Những kinh nghiệm của Bộ đội Biên phòng trong phát triển vùng biên giới và hải đảo

Thứ sáu, 06/03/2020 11:08
(ĐCSVN) - Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm rất có ý nghĩa, góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân tộc, tôn giáo, miền núi, biên giới và hải đảo.

Bộ đội Biên phòng được giao là lực lượng chuyên trách quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và an ninh biên giới quốc gia. Hiện nay, nước ta có đường biên giới trên đất liền dài hơn 4.924,025km và chiều dài bờ biển 3.260km. Khu vực biên giới gồm 1.109 xã, phường, thị trấn, 235 huyện, thị thuộc 44 tỉnh, thành phố, dân số khoảng 2,3 triệu hộ, 9,5 triệu nhân khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm khoảng 15% với 51 thành phần dân tộc.

 Bộ đội Biên phòng luôn sát cánh cùng đồng bào các dân tộc nơi biên giới, hải đảo. (Ảnh: Lâm Hạnh)

Nghị quyết số 24 ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, góp phần từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới, những năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương, trực tiếp giao cho Bộ đội Biên phòng quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu góp phần thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, miền núi và biên giới, hải đảo. Kết quả được thể hiện ở các mặt sau:

Đấu tranh, ngăn chặn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo

Tham luận tại Hội thảo “Công tác thể chế và kết quả phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số” do Ban Dân vận Trung ương, Ủy ban Dân tộc phối hợp tổ chức mới đây, Cục Chính trị - Bộ đội Biên phòng nhận định, lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam là âm mưu chưa bao giờ thay đổi của các thế lực thù địch. Mục tiêu của chúng là trực tiếp phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ dân tộc đa số với dân tộc thiểu số, giữa các dân tộc thiểu số với nhau, giữa đồng bào theo tôn giáo khác nhau hòng làm suy yếu khối đại đoàn kết dân tộc.

Nhận thức được âm mưu, thủ đoạn, mục tiêu của các thế lực thù địch, những năm qua, Bộ đội Biên phòng phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể địa phương tập trung tuyên truyền, quán triệt quan điểm, chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước; về âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch cho đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới.

Tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc, tôn giáo bằng các chương trình, mô hình, phong trào giúp dân phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo; đồng thời phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, của người có uy tín trong đồng bào các dân tộc, tôn giáo tham gia phòng, chống lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch.

Tập trung chỉ đạo các đơn vị triển khai toàn diện các biện pháp công tác biên phòng; tăng cường công tác bám nắm địa bàn, tình hình, trọng tâm là âm mưu thủ đoạn của các phần tử xấu lợi dụng kích động lôi kéo, tuyên truyền thành lập “Vương quốc Mông”, phát triển đạo trái pháp luật.

Từ năm 2003 đến nay, Bộ đội Biên phòng đã tổ chức thực hiện 125 kế hoạch nghiệp vụ, xác lập 16 chuyên án đấu tranh, ngăn chặn hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo để phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Phát hiện, bắt giữ 197 đối tượng, thu giữ nhiều tài liệu, vô hiệu hóa 6 nhóm/112 đối tượng hoạt động thành lập “Nhà nước Mông”; ngăn chặn 1.540 người, bắt 110 vụ/850 đối tượng dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên; vô hiệu hóa 4 khung tổ chức, 6 điểm nhóm/gần 200 đối tượng cầm đầu, cốt cán phục hồi tổ chức FULRO, đưa 480 đối tượng liên quan hoạt động lợi dụng dân tộc, tôn giáo, buôn bán ma túy ra kiểm điểm trước nhân dân.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy, chính quyền địa phương và các ban, ngành, đoàn thể địa bàn nơi đóng quân, tình hình an ninh trật tự ở khu vực biên giới thời gian qua cơ bản ổn định. Nhân dân yên tâm lao động sản xuất, bám trụ nơi biên giới, tích cực cùng Bộ đội Biên phòng tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thường xuyên quan tâm địa bàn xung yếu, vùng đồng bào dân tộc, tôn giáo

Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã thống nhất với một số tỉnh, thành phố biên giới về chủ trương tăng cường cho mỗi xã biên giới đặc biệt khó khăn một cán bộ bộ đội biên phòng và lựa chọn các đồng chí đảng viên các tổ, đội công tác thuộc đồn biên phòng về sinh hoạt tạm thời tại các chi bộ thôn, bản ở khu vực biên giới. Đội ngũ cán bộ tăng cường có nhiệm vụ giúp địa phương xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng an ninh.

Từ năm 1999 đến nay, Bộ đội Biên phòng đã thường xuyên bố trí, luân chuyển hàng trăm lượt cán bộ tăng cường cho các xã biên giới, thời điểm nhiều nhất là 401 đồng chí. Hiện nay, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đang triển khai tăng cường 332 đồng chí cho các xã khó khăn ở khu vực biên giới, biển đảo. Nhiều cán bộ tăng cường đã trực tiếp tham gia các chức danh của hệ thống chính trị cơ sở và đã phát huy tốt, trong đó có 9 Huyện ủy viên, 13 Bí thư Đảng ủy, 227 Phó Bí thư Đảng ủy xã, 7 Chủ tịch, 4 Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và 1 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Cán bộ tăng cường đã góp phần tạo sự chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở chính trị thôn, bản, thay đổi lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ, duy trì tốt nền nếp sinh hoạt và nâng cao vai trò lãnh đạo của các chi, đảng bộ, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo ở cơ sở.

Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng đã giới thiệu 1.560 đảng viên ở các đồn biên phòng tham gia sinh hoạt đảng tạm thời tại các chi bộ thôn bản biên giới. Phân công 9.661 đảng viên các đồn biên phòng phụ trách 42.247 hộ gia đình ở khu vực biên giới để bám, nắm tình hình địa bàn và vận động nhân dân chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương, thực hiện các phong trào và mô hình giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Đội ngũ cán bộ tăng cường xuống địa bàn biên giới đã góp phần chuyển tải các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào; tham gia giúp đồng bào phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố quốc phòng, an ninh. Thông qua những việc làm trên đã góp phần củng cố mối quan hệ đoàn kết quân dân, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, tích cực cùng Bộ đội Biên phòng tham gia quản lý và bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Kết luận số 65-KL/TW ngày 30/10/2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX về công tác dân tộc yêu cầu: “Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân gắn với thế trận lòng dân vững chắc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chủ động nắm chắc tình hình, giải quyết những mâu thuẫn ngay từ cơ sở, kiên quyết không để xảy ra các “điểm nóng”, “điểm phức tạp” về an ninh trật tự, đặc biệt ở các địa bàn chiến lược Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung. Chủ động đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, buôn bán người, ma tuý, xâm phạm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở khu vực biên giới. Tăng cường quan hệ hợp tác, đoàn kết, hữu nghị giữa nhân dân vùng biên giới”.

Những kinh nghiệm sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 24

Cũng theo Báo cáo của Cục Chính trị - Bộ đội Biên phòng, trong quá trình 15 năm thực hiện Nghị quyết số 24 ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã rút ra được một số bài học kinh nghiệm rất có ý nghĩa, góp phần thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về công tác dân tộc, tôn giáo, miền núi, biên giới và hải đảo:

Một là, phải quán triệt nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương về vấn đề dân tộc và chính sách dân tộc; nhận thức đúng đắn về vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, quản lý và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Hai là, thường xuyên làm tốt vai trò tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng để huy động và phát huy sức mạnh tổng hợp của quần chúng nhân dân trong quản lý, bảo vệ biên giới, giữ gìn an ninh trật tự và xây dựng khu vực biên giới vững mạnh.

Ba là, trong thực hiện công tác dân tộc phải tiến hành phương châm 3 bám ( bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách) ; 4 ( cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào)  để thực sự gần dân, sát dân, hiểu dân; phải thực tâm, thực chất và xuất phát từ lợi ích thiết thực của quần chúng nhân dân; thường xuyên đổi mới hình thức, phương pháp, đa dạng hóa nội dung công tác phù hợp với tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ ở từng đơn vị.

Bốn là, tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo ở khu vực biên giới, gắn với quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Năm là, làm tốt công tác sơ, tổng kết các nghị quyết, đề án, quyết định, chính sách về công tác dân tộc, từ đó rút kinh nghiệm, đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện tiếp theo./.                                       

Trần Quỳnh
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực