Ngày 20/12, tại Hà Nội, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tổ chức Lễ Mừng thọ các vị hội viên cao tuổi và trao giải thưởng Văn nghệ dân gian năm 2019.
Năm nay, Văn phòng Hội nhận được 77 công trình. Hội đồng Sơ khảo đã loại ra 5 công trình phạm quy (Công trình dự giải không đủ dung lượng hoặc đã quá hạn). Các công trình đưa vào xét giải phân bố trên các lĩnh vực: Ngữ văn 22 công trình; Phong tục tập quán 33 công trình; Nghệ thuật biểu diễn 9 công trình; Nghệ thuật tạo hình 3 công trình; và Tri thức dân gian 5 công trình. Hội đồng Giám khảo đã chọn ra 2 Giải Nhì A (không có giải Nhất), 12 Giải Nhì B, 21 giải Ba A, 18 giải Ba B và 5 giải Khuyến khích. Trong đó, 2 Giải Nhì A thuộc về công trình "Tìm hiểu truyện thơ dân gian Việt Nam" của tác giả Triều Nguyên và "Hệ thống Tam phủ - Tứ phủ trong tư liệu văn bản và thực hành tín ngưỡng của người Kinh và một số tộc người thiểu số miền núi phía Bắc" do TS Chu Xuân Giao làm chủ biên.
Theo GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, trong số các công trình đã xuất hiện những công trình có tính chất tổng kết hoặc giải mã từ góc tiếp cận lý luận. Điển hình là công trình "Tìm hiểu truyện thơ dân gian Việt Nam của Triều Nguyên". Công trình đã đưa ra nhận xét là chúng ta đã có một hệ thống truyện thơ dân gian. Ngoài ra, tác giả cũng bàn đến một vài đặc điểm chung, ví dụ: Liệu cốt truyện có hậu, có phải là đặc trưng phổ biến của truyện thơ hay không? Một câu hỏi khác cũng được đặt ra: Người Chăm có thơ 6 – 8 không và liệu đó có phải là nguyên mẫu cho thơ 6 - 8 Việt Nam hay không?
|
|
Hai tác giải nhận giải Nhì A. (Ảnh: VH) |
Hay như công trình "Hệ thống Tam phủ - Tứ phủ trong tư liệu văn bản và thực hành tín ngưỡng của người Kinh và một số tộc người thiểu số miền núi phía Bắc" của một nhóm gồm 7 tác giả, trong đó có tên một người Nhật Onishi Kazuhiko do TS Chu Xuân Giao làm chủ biên. Công trình dày dặn và rất công phu, đã dẫn ra một quá trình chuyển đổi từ bộ Tam sang bộ Tứ, từ Pháp sang Vị, từ Nam sang Nữ, đồng nhất và dị biệt. Từ đó, công trình bàn về nội hàm của tên gọi Tín ngưỡng Tam - Tứ phủ và đề xuất một số kiến nghị và chức năng của các hoạt động thực hành. Ngoài ra, công trình còn nhắc đến những tương đồng trong thế giới quan và vũ trụ quan của các hoạt động tương tự ở một số dân tộc người thiểu số miền Bắc.
Ngoài ra, còn một vài công trình tuy chưa sâu nhưng cũng đã bước vào địa hạt của tư duy lý luận, có thể kể đến công trình So sánh dân ca trữ tình sinh hoạt của người Tày và người Thái ở Việt Nam; Nghiên cứu một số đặc điểm nội dung và nghệ thuật của truyện cổ dân gian các dân tộc thiểu số Lào Cai; Truyện cổ dân gian có yếu tố Phật giáo ở Việt Nam và Myanmar - Nghiên cứu theo hướng tiếp cận bối cảnh; Thần thoại học và thần thoại Việt Nam đa tộc người...
Các công trình sưu tầm cũng có những nét mới là: Tuân thủ tiêu chí ghi lại tuyệt đối trung thực với lời kể của nghệ nhân. Bản dịch song ngữ từ các công trình có tiếng dân tộc chú trọng việc sát nghĩa của bản chính, tránh tối đa tình trạng Việt hóa. Tuy nhiên, vẫn còn thói quen “biên tập văn học” mà thực chất cũng là một dạng “Việt hóa” văn bản theo những chuẩn mực của tiếng Việt, ở một vài công trình sử thi Tây Nguyên.
GS. TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, nhìn chung các công trình văn nghệ dân gian đang có sự dịch chuyển nhiều từ các công trình có tính chất sưu tầm sang tính chất nghiên cứu có tính lý luận. Đây là hướng đi tốt trong bối cảnh việc sưu tầm được Hội đặt ra mấy chục năm và đã đạt được thành tựu nhất định, và đòi hỏi thời gian tới cần đặt trong tâm vào nghiên cứu chuyên sâu.
Cũng tại buổi lễ, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã tổ chức mừng thọ cho 38 hội viên cao tuổi, trong đó có 7 hội viên tại Hà Nội./.