dụng máy móc rất ít. Dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất đã tạo điều kiện cơ giới hóa phát triển nhanh trong những năm gần đây dưới sức ép của các yếu tố như tăng chi phí lao động, nỗ lực giảm tổn thất sau thu hoạch và tăng cường chuyên môn hóa sản xuất nông nghiệp. Máy cày, máy bơm và các máy thu hoạch khác ngày càng được sử dụng nhiều, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long và những nơi diện tích thửa ruộng lớn hơn 1 ha. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, công suất máy nông nghiệp cũng tăng lên với tốc độ ngày càng cao. Tốc độ tăng trưởng hàng năm của công suất máy nông nghiệp tăng từ 4,6% trong nửa đầu thập kỷ 2000 lên 11% năm 2011. Tổng số máy cày dùng trong nông nghiệp tăng từ 163.000 năm 2000 lên khoảng gần 375.000 vào thời điểm hiện nay.

Thực tế cho thấy, dồn điền đổi thửa, tích tụ ruộng đất tạo điều kiện cho các nông hộ nhỏ đạt lợi thế nhờ quy mô. Tập trung ruộng đất bằng nhiều hình thức khác nhau để nâng cấp sản xuất, nâng cao chất lượng, giảm chi phí trong chuỗi giá trị, giúp các hộ nông dân đảm bảo một mức sống trung bình từ sản xuất nông nghiệp.

Tập trung ruộng đất cũng tạo điều kiện cơ giới hóa sản xuất khi giá nhân công tăng. Thực tế cho thấy sự phát triển của thị trường cho thuê đất nông nghiệp là phương pháp tập trung ruộng đất quan trọng mà không cần thay đổi quyền sở hữu ruộng đất tại Việt Nam. Để hỗ trợ hoạt động này, cần tăng cường các dịch vụ liên quan, như dịch vụ thông tin, đăng ký, giải quyết tranh chấp đất đai và các biện pháp khác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của thị trường cho thuê đất nông nghiệp. Cần khuyến khích nông dân tham gia các hình thức hợp tác hoặc hỗ trợ doanh nghiệp liên kết kinh doanh để dựa trên việc tận dụng được lợi thế theo quy mô nhờ tập trung được nguồn lực.

Tiếp tục khuyến khích đa dạng hóa nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu mới về thực phẩm, cải thiện thu nhập và việc làm. Muốn vậy, cần cho phép nông dân có thêm nhiều lựa chọn sử dụng đất bằng cách nới lỏng hạn chế về sử dụng đất lúa, tăng cường dịch vụ thủy lợi và xây dựng hạ tầng tưới tiêu linh hoạt hơn phù hợp với các loại cây trồng khác nhau. Đồng thời, cần tăng cường dịch vụ thú y, theo dõi dịch bệnh, nâng cao năng lực thực thi các quy định về sử dụng hóa chất nông nghiệp, kháng sinh, tạo điều kiện tiếp cận vốn cho nông dân và các doanh nghiệp nhỏ.

Hỗ trợ bảo vệ môi trường để cạnh tranh về chất lượng. Một số chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trước đây có vẻ mâu thuẫn với các mục tiêu về bảo vệ môi trường. Nhưng, Việt Nam có thể biến bất cập thành lợi thế. Vấn đề bảo vệ môi trường ngày càng trở thành trách nhiệm quan trọng. Với nhận thức về môi trường, Chính phủ có thể tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp tư nhân đầu tư vào bảo vệ môi trường thông qua các biện pháp ưu đãi và cung cấp thông tin.

Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Do vậy, để thúc đẩy tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất hàng hoá lớn, thì vấn đề quản lý rủi ro khí hậu cần triển khai theo hướng thích ứng. Nền nông nghiệp Việt Nam bị đe dọa bởi các rủi ro của biến đổi khí hậu như biến động lượng mưa, biến động nhiệt độ, nước biển dâng. Vì vậy, công tác xây dựng chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu cần đi theo 3 hướng, bao gồm việc xây dựng các nguyên tắc về quản lý thích ứng; tăng cường năng lực ứng phó thông qua thúc đẩy năng lực sáng tạo ở các cấp; và ưu tiên các chiến lược giảm thiểu rủi ro.

Nhanh chóng cải tiến công tác quản lý nguồn nước. Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng tăng về sử dụng đất, nước và ngân sách, cần liên tục cải tiến công tác thủy lợi theo hướng tăng hiệu quả và tính trách nhiệm. Tình trạng thiếu nước ngọt để sản xuất nông nghiệp thời gian qua ở miền Trung, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long thời gian vừa qua là một ví dụ điển hình. Các bộ, ngành cần làm việc với các địa phương và các tổ chức sử dụng nước để thúc đẩy và khuyến khích tưới tiêu sao cho phù hợp hơn với nhu cầu người dùng bằng cách điều chỉnh các biện pháp ưu đãi…/.

Nghị quyết Hội nghị lần thứ Bảy Ban Chấp hành Trung ương Khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “…đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước thống nhất quản lý theo quy hoạch, kế hoạch để sử dụng có hiệu quả; giao đất cho hộ gia đình sử dụng lâu dài; mở rộng hạn mức sử dụng đất, thúc đẩy quá trình tích tụ đất đai; công nhận quyền sử dụng đất được vận động theo cơ chế thị trường, trở thành một nguồn vốn trong sản xuất, kinh doanh…” 

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực