Hà Nội phấn đấu 100% số xã hoàn thành nông thôn mới

Thứ năm, 07/05/2020 17:14
(ĐCSVN) - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các huyện, thị xã phải coi xây dựng nông thôn mới là phong trào thi đua thiết thực nhất ở ngoại thành, lập thành tích chào mừng thành công đại hội đảng bộ các cấp. Thành phố tập trung phấn đấu để 100% số xã hoàn thành NTM trong năm 2021.

Phát huy vai trò công tác khuyến nông trong ngành nông nghiệp

Nông thôn mới làm thay đổi diện mạo Long Mỹ

Hưng Yên: 6 huyện phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới

Nông thôn An Giang khởi sắc

Quảng Trị: Huyện Cam Lộ, đạt chuẩn nông thôn mới

leftcenterrightdel
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh:TA) 

Ngày 7/5, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020” tổ chức hội nghị giao ban, đánh giá kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy và Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến hết tháng 4/2020, bàn phương hướng thực hiện nhiệm vụ đến cuối năm 2020.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội chủ trì hội nghị. Cùng dự có Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố (TP) Hà Nội Nguyễn Văn Sửu và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP.

Báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi và dịch COVID-19, tốc độ tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Hà Nội trong quý I/2020 giảm 1,17% so với cùng kỳ, trong đó, diện tích gieo trồng cây vụ đông cũng bị giảm…

Về xây dựng NTM, tổng kinh phí huy động thực hiện chương trình NTM từ đầu năm 2016 đến hết tháng 4/2020 là gần 56.100 tỷ đồng (tăng gần 11.400 tỷ đồng so với cuối năm 2019). Từ đầu năm 2020 đến nay, Hà Nội có thêm 2 xã của huyện Gia Lâm đủ điều kiện đạt chuẩn NTM nâng cao; 1 xã của huyện Phú Xuyên, 1 xã của huyện Sóc Sơn đủ điều kiện hoàn thành xã NTM. Các đơn vị đang hoàn thiện hồ sơ trình thành phố công nhận xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao năm 2020.

Như vậy, đến nay, TP có 353/382 xã (đạt tỷ lệ 92,4%) đã được công nhận, trong số đó có 11 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao; 6 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; thị xã Sơn Tây đã đủ điều kiện, đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND TP xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2019.

Thực hiện Chương trình OCOP, đến hết năm 2019, TP đã tổ chức đánh giá, xếp hạng được 301 sản phẩm, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao đề nghị Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP quốc gia; 207 sản phẩm đạt 4 sao; 88 sản phẩm đạt 3 sao...

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Hà Nội cẫn còn một số hạn chế trong xây dựng NTM như: Tiến độ điều chỉnh quy hoạch NTM tại một số địa phương còn chậm; công tác vệ sinh môi trường nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức; thu nhập và đời sống của một bộ phận nông dân vùng xa trung tâm, vùng đồng bào dân tộc... còn khó khăn; ở các huyện: Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa tỷ lệ hộ nghèo còn cao...

Tại hội nghị, các đại biểu đề xuất nhiều biện pháp để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM trong thời điểm còn nhiều khó khăn hiện nay. Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho biết, Hà Nội đang thực hiện nhiệm vụ kép: Vừa bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng chống dịch bệnh. Đối với nông nghiệp, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng, Hà Nội tập trung tái đàn vật nuôi, đặc biệt là đàn lợn. Tuy vậy, các địa phương cần đặc biệt lưu ý đến công tác phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; phòng, chống lụt bão...

Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các huyện, thị xã phải coi xây dựng NTM là phong trào thi đua thiết thực nhất ở ngoại thành, lập thành tích chào mừng thành công đại hội đảng bộ các cấp. Các huyện, thị xã cần tích cực hơn nữa, vào cuộc với quyết tâm cao và quyết liệt. Muốn thế, cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền sâu rộng về chương trình này. Thành phố tập trung phấn đấu để 100% số xã hoàn thành NTM trong năm 2021, trong đó, năm 2020 phải đạt 20 xã.

Đối với phát triển nông nghiệp, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng giao Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) triển khai ngay gói hỗ trợ 700 tỷ đồng “kích cầu” nông nghiệp; triển khai phát triển chuỗi cung cấp rau, thịt của thành phố; tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển thị trường, tạo cơ hội mới cho kinh tế nông nghiệp. Các huyện, thị xã dựa trên tiềm năng, lợi thế của địa phương để xây dựng sản phẩm nông nghiệp đặc trưng; có giải pháp căn cơ, bền vững, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất... để bảo đảm tăng trưởng ngành Nông nghiệp đạt 4,12% năm 2020.

Đối với các huyện đăng ký hoàn thành NTM cần phấn đấu đến ngày 30/6/2020 hoàn thành thủ tục để UBND TP trình Trung ương công nhận. Trước mắt, 6 huyện, thị xã: Thanh Oai, Phúc Thọ, Thường Tín, Thạch Thất, Phú Xuyên, Sơn Tây phải nỗ lực đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM…

Đề cập đến việc nâng cao đời sống nông dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các địa phương phải tập trung vào tiêu chí môi trường, xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến công, tạo việc làm cho lao động nông thôn; đẩy nhanh tiến độ chương trình giảm nghèo; hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật…

Nhấn mạnh phát triển Chương trình OCOP nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu cấp ủy, chính quyền địa phương phải nâng cao vai trò trách nhiệm, hỗ trợ các sản phẩm nông sản, làng nghề của địa phương xây dựng OCOP. Sở NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Chương trình OCOP năm 2020 để đến cuối năm 2020, Hà Nội có 1.000 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng trên thị trường…/.

Trung Anh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực