Hoạt động của Tổ biên tập Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội XIII của Đảng

Thứ bảy, 14/12/2019 23:45
(ĐCSVN) – Tổ có trách nhiệm nghiên cứu và đưa ra được những phương hướng phát triển của đất nước thông qua những kiến nghị đột phá nhưng không phiêu lưu mà trên nền tảng cơ sở khoa học; đặc biệt là mọi việc đều đặt trong bối cảnh công nghệ thay đổi mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng khi những biến động trên thế giới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam.
leftcenterrightdel

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ trưởng Tổ biên tập kinh tế - xã hội trong Tiểu ban

(Ảnh: MPI) 

Tổ được thành lập và hoạt động theo Quyết định 150-QĐ/TW ngày 26/10/2018 về việc thành lập Tiểu ban kinh tế - xã hội Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Tổ biên tập của Tiểu ban kinh tế-xã hội là bộ phận chịu trách nhiệm chính trong việc “Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020), xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030); xây dựng Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội 5 năm (2016-2020), Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) trình Đại hội XIII của Đảng”.

Tổ biên tập đưa ra những phương hướng trên tinh thần bảo đảm môi trường hòa bình và ổn định cho đất nước; đồng thời phải giữ vững được chế độ và bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với xã hội. Đi cùng với các đột phá chiến lược mới, nhưng không phiêu lưu mà phải có cơ sở khoa học. Tất cả phải đặt trong bối cảnh cách mạng khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, bảo vệ môi trường và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

Tổ biên tập giao nhiệm vụ nghiên cứu các chuyên đề cho 58 đơn vị. Cụ thể là 3 Ban Đảng, 11 đơn vị của Quốc hội (09 Uỷ ban, Hội đồng Dân tộc và Kiểm toán Nhà nước); 29 Bộ, ngành; 10 viện, trường đại học, liên hiệp hội, hội và 6 địa phương.

Theo tinh thần từ Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - xã hội tại cuộc họp thứ nhất của Tiểu ban diễn ra ngày 9/11/2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan giúp việc, thường trực của Tiểu ban có trách nhiệm nghiên cứu kỹ, tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn chỉnh Chương trình tổng thể, lộ trình thực hiện; Kế hoạch triển khai và phân công trách nhiệm cụ thể các công việc liên quan; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban để đưa ra thảo luận, thống nhất tại cuộc họp Tiểu ban lần tới.

Theo đó, đồng chí Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư được phân công nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ biên tập kinh tế - xã hội, có các trách nhiệm sau:

Một là, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Thường trực Tiểu ban với thành phần gồm Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và phân công nhiệm vụ trong Thường trực Tiểu ban.

Hai là, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan cử người tham gia Tổ biên tập; báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ biên tập do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Tổ trưởng, thành viên là Đại diện lãnh đạo (cấp Thứ trưởng) của các Ban, Bộ, ngành Trung ương và Chủ tịch/Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh một số địa phương, đại diện các cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học và đại diện lãnh đạo bộ phận giúp việc của Tổ trưởng Tổ biên tập tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Chính phủ. Trong đó, quy định rõ nhiệm vụ cụ thể, cách thức làm việc, tổ chức Tổ biên tập, phân công thành các nhóm, mỗi nhóm gồm Trưởng Nhóm và các thành viên chịu trách nhiệm về một số lĩnh vực công tác và nhiệm vụ phù hợp. 

Ba là, xây dựng Quy chế hoạt động của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và Quy chế hoạt động của Tổ biên tập, trình Thủ tướng Chính phủ ký và đã ban hành, trong đó lưu ý phân công nhiệm vụ, quy định trách nhiệm của từng thành viên, tổ chức, cá nhân liên quan; xác định rõ yêu cầu công việc, sản phẩm, lộ trình thực hiện cụ thể./.

 

PV
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực