Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 Đây là phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV. Mở đầu phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước cho các thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng cho rằng, tất cả các thành viên Chính phủ đã được Quốc hội khóa XIV phê chuẩn với số phiếu cao, điều này thể hiện sự tín nhiệm, đánh giá cao những nỗ lực của tất cả của các thành viên Chính phủ hơn 3 tháng vừa qua.
Nhấn mạnh quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; đồng thời nêu rõ các bộ, ngành cần thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, tồn tại, hạn chế trong ngành, lĩnh vực mình quản lý, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân, hành động quyết liệt, nói đi đôi với làm, đồng thời yêu cầu thành lập ngay tổ công tác theo dõi thực hiện kết luận, chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu đến tháng 10/2016, các bộ, ngành phải hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của từng bộ, ngành. Cùng với đó, các Bộ trưởng, Trưởng ngành khẩn trương ban hành quy chế làm việc của bộ, ngành mình, trong đó, cần phải chỉ rõ quy trình, thời gian xử lý công việc, văn bản, trách nhiệm từng tổ chức, cá nhân; không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm; phải minh bạch quy chế xử lý văn bản trên môi trường mạng; yêu cầu Văn phòng Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy nhanh tiến độ xây dựng Chính phủ điện tử, trước hết là phổ cập hệ thống xử lý văn bản tại các bộ, ngành.
Với tinh thần Chính phủ kiến tạo, Thủ tướng cũng lưu ý các Bộ trưởng, Trưởng ngành phải dành thời gian cho công việc xây dựng thể chế, chính sách, pháp luật; hết sức quan tâm tăng cường phối hợp, không được đùn đẩy trách nhiệm. Chính phủ, từng thành viên Chính phủ phải đi đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là xe công, trụ sở, hội họp, đi công tác. Nâng cao chất lượng công tác dự báo, bảo đảm sát tình hình, chính xác, kịp thời, đồng thời đưa ra phương án, kịch bản cụ thể, rõ ràng để ứng phó tình huống có thể xảy ra…
Về xây dựng thể chế, Chính phủ đã nghe báo cáo, thảo luận về: Dự án Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; dự án Luật Công an xã; dự án Luật Quản lý ngoại thương; dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi); dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư kinh doanh; dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ; dự án Luật Quy hoạch;…
Phát biểu kết luận nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành chủ trì soạn thảo các dự án Luật tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ để bổ sung, hoàn thiện; sớm trình Chính phủ xem xét, quyết định.
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2016, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục có chuyển biến và đạt được những kết quả tích cực; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; lạm phát được kiểm soát; môi trường đầu tư kinh doanh từng bước được cải thiện; khách du lịch quốc tế đạt khá; các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân và các lĩnh vực xã hội khác được quan tâm và đạt nhiều kết quả tích cực; an ninh chính trị và trật tự xã hội được bảo đảm;…
Bên cạnh đó, kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng chế biến tăng thấp; công tác quản lý đầu tư, khai thác, thu phí của các dự án BOT còn bất cập; buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp; đời sống nhân dân ở các vùng thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn, vùng bị ô nhiễm môi trường, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận phiên họp
Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các thành viên Chính phủ nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất những mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra của năm 2016; cần có chuyển biến rõ nét trong giải ngân đầu tư công; bảo đảm thu NSNN vượt dự toán ít nhất 10%; quyết liệt chống thất thu, nợ đọng thuế; giữ tỉ lệ bội chi ngân sách theo kế hoạch; kiểm soát chặt chẽ nợ công.
Đồng thời, bảo đảm xuất khẩu đạt kế hoạch đề ra; các chỉ tiêu phát triển công nghiệp đạt bằng mức của năm 2015; chú trọng phát triển thị trường trong nước. Tập trung khôi phục sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng đánh bắt thủy sản theo đà tăng của tháng 7; phấn đấu đạt cao nhất các chỉ tiêu tăng trưởng ngành. Tập trung chỉ đạo bảo đảm vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất.
Các Bộ ngành, địa phương tiếp tục quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian và chi phí thực hiện. Tăng cường thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài. Khuyến khích khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp. Tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các địa phương phải làm tốt, thực hiện nghiêm các Nghị quyết số 01, NQ 19, NQ 35, NQ 60, NQ phiên họp Chính phủ hàng tháng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tăng cường theo dõi, đôn đốc, kiểm điểm tình hình thực hiện. Tập trung thực hiện các giải pháp tháo gỡ rào cản, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Quyết liệt cải cách thủ tục hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử ở tất cả các ngành, các cấp.
Chấn chỉnh kỷ luật kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, không né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ. Xử lý nghiêm trách nhiệm đối với cán bộ, công chức vi phạm pháp luật, gây khó khăn, nhũng nhiễu cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, khen thưởng kịp thời đối với những cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tăng cường phòng chống tham nhũng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngay từ ở cấp cơ sở. Tập trung trấn áp tội phạm, bảo đảm cuộc sống bình yên cho người dân. Tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Giảm thiểu tai nạn giao thông. Tăng cường phòng chống cháy nổ. Giải quyết kịp thời các vấn đề xã hội bức xúc.
Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành địa phương liên quan thực hiện tốt nhiệm vụ hỗ trợ người dân bị thiệt hại do sự cố môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung. Chú trọng việc phân bổ, thanh toán tiền bồi thường của Formosa đến người dân, bảo đảm đúng mục đích, đối tượng và theo đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu Formosa thực hiện nghiêm các cam kết.
Đồng thời, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường chỉ đạo, chuẩn bị các phương án phòng chống lụt bão, hỗ trợ kịp thời người dân bị thiệt hại, bảo đảm nhanh chóng khôi phục sản xuất và đời sống người dân vùng bị thiên tai, trước mắt là người dân bị ảnh hưởng sau cơ bão số 1 vừa qua.
Nhấn mạnh vụ tin tặc tấn công vào hệ thống thông tin ở sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất vừa qua là hết sức nghiêm trọng; Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp,... cần đặc biệt quan tâm làm tốt công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng; không chủ quan, mất cảnh giác với loại hình tội phạm này; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong rà soát để loại trừ các mã độc cũng như trong phòng, chống tin tặc, bảo mật, bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng./.