Xứng đáng với “cái nôi” của Không quân nhân dân Việt Nam

Thứ sáu, 17/03/2017 13:16
(ĐCSVN) - Cách đây 50 năm, trước yêu cầu nhiệm vụ của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngày 24/3/1967, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký Quyết định số 014/QĐ-QP thành lập Bộ Tư lệnh Không quân.

Trao đổi kinh nghiệm sau bay ở Trung đoàn Không quân 921, Sư đoàn 371

Thi hành Quyết định trên, ngày 1/5/1967, Đại tá Phùng Thế Tài, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân ký Quyết định số 492/TM-QL ghi rõ: Bộ Tư lệnh không quân mang phiên hiệu công khai là F171. Đáp ứng nguyện vọng của cán bộ, chiến sỹ Đoàn không quân Thăng Long, ngày 15/6/2006, Thường vụ Đảng uỷ Quân chủng Phòng không - Không quân ra Quyết định số 516/QĐ - PK-KQ lấy ngày 24/3/1967 là ngày truyền thống của Sư đoàn không quân 371.

Là Sư đoàn không quân chiến đấu đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam, lịch sử xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Sư đoàn Không quân 371 gắn liền với các sự kiện trọng đại của đất nước.

Ra đời vào những năm tháng chiến tranh ác liệt đầy gian nan, thử thách của dân tộc, trong hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, các đơn vị của Sư đoàn Không quân 371 tuy lực lượng ít, trang bị kém hiện đại, lại chưa có kinh nghiệm chiến đấu và tổ chức chỉ huy trên không, trình độ bay, giờ bay chưa nhiều, phải chiến đấu với lực lượng không quân và hải quân Mỹ có số lượng đông, trang bị mạnh, có kinh nghiệm không chiến, trình độ và giờ bay cao. Không quân Việt Nam đã chiến đấu dũng cảm, thông minh và chịu nhiều hi sinh tổn thất, vừa chiến đấu vừa xây dựng, phát triển lực lượng và thường xuyên phải đánh trả không quân Mỹ trong thế ít đánh nhiều, vũ khí nào cũng đánh và loại hình tác chiến nào cũng tham gia đánh thắng (tác chiến phòng không, vận chuyển, vận tải, tiếp tế đường không và tiến công đường không). Sư đoàn đã tham gia đánh địch trên không, trên biển, trên đất liền để bảo vệ miền Bắc, bảo vệ giao thông vận tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh, bảo vệ binh chủng hợp thành trong các chiến dịch lớn của ta và trên chiến trường của các nước bạn: Lào, Cam-pu-chia, đồng thời làm nhiều nhiệm vụ bảo đảm khác.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các đơn vị của Sư đoàn đã xuất kích chiến đấu 1.284 lần chuyến, đánh gần 400 trận, bắn rơi 320 máy bay Mỹ gồm 19 kiểu loại, trong đó có 2 chiếc B-52, đánh chìm và bắn hỏng nhiều tàu chiến, tiêu diệt nhiều sinh lực và phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh, thu hồi nhiều trang bị vũ khí, cơ sở vật chất kỹ thuật của địch. Đặc biệt đã sáng tạo, cải tiến kỹ thuật, chuyển loại trang bị vũ khí, lấy vũ khí địch đánh thắng địch. Những chiến công vẻ vang của Sư đoàn đã góp phần làm nên thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà đỉnh cao là trận đánh vào sào huyệt của địch ngày 28/4, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sỹ Đoàn Không quân Thăng Long đã và đang phát huy truyền thống vẻ vang của đơn vị, ra sức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao, cùng các lực lượng vũ trang kiên quyết đánh thắng kẻ thù trong mọi tình huống, bảo vệ vững chắc vùng trời, vùng biển của Tổ quốc. Ngày nay, đất nước chuyển sang giai đoạn cách mạng mới, cùng với sự phát triển của Quân đội, Quân chủng, Sư đoàn được xây dựng tiến thẳng lên hiện đại. Cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, với tinh thần “Người sẵn sàng, máy bay và các phương tiện sẵn sàng, có lệnh là xuất kích chiến đấu kịp thời”, quản lý và bảo vệ vững chắc vùng trời phía Bắc của Tổ quốc và Thủ đô Hà Nội.

Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn rất tự hào, vinh dự nhiều lần được đón Bác Hồ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm và động viên. Sư đoàn được các thế hệ cán bộ, chiến sĩ không quân dành cho một tên gọi đầy ý nghĩa: “Cái nôi” của Không quân nhân dân Việt Nam.

Trên mảnh đất lịch sử của Sư đoàn, năm 1995, Quân chủng quyết định phối hợp với Cục Hàng không  dân dụng Việt Nam tổ chức xây dựng “Tượng đài Không quân” nhằm ghi tạc và tôn vinh những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ không quân đã phục vụ trong những  thời kỳ tại Sư đoàn mà tiêu biểu là các anh hùng, liệt sĩ không quân. Công trình có ý nghĩa chính trị, văn hoá, nhân văn sâu sắc.

Từ Sư đoàn, nhiều đồng chí cán bộ không quân đã trưởng thành và được giao giữ nhiều trọng trách của Quân chủng, của Quân đội. Người công dân đầu tiên của Việt Nam bay vào vũ trụ, Anh hùng LLVTND Phạm Tuân, cũng được rèn luyện và trưởng thành từ Sư đoàn.

Với những chiến công vẻ vang và thành tích to lớn trong 50 năm qua, Sư đoàn Không quân 371 được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 19 lượt tập thể, 63 cá nhân được tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 3 tập thể được tuyên dương 2 lần và 1 tập thể được tuyên dương 3 lần Anh hùng, 1 đồng chí được tuyên dương Anh hùng Lao động; vinh dự được tặng thưởng nhiều Huân chương, Huy chương các loại như: Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công và Huân chương Chiến công các loại…

Kỷ niệm 50 năm ngày truyền thống của Sư đoàn là dịp cán bộ, chiến sĩ ôn lại chặng đường lịch sử đầy khó khăn, ác liệt nhưng rất vinh quang và tự hào, trong đó có cả sự hi sinh, cống hiến của lớp lớp cán bộ, phi công, chiến sĩ Sư đoàn đã không tiếc mồ hôi, công sức, xương máu của mình vì sự phát triển, trưởng thành của Không quân nhân dân Việt Nam, vì sự thắng lợi của cách mạng.

Những trang sử vàng chói lọi của Sư đoàn được viết nên bởi những chiến công hiển hách, những công việc thầm lặng của cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn trong suốt mấy chục năm qua chính là nguồn sức mạnh to lớn động viên, cổ vũ cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn hôm nay tiếp bước các thế hệ đi trước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời kỳ mới của đất nước./. 

Đại tá Lã Đại Phong,
Sư đoàn trưởng Sư đoàn Không quân 371

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực