Kiên quyết xử lý nghiêm báo chí thông tin sai sự thật

Thứ sáu, 17/11/2017 16:42
(ĐCSVN) - Giải pháp căn cơ nào để kiểm soát tình trạng báo chí vi phạm tràn lan; hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội... là những vấn đề được các đại biểu Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn, cuối giờ sáng 17/11.

Trước phản ánh của đại biểu (ĐB) Mong Văn Tình (Nghệ An) về tình trạng báo chí vi phạm tràn lan, sai sự thật, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho rằng đây cũng là một vấn đề nhức nhối trong thời gian gần đây.

Nhấn mạnh “trong mọi thành công của Đảng, Nhà nước, của đất nước đều có vai trò của báo chí”, tuy nhiên, Bộ trưởng cho hay gần đây có thể thấy rằng những sai phạm của báo chí là rất lớn, đáng báo động.

"Sai phạm của báo chí đó cũng không thể làm biến dạng dòng chảy chính của nền báo chí cách mạng Việt Nam hiện nay”, Bộ trưởng khẳng định.

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn trả lời tại phiên chất vấn. (Ảnh: TH)

Nhấn mạnh việc đăng tải thông tin xuyên tạc gây hoang mang trong nhân dân là hành vi bị cấm nêu rõ trong Luật Báo chí năm 2016 tại Điều 9, Bộ trưởng cho biết: Trong năm 2016, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra và xử phạt các vi phạm hành chính đối với gần 150 cơ quan báo chí. Trong đó, vi phạm về đăng tải thông tin sai sự thật chiếm tỷ lệ rất lớn, thông tin gây phương hại đến lợi ích của quốc gia có hai cơ quan báo chí bị xử lý và có thời điểm chỉ trong một tháng có hơn 70 cơ quan báo chí bị xử lý vì thông tin sai sự thật.

“Việc tăng cường công tác kiểm tra xử lý rất nghiêm, ngoài ra xử lý các việc sai phạm khác khi báo chí đưa tin cố ý hoặc vô tình xâm hại đến lợi ích của nhà nước, của nhân dân đều được xử lý nghiêm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm quy định liên quan đến việc cấp các loại giấy tờ và các loại thẻ nhầm lẫn với thẻ nhà báo.

Nhận định thời gian qua có nhiều giải pháp để kiểm soát lượng thông tin xấu, độc hại trên internet và mạng xã hội, tuy nhiên, lượng tin giả, tin xuyên tạc, thông tin chống phá chế độ, bôi nhọ lãnh đạo vẫn còn rất nhiều, gây bất an dư luận và ảnh hưởng không tốt đến Đảng và Nhà nước, ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) đặt câu hỏi: Bộ trưởng có giải pháp đột phá nào để tăng cường công tác quản lý và kiểm soát chặt chẽ thông tin trên mạng xã hội?.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, trong thời đại ngày nay, Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin ở khu vực. Mạng xã hội, internet ra đời đã mang lại nhiều tiện ích cho con người, làm cho con người xích lại gần nhau, tìm kiếm kiến thức…

Bên cạnh những tiện ích rất lớn đó thì những tác hại do mạng xã hội đem lại cũng không phải nhỏ. Đó là những thông tin bôi nhọ, những thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đời tư, kích động bạo lực, khiêu dâm, chia rẽ dân tộc, tôn giáo ngày càng phát triển nhiều hơn.

Bộ trưởng cho hay: “Nhiều người nói rằng mạng xã hội phát triển như vậy thì có nên sử dụng mạng xã hội nữa không? Vấn đề chúng ta cần nhìn nhận rõ là phải coi mạng xã hội là một phương tiện, một công cụ cho người dùng, như một con đường và chúng ta đi trên con đường đó... Bởi vì trên con đường đó có rất nhiều hạng người, có người tốt, có người xấu, thậm chí có kẻ cướp nên đừng coi việc sử dụng mạng xã hội là xấu mà phải coi ý thức của người sử dụng mạng xã hội như thế nào là một vấn đề”.

Đề cập đến các giải pháp, Bộ trưởng cho biết: Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với nhiều cơ quan liên quan để phối hợp xử lý, nhằm tăng cường năng lượng tốt ở trên mạng xã hội, giảm bớt năng lượng xấu và đi đến hạn chế tối đa năng lượng xấu trên mạng xã hội:

Thứ nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường cùng với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan tuyên truyền làm rõ tiện ích, vai trò to lớn của mạng xã hội nhưng đồng thời cũng làm rõ hạn chế của mạng xã hội.

Thứ hai, làm việc với các mạng xã hội nước ngoài, yêu cầu tuân thủ luật pháp quốc tế nhưng đồng thời phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Mặt khác, tăng cường hoạt động của các mạng xã hội trong nước; phối hợp cùng Ban Tuyên giáo Trung ương đẩy mạnh các thông tin tích cực trên báo chí.

“Báo chí hiện nay đang có tình trạng bị mạng xã hội dẫn dắt, chúng ta phải làm thế nào để chính báo chí phải là hạt nhân dẫn dắt, định hướng những thông tin đúng trên mạng xã hội”, Bộ trưởng lưu ý.

ĐB Phạm Văn Tuân (Thái Bình) phản ánh tình trạng một số cơ quan báo và một số phóng viên hoạt động không đúng tôn chỉ mục đích, rút tít giật gân để câu khách, bình luận một chiều có tính áp đặt; nhiều tin, bài thiếu kiểm chứng, cắt xén thông tin, xuyên tạc sự thật, thậm chí kích động gây dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức và cá nhân, gây mất ổn định tình hình ở một số địa phương. “Xin Bộ trưởng cho biết, Bộ và cá nhân Bộ trưởng sẽ làm gì, làm như thế nào để sớm khắc phục tình trạng trên?”, ĐB Phạm Văn Tuân chất vấn.

Trả lời ĐB Tuân, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn khẳng định, báo chí hiện nay cơ bản dòng chảy chính vẫn là dòng chảy tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó ở một số địa phương, nhất là Thái Bình, có kiến nghị một số cơ quan báo chí đưa tin sai sự thật về một số dự án ở Thái Bình.

“Vấn đề này tôi đã chỉ đạo các cơ quan liên quan vào cuộc để xem xét, xử lý các thông tin đó, khắc phục tình trạng thông tin phiến diện, một chiều”, Bộ trưởng nói.

Mặt khác, Bộ trưởng mong muốn các địa phương cần cung cấp đầy đủ thông tin cho báo chí để khắc phục tình trạng phiến diện, một chiều này. Bởi có hiện tượng phóng viên xuống tác nghiệp nhưng người phát ngôn không cung cấp thông tin, khi đó khai thác thông tin phải qua nhiều nguồn, thậm chí không qua được nguồn chính thức thì phải thông qua bạn bè, người thân, các mối quan hệ nên nhiều lúc lấy được thông tin thì thông tin không chính xác, thậm chí có những thông tin trái ngược nhau hoặc thông tin nửa sự thật, dẫn đến tình trạng trên./.

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực