10 sự kiện kinh tế thế giới tiêu biểu năm 2019

Thứ tư, 01/01/2020 06:14
(ĐCSVN) – Năm 2019 đang dần khép lại với nhiều sự kiện kinh tế tác động sâu sắc tới đời sống con người trên phạm vi toàn cầu. Sau đây là 10 sự kiện kinh tế thế giới tiêu biểu trong năm qua do Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn.

1.    Thương chiến Mỹ-Trung hạ nhiệt

leftcenterrightdel
Tàu container hàng hóa từ các nước châu Á cập cảng Long Beach, bang California (Mỹ) ngày 1/8/2019 - Ảnh: AFP/TTXVN 

Ngày 13/12, Trung Quốc tuyên bố nước này và Mỹ đã nhất trí văn bản của bản thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, dựa trên tinh thần của sự bình đẳng và cùng tôn trọng lẫn nhau. Ngày 30/12, Cố vấn Thương mại Nhà Trắng Peter Navarro tiết lộ bản thỏa thuận này có khả năng sẽ được ký kết vào tuần đầu tiên của năm mới. Tổng thống Mỹ Donald Trump hoặc Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer sẽ xác nhận thông tin liên quan tới vấn đề này.

Trong năm qua, các vòng tham vấn thương mại kinh tế và thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu đã trải qua nhiều cung bậc. Cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao của Mỹ và Trung Quốc tại Nhật Bản vào tháng 6/2019 đã trở thành “chất xúc tác” để hai bên tái khởi động đàm phán, từ đó đạt được những kết quả nhất định trong việc giải tỏa những mối quan ngại cốt lõi.

Triển vọng về giải quyết tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được hé lộ trong những ngày cuối cùng của năm 2019 không chỉ mang lại những tín hiệu tích cực cho hai nền kinh tế mà còn được cả thế giới đón nhận, trước kỳ vọng mang lại “luồng sinh khí mới” cho các lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính…sau một năm ảm đạm.

2.    Đột phá trong đàm phán RCEP thúc đẩy sự lớn mạnh của chủ nghĩa đa phương

leftcenterrightdel
Hội nghị Cấp cao Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) lần thứ 3 diễn ra ngày 4/11/2019. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN 

Theo tuyên bố chung đưa ra bên lề Hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 35 và các hội nghị liên quan tại Thái Lan vào tháng 11/2019, 15 quốc gia tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), không bao gồm Ấn Độ đã hoàn tất giai đoạn đàm phán dựa trên văn bản của 20 chương trong Hiệp định gồm hầu như toàn bộ các vấn đề tiếp cận thị trường và hướng tới mục tiêu ký kết hiệp định vào năm 2020.

Việc các nước hoàn tất đàm phán RCEP đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của tất cả các nước tham gia, tiếp tục khẳng định vai trò của chủ nghĩa đa phương và tự do thương mại là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thế giới.

Là một hiệp định thương mại tự do quy mô lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khi RCEP được thực thi sẽ tạo ra một thị trường với quy mô khoảng 3,5 tỷ người tiêu dùng và GDP xấp xỉ 49.000 tỷ USD, chiếm khoảng 39% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hải quan, quy tắc xuất xứ tạo thuận lợi cho thương mại.

3.    FED hạ lãi suất lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ

leftcenterrightdel
FED hạ lãi suất lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ . (Ảnh: The Globe and Mail)
 

Lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), ngày 31/7/2019 đã quyết định hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống 2-2,25% để đối phó với nguy cơ bất ổn kinh tế gia tăng. Ngày 31/10, Ủy ban thị trường mở liên bang (FOMC)- Cơ quan hoạch định chính sách của FED quyết định giảm thêm 0,25% lãi suất cơ bản, từ biên độ 1,75% - 2% xuống còn 1,5% - 1,75% và giữ nguyên lãi suất ở mức này cho tới cuối năm 2019.

Sau quyết định của FED, nhiều ngân hàng trung ương chủ chốt trên thế giới cũng có động thái tương tự và liên tục hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hoặc tránh nguy cơ suy thoái.

4.    Tương lai Brexit được định đoạt

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa: Europa 

Ngày 28/10/2019, Liên minh châu Âu (EU) chấp thuận đề nghị do Anh đưa ra về việc lùi thời hạn chót thực thi Brexit cho tới ngày 31/1/2020. Đây là lần thứ 3 Brexit được gia hạn.

Sau khi đã nhiều lần đệ trình bản thỏa thuận Brexit mà vẫn bị Quốc hội Anh bác bỏ, bà Theresa May đã rời khỏi vị trí Thủ tướng và trọng trách được giao cho người người kế nhiệm Boris Johnson.

Việc đảng Bảo thủ của ông Johnson giành được đa số ghế tại Hạ viện trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào tháng 12/2019 đã khiến cho tương lai của Brexit gần như được định đoạt, đó là hành trình rời khỏi EU sẽ được khởi hành đúng giờ, cho dù có hay không đạt được thỏa thuận.

Có lẽ chưa một sự kiện chính trị nào lại thu hút sự quan tâm của giới đầu tư như Brexit. Các khó khăn của kinh tế toàn cầu và nguy cơ Brexit không thỏa thuận khiến triển vọng tăng trưởng của kinh tế EU nói chung trở nên ảm đạm. Brexit không thỏa thuận sẽ gây ra cú sốc cho kinh tế thế giới, đẩy Anh rơi vào suy thoái, gây rối loạn thị trường tài chính và làm suy yếu vị thế của London là một trung tâm tài chính quốc tế. 

5.    54 quốc gia ký kết Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (AfCFTA)

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi (AUC) Moussa Faki Mahamat  công bố về AfCFTA, ngày 7/7/2019. (Ảnh: Xinhua)

Ngày 7/7/2019, tại thủ đô Niamey, Cộng hòa Niger, 2 quốc gia Nigeria và Benin là quốc gia thứ 53 và 54 trên tổng số 55 quốc gia châu Phi, đã chính thức ký Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (gọi tắt là AfCFTA).

AfCFTA là một khu vực thương mại tự do bao gồm 54 trong số 55 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi, được ký kết tại Kigali, Rwanda vào ngày 21/3/2018, ngoại trừ quốc gia Eritrea.

Hiệp định nhằm mục đích gắn kết 1,3 tỷ người, tạo ra một khối kinh tế 3,4 nghìn tỷ USD, có thể mở ra một kỷ nguyên phát triển mới tại khu vực châu Phi. Việc 54 nước thành viên liên minh châu Phi (AU) ký kết AfCFTA được đánh giá là một sự kiện mang tính bước ngoặt của “lục địa đen”, được kỳ vọng là sẽ giúp châu Phi vượt qua những thách thức về cấu trúc thị trường và phát huy được tiềm năng phát triển kinh tế, từ đó thúc đẩy thương mại nội bộ tăng 52% vào năm 2022.

6.    Tăng trưởng kinh tế thế giới chạm mức thấp nhất trong vòng 1 thập kỷ

leftcenterrightdel
 Ảnh: Reuters

Trung tuần tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) công bố Báo cáo tổng quan kinh tế thế giới, bày tỏ quan ngại về những căng thẳng địa chính trị và thương mại đang ngày một gia tăng có nguy cơ gây tổn hại đến tương lai của hệ thống giao thương toàn cầu và hợp tác quốc tế.

Báo cáo của IMF đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 xuống còn 3% - mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Theo báo cáo trên, kinh tế thế giới đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009 trong khi các xung đột thương mại gia tăng làm giảm lòng tin của giới đầu tư và kinh doanh.

Tuy nhiên, theo hãng tin Reuters, IMF cũng nói rằng tăng trưởng toàn cầu sẽ nhanh chóng hồi phục nếu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dỡ thuế quan đã áp lên hàng hóa của nhau trong thương chiến.

7.    Nhật-Hàn bị đẩy vào cuộc tranh chấp thương mại chưa có hồi kết

leftcenterrightdel

Nhật Bản đang hạn chế  xuất khẩu một số mặt hàng công nghệ cao sang Hàn Quốc.

(Ảnh: Reuters)

Những vết thương trong quá khứ tưởng chừng như được khép lại đã một lần nữa trở thành nguồn cơn làm búng phát căng thẳng giữa hai nước láng giềng  sau khi Nhật Bản vào đầu tháng 7/2019 đã áp lệnh kiểm soát xuất khẩu ba loại vật liệu quan trọng sang Hàn Quốc, gồm fluorinated polyamides (nhựa nhiệt dẻo), photoresists (chất cản quang) và hydrogen fluoride (hydro florua) dùng trong sản xuất sản phẩm bán dẫn. Ngày 28/8, Nhật Bản đã loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách quốc gia có hệ thống kiểm soát xuất khẩu đáng tin cậy, dẫn tới viê%3ḅc Hàn Quốc đưa ra hành đô%3ḅng trả đũa vào ngày 18/9. 

Căng thẳng tăng nhiệt trong quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc còn tiềm ẩn rủi ro tạo nút thắt cổ chai trong chuỗi cung ứng mặt hàng điện tử trên toàn cầu. Nhật Bản kiểm soát tới 80% nguồn cung ứng các vật liệu bán dẫn. Hàn Quốc sản xuất tới 70% chip bộ nhớ của toàn thế giới và 90% màn hình OLED - bộ phận quan trọng của màn hình máy tính và TV.

8.    Cơ sở dầu lửa trọng yếu của Ả rập Xê út bị tấn công, giá “vàng đen” tăng vọt

leftcenterrightdel
Ảnh minh họa. Nguồn: Getty Images 

Giá dầu thế giới có lúc tăng tới gần 20% khi mở cửa tuần giao dịch mới, sau vụ tấn công nhằm vào một cơ sở dầu lửa của Ả rập Xê út trung tuần tháng 9/2019, khiến sản lượng dầu toàn cầu ngay lập tức sụt hơn 5%. Lúc cao điểm, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng hơn 19%, đạt mức 71,95 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York tăng hơn 15%, lập đỉnh ở 63,34 USD/thùng.

Theo Bloomberg, đây là mức tăng mạnh chưa từng thấy trong một phiên giao dịch của giá dầu. Kể từ khi dầu lửa bắt đầu được giao dịch trên thị trường tương lai vào năm 1988 đến nay, chưa có khi nào ghi nhận mức tăng tuyệt đối tính bằng đồng USD mạnh đến như vậy.

Bộ Năng lượng Mỹ nói rằng đây là vụ gián đoạn nguồn cung tồi tệ nhất lịch sử ngành công nghiệp dầu lửa thế giới, vượt xa đợt gián đoạn nguồn cung dầu Kuwait và Iraq vào tháng 8/1990, khi Iraq tấn công Kuwait. Gián đoạn này cũng vượt xa thiệt hại nguồn cung dầu của Iran vào năm 1979 trong cuộc cách mạng Hồi giáo. Ngoài gây biến động lớn trên thị trường dầu và phủ bóng lê kế hoạch IPO của Saudi Aramco.

9.    Đồng Nhân dân tệ xuống giá thấp nhất trong vòng 11 năm

leftcenterrightdel
Ảnh: Sputnik

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mở đầu phiên giao dịch ngày 7/8 đã thiết lập tỉ giá đồng Nhân dân tệ (CNY) ở mức 6.9996 CNY đổi được 1 USD, mức thấp nhất kể từ 15/5/2008.

Quyết định hạ giá đồng CNY của PBOC đã khiến Bộ Tài chính Mỹ chính thức liệt Trung Quốc vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. PBOC ngày 6/8 tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối quyết định này của Mỹ, cho rằng Bắc Kinh chưa và sẽ không sử dụng đồng CNY để đối phó với những bất đồng về thương mại với nền kinh tế lớn nhất thế giới. Theo tuyên bố của PBOC, việc coi Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ gây tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc quốc tế.

Theo các chuyên gia của Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu Chính sách, đồng CNY đã mất mốc 7.0 sẽ khiến đồng tiền của các thị trường tài chính quốc tế ít nhiều chịu áp lực.

10. Khủng hoảng của Boeing 737 ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Mỹ

leftcenterrightdel
Máy bay 737 MAX được sản xuất trong nhà máy của Boeing
ở bang Washington, Mỹ. (Ảnh: AP) 

Dòng máy bay Boeing 737 MAX bị đình chỉ bay trên toàn thế giới đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hãng hàng không trên toàn cầu, tiêu biểu các hãng hàng không Mỹ sử dụng 737 MAX như Southwest Airlines và American Airlines liên tục trì hoãn việc đưa máy bay 737 MAX quay trở lại hoạt động. Bên cạnh đó, các hãng hàng không này cũng công bố thiệt hại hàng trăm triệu USD doanh thu từ việc 737 MAX bị đình chỉ kể từ tháng 3/2019 do liên tiếp xảy ra các thảm họa hàng không của hãng Lion Air (Indonesia) hồi tháng 10/2018 và của Ethiopian Airlines (Ethiopia) hồi tháng 3/2019 khiến 346 người thiệt mạng.

Bank of America cũng hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong quý này từ 1,7% xuống còn 1,2%, sau thông báo của Boeing liên quan tới việc hãng này sẽ ngừng sản xuất dòng máy bay 737 MAX kể từ tháng 1 tới. 

Boeing hiện đang là một trong những nhà sản xuất công nghiệp lớn nhất nước Mỹ và đồng thời cũng là nhà xuất khẩu hàng đầu. Các chuyên gia của Capital Economics dự báo, trong trường hợp việc tạm dừng sản xuất dòng 737 MAX kéo dài đến hết quý I/2020, nền kinh tế Mỹ có thể thiệt hại 0,5 điểm % GDP./.

Ban Thời Sự

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực