Đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu

Thứ ba, 20/02/2018 13:44
(ĐCSVN) - Để có các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, Chính phủ đã tổ chức Hội nghị phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) ngày 26/9/2017 tại thành phố Cần Thơ và sau đó đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

Trước thềm năm mới xuân Mậu Tuất 2018, phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn PGS. TS Trần Hồng Thái, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn quốc gia; Chánh Văn phòng Chương trình KH&CN phục vụ chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với  BĐKH về mục tiêu và chiến lược của Nghị quyết trên.

PGS.TS Trần Hồng Thái. Ảnh: TL

Phóng viên (PV): Sau Hội nghị “Phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu” vào 9/2017, Chính phủ đã ra Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Xin ông cho biết ý nghĩa của việc triển khai Nghị quyết trên?

PGS.TS. Trần Hồng Thái: Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu của Chính phủ ban hành ngày 17/11/2017, đã khẳng định “ĐBSCL là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước; có lợi thế về phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo; là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 70% các loại trái cây của cả nước; 95% lượng gạo xuất khẩu và 60% sản lượng cá xuất khẩu; có vị trí thuận tiện trong giao thương với các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Công”.

Có thể khẳng định được rằng, trong những thập kỷ gần đây, ĐBSCL đã phát triển thành công thành vựa lúa lớn nhất cả nước và biến Việt Nam trở thành một trong những nước dẫn đầu thế giới về xuất khẩu lúa gạo. Chính phủ Việt Nam đã thực thi chính sách đa dạng hóa nông nghiệp, chuyển từ độc canh một vụ lúa sang hệ thống canh tác trên nền tảng cây lúa đa dạng hơn (bao gồm thủy sản, cây ăn quả và hoa màu). Do đó đã được gắn kết với các mục tiêu phát triển chính thức của Chính phủ cho khu vực ĐBSCL.

Thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan nghiên cứu, các trường đại học đã có rất nhiều nghiên cứu về ĐBSCL như các nghiên cứu của Chương trình Khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn 2011-2015, Chương trình Khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên môi trường và biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, các nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu, Cục Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, Cục Quản lý Tài nguyên nước thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; các nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Cần Thơ…Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào mang tính toàn diện và tổng thể tất cả vấn đề của ĐBSCL.

Do đó, có thể khẳng định việc ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP với những định hướng về chính sách có tầm dài hạn, đưa ra được những mô hình, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể từ chính sách, chiến lược, quy hoạch, các giải pháp phi công trình, công trình trên nền tảng khoa học và tư duy mới sẽ đưa ĐBSCL cất cánh, phát triển bền vững trong thời gian tới.

PV: Nghị quyết của Chính phủ đã chỉ rõ việc xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL, xin ông cho biết những chiến lược cụ thể của việc quy hoạch này?

PGS.TS. Trần Hồng Thái: Nghị quyết 120/NQ-CP đã đưa ra những chiến lược có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động tối đa các nguồn lực và sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển bền vững ĐBSCL, cụ thể:

Thứ nhất, về việc Tổ chức không gian lãnh thổ: Nghị quyết đã định hướng hình thành các tiểu vùng sinh thái (vùng đồng bằng ngập lũ, vùng sinh thái nước ngọt, vùng sinh thái nước lợ, nước mặn,...) làm định hướng phát triển kinh tế, nông nghiệp và cơ sở hạ tầng phù hợp với đặc điểm của hệ sinh thái tự nhiên, điều kiện cụ thể của vùng và từng tiểu vùng sinh thái. Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng yêu cầu các cơ quan quản lý rà soát, hoàn thiện quy hoạch sử dụng đất, bố trí lại dân cư trong đó kiểm soát và hạn chế việc xây dựng các điểm dân cư tập trung tại các vùng sát bờ sông, kênh, rạch có nguy cơ sạt lở cao nhằm tránh rủi ro; dành không gian thoát lũ để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Thứ hai, về việc Xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, Nghị quyết đã yêu cầu rà soát lại các quy hoạch phát triển ngành, địa phương đã có tại ĐBSCL. Đối với các quy hoạch mới, Nghị quyết yêu cầu chuyển từ “sống chung với lũ” sang “chủ động sống chung với lũ, ngập, nước lợ, nước mặn” trên cơ sở quy hoạch tổng hợp tài nguyên nước theo lưu vực sông; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, chủ động bảo đảm nguồn nước ngọt cho sinh hoạt của người dân và vùng kinh tế nước lợ, nước mặn; khai thác hợp lý tiềm năng tài nguyên nước lợ, nước mặn ở vùng ven biển phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Đối với tất cả các dự án, công trình được triển khai ở ĐBSCL, Nghị quyết cũng yêu cầu cần được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng trên cả 3 mặt: kinh tế, xã hội và môi trường, được phản biện khách quan, khoa học.

Thứ ba, về việc Xây dựng cơ cấu kinh tế, Nghị quyết đã đặt ra 04 định hướng chính đó là: Xây dựng cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo ba trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa gắn với các tiểu vùng sinh thái, trong đó coi thủy sản (nước ngọt, nước lợ, nước mặn) là sản phẩm chủ lực. Xây dựng cơ cấu kinh tế nông nghiệp hợp lý, bảo đảm gắn kết chuỗi sản phẩm hàng hóa, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ cho nền kinh tế nông nghiệp. Phát triển công nghiệp xanh, ít phát thải, không gây tổn hại đến hệ sinh thái tự nhiên. Phát triển năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng và bờ biển. Phát triển dịch vụ - du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế về đặc điểm tự nhiên, sinh thái, văn hóa, con người với hiệu quả kinh tế cao; phát triển các loại hình du lịch miệt vườn, du lịch sông nước, du lịch sinh thái gắn với các khu bảo tồn thiên nhiên.

Có thể thấy, các định hướng này hoàn toàn phù hợp với cơ cấu kinh tế và điều kiện của vùng ĐBSCL.

Thứ tư, về việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế điều phối phát triển Vùng và tiểu vùng, Nghị quyết đã vạch ra chiến lược hoàn thiện và điều phối phát triển vùng, tiểu vùngtheo vùng sinh thái để nâng cao hiệu quả, thực chất, theo hướng thu gọn đầu mối, lấy quản lý thông minh tài nguyên nước và thích ứng với biến đổi khí hậu phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và vùng ĐBSCL làm trọng tâm xuyên suốt.Bảo đảm tính liên kết giữa các địa phương trong vùng và với các khu vực khác dựa trên nguyên tắc hài hòa lợi ích của các bên liên quan, hài hòa giữa điều kiện tự nhiên về đất, nước, hệ sinh thái và văn hóa, con người; chú trọng nâng cao tính liên kết về hạ tầng, chuỗi sản phẩm giữa các tiểu vùng sinh thái trong khu vực và giữa vùng với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thành phố Hồ Chí Minh, Tiểu vùng Mê Công.

Thứ năm, Nghị quyết cũng đã hướng tới việc ban hành các cơ chế, chính sách mang tính đột phá nhằm thu hút các nguồn vốn ngoài ngân sách, nhất là vốn trong khối tư nhân; những việc, lĩnh vực mà tư nhân có thể thực hiện cần được tạo điều kiện cho tư nhân.

Để giải quyết tận gốc vấn đề của ĐBSCL, Nghị quyết 120 của Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ban ngành ở Trung ương và các địa phương có liên quan có những giải pháp cụ thể cho việc ứng phó với BĐKH. Các nội dung có thể áp dụng được ngay trong năm 2018 cho các tỉnh ĐBSCL.

PV: Thưa ông, các hiện tượng về BĐKH đã và đang xảy ra ở Việt Nam và các nước trên thế giới với mức độ ngày càng khốc liệt hơn. Ông có thể cho biết, so với kịch bản năm trước, những điểm mới của kịch bản BĐKH, nước biển dâng năm nay?

PGS.TS. Trần Hồng Thái: Năm 2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam với điểm mới rõ ràng so với các kịch bản trước đó như: Sử dụng phương pháp thống kê để hiệu chỉnh kết quả tính toán của các mô hình động lực theo số liệu thực đo tại các trạm quan trắc nhằm phản ánh điều kiện cụ thể của địa phương và giảm sai số hệ thống của mô hình. Cung cấp kịch bản biến đổi khí hậu và một số cực trị khí hậu chi tiết cho 63 tỉnh/thành phố, các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam và chi tiết cho 150 trạm khí tượng (tương đương cấp huyện). Cung cấp kịch bản nước biển dâng chi tiết cho 28 tỉnh ven biển, quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cung cấp bản đồ nguy cơ ngập do nước biển dâng cho các khu vực đồng bằng, ven biển, các đảo và quần đảo của Việt Nam. Xác định mức độ tin cậy của các kết quả tính toán khí hậu và nước biển dâng trong tương lai theo các khoảng phân vị. Cung cấp các bộ dữ liệu về kết quả tính toán để phục vụ nhu cầu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu và rủi ro khí hậu…/.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bích Liên
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực