Làm rõ cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trong quá trình thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị

Thứ bảy, 23/05/2020 15:55
(ĐCSVN) – Các đại biểu cho rằng việc thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng là cần thiết, song cần làm rõ cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực trong quá trình thực hiện.

Tiếp tục kỳ họp thứ 9, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng.

Xây dựng mô hình chính quyền đô thị

Trình bày tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Nghị quyết này thực hiện việc phân cấp mạnh hơn nhưng gắn với trách nhiệm của chính quyền Thành phố trong một số lĩnh vực: thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị; quản lý quy hoạch và quản lý tài chính - ngân sách. Dự thảo Nghị quyết được bố cục thành 04 Chương, gồm 15 Điều với nội dung cơ bản như sau:

Đối với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị, Dự thảo Nghị quyết quy định cho phép thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng theo hướng xây dựng mô hình tổ chức 1 cấp chính quyền địa phương (ở cấp Thành phố) và 02 cấp hành chính (quận, phường): Theo mô hình này thì chính quyền Thành phố được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân (HĐND) và Ủy ban nhân dân (UBND). Cấp quận và phường không tổ chức HĐND mà chỉ tổ chức cơ quan hành chính là UBND quận và UBND phường. 

Dự thảo Nghị quyết quy định thí điểm 4 chính sách đặc thù thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng khác với quy định hiện hành hoặc chưa có quy định, gồm:

Đối với điều chỉnh quy hoạch Thành phố, dự thảo Nghị quyết quy định giao cho UBND thành phố Đà Nẵng được điều chỉnh quy hoạch Thành phố đối với các trường hợp mà khi thực hiện điều chỉnh không làm thay đổi mục tiêu quy hoạch quy định tại khoản 2, 5, 6 Điều 53 Luật Quy hoạch Đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị, giao UBND thành phố phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị trên cơ sở ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng. 

Đối với quản lý tài chính – ngân sách, quy định như dự thảo Nghị quyết đảm bảo ổn định tỷ lệ điều tiết ngân sách của thành phố Đà Nẵng phù hợp với tình hình thực tế, tính pháp lý cao hơn và tạo điều kiện cho Thành phố bổ sung nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. 

Để tạo tính chủ động cho Thành phố trong việc lựa chọn các dự án đầu tư đầu tư cơ sở hạ tầng và sử dụng hiệu quả nguồn lực tích lũy nhàn rỗi, dự thảo Nghị quyết quy định cho phép HĐND Thành phố được sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) . Ảnh: TL.

Làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, cơ chế kiểm soát quyền lực

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) cho rằng, đây là mô hình phù hợp vì trước đó Đà Nẵng đã từng thực hiện mô hình tương tự và cho kết quả tốt. 

Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Văn Mão khi Đà Nẵng không tổ chức HĐND ở quận, phường sẽ phát sinh nhiều vấn đề cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để giải quyết thấu đáo, tránh phát sinh bất cập khi triển khai thực hiện. Do vậy, cần làm rõ một số vấn đề cơ chế giám sát việc quyền đại diện, quyền làm chủ của nhân dân đối với chính quyền quận, phường khi không tổ chức HĐND. Mặt khác, khi không tổ chức HĐND ở quận, phường thì nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quận, phường được chuyển giao ra sao?.

Ủng hộ thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng, song đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) nhận định, mô hình không tổ chức HĐND ở quận, phường tại Đà Nẵng chưa rõ ràng và chưa thấy có điểm mới. “Tại sao tăng nhiệm vụ, quyền hạn bộ máy bên trong không quy định rõ số lượng đại biểu HĐND thành phố Đà Nẵng? Nếu thí điểm không rõ được có tăng số lượng đại biểu không, tăng thì tăng như thế nào, căn cứ vào đâu để tăng? Số lượng đại biểu chuyên trách có khác với các Ban của HĐND hiện hành hay không?”, đại biểu đặt  hàng loạt câu hỏi.

Đại biểu Mai Hoa cũng cho rằng, với mô hình mới, yêu cầu kiểm soát quyền lực của chính quyền đô thị cần đặt ra chặt chẽ hơn, trong khi dự thảo nghị quyết không thể hiện được cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể ở địa bàn thực hiện thí điểm có gì thay đổi so với các địa bàn khác hay không? 

Theo đại biểu, việc nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị tại Đà Nẵng cần phải đặt trong việc nghiên cứu bài bản, tổng thể với mô hình ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh vừa qua để từ đó có thể đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đồng tình với việc cho phép thành phố Đà Nẵng được điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị để phát huy lợi thế về tiềm năng, lợi thế của thành phố và góp phần tăng nguồn lực cho thành phố Đà Nẵng phát triển, song đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) lưu ý, việc điều chỉnh quy hoạch cục bộ phải đảm bảo nghiêm ngặt quy tắc, tuyệt đối không được phá vỡ quy hoạch tổng thể, quy hoạch vùng, quy hoạch quốc gia. 

“Phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch, kể cả khi về hưu hoặc chuyển công tác nhằm tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quy hoạch tùy tiện hay thay đổi quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, thậm chí nhiệm kỳ sau phủ định quy hoạch của nhiệm kỳ trước gây hậu quả không nhỏ như đã từng xảy ra”, đại biểu nêu rõ.

Đối với việc điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố, đại biểu Trần Văn Mão nhấn mạnh, đây là một vấn đề rất lớn, bởi quy hoạch này nhằm bảo đảm tính định hướng cho phát triển của thành phố. Do đó, đề nghị điều chỉnh khi thật sự cần thiết và phải được xem xét hết sức kỹ lưỡng và phải theo đúng quy định của Luật Quy hoạch mới được Quốc hội thông qua./.

 

Thu Hằng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực