Hội thảo khoa học “Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ”

Thứ năm, 10/01/2013 08:29

(ĐCSVN)- Ngày 9/1, tại thành phố Quy Nhơn (Bình Định), Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Viện Sử học cùng UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Hội thảo khoa học “Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ”, với sự tham dự của đông đảo các nhà nghiên cứu và người quan tâm.

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thị Phương Chi (Viện Sử học) cho biết: Chính sử triều Nguyễn “Đại Nam thực lục” có mật độ rất cao viết về Lê Đại Cang (còn gọi là Lê Đại Cương) với trên 130 đoạn. Trong hơn 40 năm quan trường, có 2 lần bị cách chức, ông gắn bó chủ yếu với việc trị thủy khu vực Bắc Thành (Hà Nội ngày nay) cùng các tỉnh lân cận và việc hộ quốc an dân, dẹp loạn ở các trấn miền biên viễn cực Nam.

 

Hội thảo khoa học “Lê Đại Cang - Tấm gương kẻ sĩ”


Nhà văn Hoàng Quốc Hải phát biểu cho biết: Nhà văn đặc biệt ấn tượng ở chỗ Lê Đại Cang sau lúc cáo quan về quê, lập chùa Giác Am, xưng hiệu là Giác Am cư sĩ. Lúc về, hành trang của ông không có gì đáng giá; quý nhất là thanh đại long đao và chiếc đòn khiêng võng mà ông đã dùng trong giai đoạn bị cách chức quan làm lính khiêng võng. Ông còn viết di chúc dặn con cháu không được ra làm quan.

Lê Đại Cang là bậc nho sĩ, thân là quan văn, nhưng đồng thời cũng là bậc chân tài võ học. Ông thấy việc nghĩa thì làm mà không nề gian khó và nguy hiểm đến bản thân. Ngoài bộ chính sử “Đại Nam thực lục”, các sử sách khác đều rất ít nhắc tới Lê Đại Cang, ngay cả tư liệu sử tại những nơi ông từng làm việc cũng rất ít nhắc tới. Điều này đã làm cho những đánh giá về ông vẫn chưa mang tính toàn diện, thống nhất. Tuy nhiên, theo các cứ liệu có được, các học giả, nhà nghiên cứu hiện nay đều thống nhất và đi đến những đánh giá cụ thể về sự nghiệp và nhân cách Lê Đại Cang.

Ông sinh năm 1771 tại làng Luật Chánh, xã Phước Hiệp, huyện Tuy Phước (Bình Định), tự là Thống Thiện, hiệu là Kỳ Phong. Ông bắt đầu làm quan từ năm đầu vua Gia Long (1802), trải qua các đời vua Minh Mệnh, Thiệu Trị, từng giữ chức Thiêm sự Bộ binh, giữ việc từ chương ở Bắc Thành, Hiệp trấn Sơn Tây, Cai bạ ở Quảng Nam và Vĩnh Long, Hữu tham tri Hình bộ kiêm quản lý đê chính Bắc Thành, Tuần phủ An Giang – Hà Tiên, Trấn Tây Tham tán đại thần, lĩnh ấn bảo hộ nước Chân Lạp…

Trong thời gian làm quan, Lê Đại Cang đã xây dựng mới 11 công trình trị thủy, sửa chữa 7 công trình khác, tất cả đều là những đại công trình. Tháng 5/1829, vì đê điều bị vỡ, Lê Đại Cang bị giáng chức làm anh lính dõng (lính khiêng võng) nhưng chỉ đến tháng 8 cùng năm đã được khôi phục phẩm hàm. Tháng 7/1830, ông lại bị giáng cấp, nhưng cũng chỉ 2 tháng sau lại được khôi phục phẩm hàm. Trong thời gian làm Tuần phủ, Trấn Tây Tham tán, bảo hộ nước Chân Lạp, Lê Đại Cang còn tổ chức binh cơ, huấn luyện quân sĩ chiến đấu, giành lại đất đai mất vào tay quân Xiêm.

Tháng 10/1842, ông cáo quan về quê với 2 vật phẩm quý giá là thanh đại long đao và cây đòn khiêng võng, ông sống và rèn dạy con cháu theo các bậc nho sĩ, xây dựng từ đường, viết gia phả họ Lê, lập ra Văn chỉ Tuy Phước, kích thích truyền thống hiếu học... Sau khi ông mất (1847), cây đại đao linh thiêng được tộc họ đem bỏ xuống vực ông Đô gần nhà. Còn đòn khiêng võng là vật gia truyền răn dạy con cháu tộc họ Lê về phẩm hạnh, nhân cách sống và chí khí của bậc kẻ sĩ, đã được bàn giao cho Bảo tàng tổng hợp Bình Định lưu giữ.

Theo GS. Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc: Điều đặc biệt là trong các lần bị giáng cấp, thân bị làm anh lính dõng nhưng Lê Đại Cang vẫn giữ vững khí khái hiên ngang, bản lĩnh của một bậc chí sĩ, coi thường danh lợi, phú quý không thể cám dỗ, nghèo khó không thể thay đổi, uy vũ không thể khuất phục; khi gặp thời, thành công không đắc chí; lúc sa cơ, thất bại không nản lòng, biết đứng dậy từ nơi vấp ngã, luôn ung dung tự tại để thấy vinh trong nhục, thấu phúc trong họa… Qua đó, Lê Đại Cang được nể trọng đặc biệt không chỉ vì có sự nghiệp lớn mà chính yếu nằm ở nhân cách lớn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực