Sẵn sàng các giải pháp đồng bộ phòng, chống thiên tai

Thứ sáu, 22/05/2020 13:28
(ĐCSVN) - Trước tình hình thiên tai đang có diễn biến theo hướng cực đoan, bất thường thì việc sẵn sàng các giải pháp, từ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đến hiện đại hệ thống cảnh báo, chuẩn bị các kịch bản ứng phó… là những việc làm cần thiết.
leftcenterrightdel

 Thiên tai đang có diễn biến theo hướng cực đoan, bất thường
(Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: HNV).

Thiên tai tiếp tục diễn biến phức tạp

Năm 2019, trong nước ghi nhận thiên tai không diễn ra dồn dập và khốc liệt, tuy nhiên, lại mang nhiều yếu tố cực đoan, dị thường trên khắp các vùng miền cả nước. Trong đó, đã xảy ra 16/21 loại hình thiên tai với 12 trận rủi ro thiên tai cấp độ 3 (8 cơn bão và 4 áp thấp nhiệt đới). Ngoài ra, còn có 222 trận dông, lốc sét; 10 trận lũ quét, sạt lở đất; 4 đợt rét đậm, rét hại; triều cường, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển tại nhiều khu vực ở Đồng bằng sông Cửu Long,… 

Trong đó, nhiều trận thiên tai điển hình có thể kể đến như: Mưa lớn trên 400 mm vào ngày 3/8/2019 gây lũ quét tại bản Sa Ná, xã Na Mèo, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hoá. Triều cường vượt lịch sử kết hợp với gió mùa Đông Nam mạnh vào đầu tháng 8/2019 gây nước dâng và sóng cao trên 3m, làm tràn đỉnh đê biển Tây, tỉnh Cà Mau. Mưa lớn lịch sử gần 1.200 mm tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) từ ngày 1 - 9/8; trên 700 mm/24h tại thành phố Vinh (Nghệ An) trong tháng 10/2019 gây ngập lụt nghiêm trọng. Lũ lớn (trên BĐ3, 1m) trong tháng 9/2019, trên diện rộng từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Đồng thời, sạt lở tại Đồng bằng sông Cửu Long với 623 điểm/chiều dài 921 km (tăng 61 điểm/135 km so với năm 2018).

Mặc dù thiên tai năm 2019 có nhiều diễn diễn phức tạp, song thiệt hại đã được giảm thiểu, đặc biệt là về người. Ước tổng thiệt hại về kinh tế trên 7.000 tỷ đồng.

Từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến cực đoan, bất thường. Trên cả nước đã xảy ra nhiều đợt dông lốc, mưa đá diện rộng; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tính đến hết tháng 4/2020, thiên tai đã làm 11 người chết, mất tích, trên 44.000 nhà bị sập đổ, hư  hại, tốc mái. Tổng thiệt hại về kinh tế gần 3.183 tỷ đồng.

Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc

Chung tay cùng phòng chống thiên tai, cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương, người dân đã cùng nỗ lực để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra.

Ngày 11/5/2020 mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có Thư gửi đồng bào và chiến sỹ cả nước nhân Kỷ niệm 74 năm Ngày truyền thống phòng, chống thiên tai (22/5/1946-22/5/2020); Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trước đó, trong năm 2019, Tuần lễ quốc gia về Phòng chống thiên tai được tổ chức với nhiều hoạt động thiết thực tại hầu hết các địa phương trên cả nước. Đặc biệt, Lễ phát động hưởng ứng Tuần lễ quốc gia Phòng chống thiên tai tại TP. Hải Phòng quy mô lớn do Phó Thủ tướng - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Trịnh Đình Dũng chủ trì.

Với các cơ quan dự báo quốc gia, đã có nhiều phát triển cả về hệ thống dự báo cũng như nâng cao chất lượng, tiến độ cung cấp thông tin, nhất là dự báo vị trí và cường độ bão đã dần tiệm cận với dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Các đợt mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn đã được dự báo, cảnh báo sớm. Thông qua các hệ thống báo, đài phát thanh, truyền hình Trung ương, địa phương, mạng điện thoại di động, mạng xã hội, công cụ truyền thanh cơ sở bằng nhiều thứ tiếng dân tộc,… góp phần quan trọng nâng cao nhận thức cũng như cung cấp thông tin về dự báo, cảnh báo, chỉ đạo điều hành, khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng đến cộng đồng.

Đặc biệt, các địa phương, đã chủ động triển khai, hành động quyết liệt đến tận cấp cơ sở trong ứng phó với các đợt thiên tai lớn; tập trung chỉ đạo nâng cao năng lực của lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai. Bên cạnh đó, một số địa phương đã tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, vật tư, phương tiện chuyên dùng, bước đầu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ hỗ trợ, tham mưu ra quyết định chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai các cấp. Tiêu biểu là các địa phương: Lào Cai, Bắc Ninh, Hải Phòng, Nam Định, Thanh Hóa, Thừa Thiên-Huế,…

Cùng với người dân, lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ đã phát huy vai trò quan trọng chủ công trong công tác ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Trong năm 2019, đã cùng các Bộ, ngành, địa phương huy động 207.642 lượt cán bộ, chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và 7.062 lượt phương tiện tham gia ứng phó với thiên tai. Tổ chức sơ tán 18.433 hộ dân trong các tình huống thiên tai đến nơi an toàn.

Ngay sau các đợt thiên tai, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có hướng dẫn đôn đốc các địa phương rà soát tổng hợp thiệt hại. Các địa phương huy động các nguồn lực để khắc phục hậu quả thiên tai, cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên gia đình có người bị nạn. Đồng thời, hỗ trợ lương thực, giống cây trồng, vật nuôi, khôi phục cơ sở hạ tầng, sản xuất. Nhiều địa phương tái thiết sau thiên tai gắn với sinh kế bền vững như tại: Mường La (tỉnh Sơn La), Mù Căng Chải (tỉnh Yên Bái), Quan Sơn (tỉnh Thanh Hoá).

Sẵn sàng các giải pháp đồng bộ

Nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, từ nay đến cuối năm 2020, dự báo sẽ xuất hiện khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển Đông. Trong đó, có khoảng 5-6 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền. Bão tập trung nhiều ở khu vực Trung Bộ và phía Nam trong những tháng nửa cuối năm 2020. Đồng thời, theo nhận định của một số chuyên gia và số liệu thống kê thực tế, sau hạn hán kỷ lục sẽ xảy ra mưa đặc biệt lớn.

Để ứng phó với tình hình trên, theo Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, cần khẩn trương kiện toàn cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai. Rà soát, điều chỉnh quy chế hoạt động, phân công rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng thành viên để bảo đảm hiệu quả hoạt động của cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp; đồng thời, cập nhật, hoàn thiện kịch bản phương án ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, nhân lực để ứng phó kịp thời, nhất là các tình huống bão muộn trên Biển Đông đổ bộ vào khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ, mưa lũ lớn sau thời gian hạn hán kéo dài như dự báo của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và kinh nghiệm của nhiều chuyên gia.

Tổ chức đào tạo, tập huấn cho lực lượng làm công tác phòng chống thiên tai và cộng đồng bằng các hình thức phong phú, dễ áp dụng. Nâng cao năng lực tham mưu, chỉ đạo điều hành, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống cơ quan chỉ đạo, chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp. Đặc biệt, cần tập trung nâng cao chất lượng công tác dự báo, cảnh báo; trong đó, cần nâng cao năng lực đội ngũ làm công tác dự báo và phòng chống thiên tai các cấp; bổ sung các trạm quan trắc khí tượng thủy văn, hiện đại hóa công nghệ dự báo.

Tại các địa phương, cần khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai những tháng đầu năm 2020. Thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào các chương trình, hoạt động của các cấp, đoàn thể tại địa phương./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực