Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, dù còn nhiều khó khăn, song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh 6 tháng đầu năm có nhiều chuyển biến tích cực: Tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt 8,03%; sản xuất nông nghiệp được mùa cả về năng suất và sản lượng; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 30.510 tỷ đồng; ngành du lịch đón 3,8 lượt khách; 81 dự án được chấp thuận đầu tư với tổng vốn đăng ký 9.919 tỷ đồng và 28 triệu USD; v.v...
Khu kinh tế (KKT) Nghi Sơn được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập năm 2006, diện tích ban đầu 18.611,8 ha, trên địa bàn 12 xã phía Nam huyện Tĩnh Gia, cách thành phố Thanh Hóa 40 km.
Sau 10 năm xây dựng, đến nay KKT Nghi Sơn đã thu hút được 127 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 96.174 tỷ đồng; 09 dự án FDI với tổng vốn đăng ký là 12.031,4 triệu USD. Đã có 65 dự án đi vào hoạt động. Nhiều dự án lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa như: Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhiệt điện1, Xi măng Công Thanh, Xi măng Nghi Sơn, v.v...
Phát biểu kết luận cuộc làm việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ghi nhận và đánh giá cao những thành tích mà tỉnh Thanh Hóa đạt được trong những năm vừa qua và 6 tháng đầu năm 2016. Để Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững, ngoài những chủ trương, kế hoạch mà tỉnh đã xây dựng, Phó Thủ tướng đề nghị tỉnh phải rà soát lại quy hoạch ngành, lĩnh vực để điểu chỉnh hoặc bổ sung cho phù hợp với thực tiễn cuộc sống. “ Quy hoạch con đường, cảnh biển mà sai thì cái giá phải trả rất đắt”- Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn
Đến kiểm tra việc thi công xây dựng dự án Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và dự án Nhiệt điện Nghi sơn 2 nằm trong KKT Nghi Sơn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu Ban quản lý KKT Nghi Sơn, một số nhà thầu báo cáo kỹ về phương án xử lý chất thải, xả thải.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, do KKT Nghi Sơn có diện tích sử dụng đất, mặt nước lớn, tập trung nhiều nhà máy công nghiệp nặng như lọc hoá dầu, sản xuất thép, xi măng, nhiệt điện… nên vấn đề an toàn môi trường phải đặt lên hàng đầu. “Từ bài học của Formosa Hà Tĩnh, phải luôn cảnh giác, luôn có ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường. Trong từng dự án, nhà máy, tuỳ theo mức độ xả thải, phải có hệ thống xử lý nước thải phù hợp. Trong từng khu công nghiệp, phải có nhà máy xử lý nước thải tập trung”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu phải tăng cường kiểm soát nhà nước về đầu tư xây dựng, đặc biệt chú ý hệ thống xử lý chất thải, nước thải, khí thải. Ngoài ra, phải tiến hành giám sát môi trường, xả thải theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế; phải nghiệm thu kết quả xử lý chất thải trước khi thải ra môi trường. Để thực hiện công việc này, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì thành lập Hội đồng nghiệm thu cấp Bộ hoặc cấp nhà nước, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, các chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước để đánh giá một cách khách quan, khoa học, chính xác.
“Dù chậm một chút nhưng đảm bảo chắc chắn, bền vững. Kiên quyết lấy môi trường là yêu cầu bắt buộc với các dự án. Nếu không đạt các tiêu chuẩn môi trường, phải yêu cầu dừng lại để hoàn thiện”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Về việc lắp đặt các trạm quan trắc môi trường, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường nhanh chóng hỗ trợ, hướng dẫn các cơ quan của tỉnh tổ chức thực hiện, yêu cầu các trạm quan trắc này phải được nối mạng 24/24 với cơ quan quản lý nhà nước. Việc lắp đặt trạm quan trắc phải được thực hiện tại tất cả các cơ sở có xả thải ra môi trường, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm, không loại trừ bất kỳ tổ chức, cá nhân nào.
Bên cạnh vấn đề đảm bảo an toàn về môi trường, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng còn yêu cầu trong quá trình thi công xây dựng và vận hành các dự án, nhà máy phải đảm bảo tuyệt đối an toàn cho con người, đồng thời phải đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân./.