Vượt lên những thăng trầm, một lòng vì nước vì dân
Thời gian gần đây, nhân câu chuyện một vài trí thức - đảng viên có dấu hiệu suy thoái, “tự diễn biến", "tự chuyển hóa”, một số người đã đưa ra vấn đề “đâu là trí thức chân chính” để lập lờ khái niệm và tự nhận là trí thức chân chính, vì họ “đứng về phía nhân dân”, “vì dân vì nước”. Tuy nhiên, họ quên mất một điều, nếu nhìn từ những tấm gương lịch sử, các danh nhân - trí thức yêu nước chưa bao giờ xao nhãng bổn phận trách nhiệm của mình trước gia đình, xã hội và đất nước. Vì lẽ đó, không bao giờ những kẻ cơ hội chính trị, “cõng rắn cắn gà nhà” được coi là những kẻ sĩ - trí thức chân chính.
Nhìn lại lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta có thể thấy, trong mỗi giai đoạn đều có những tấm gương yêu nước, thương dân, kiên cường chống giặc ngoại xâm. Đó chính là những bậc đại trí thức nổi tiếng như Nguyễn Trãi, Lê Quý Đôn, Nguyễn Đình Chiểu, Huỳnh Thúc Kháng…
Nguyễn Trãi, vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới là một số phận vinh quang và nhiều cay đắng nhưng cũng là tấm gương về bản lĩnh người trí thức trước những thăng trầm, biến cố của thời đại và của bản thân. Ông từng xót xa cho thân phận người trí thức phong kiến: “Xưa nay người biết chữ thường lắm lo âu và hoạn nạn. Ông già Tô Đông Pha nói thế và tôi cũng nói thế”. Tuy nhiên, vượt lên những kỳ thị nhỏ nhen và cả những sai lầm, yêu ghét của triều đình, Nguyễn Trãi luôn đau đáu những câu hỏi lớn: Làm gì đây để giúp ích cho nhân dân? Nhân dân bao giờ có cuộc sống no ấm an vui? Những ưu hoạn của nhân dân ngày đêm thôi thúc Nguyễn Trãi suy tư để tìm ra con đường đuổi giặc cứu nước. Ông đã đem hết trí tuệ, tâm huyết, tài năng cùng Lê Lợi và nghĩa quân Lam Sơn giành lại đất nước. Ông quan niệm: “Trừ độc, trừ tham, trừ bạo ngược. Có nhân, có trí, có anh hùng” (Bảo kính cảnh giới số 132). Bằng hai câu thơ của ông vừa khái quát quy luật của chủ nghĩa anh hùng, vừa nêu lên trách nhiệm, bản lĩnh của bậc trí thức:
“Bui có một lòng trung lẫn hiếu
Mài chăng khuyết, nhuộm chăng đen”.
Trong lịch sử dân tộc, Lê Quý Đôn không chỉ nổi danh là một nhà bác học uyên bác mà còn là một vị quan đa tài, gần dân nhưng cũng không ít thăng trầm. Có lúc, ông dâng sớ xin thiết lập pháp chế, vì thấy một số quan lại lúc bấy giờ "đã quá lạm dụng quyền hành, giày xéo lên pháp luật", nhưng không được chúa nghe, ông từng chán nản xin nghỉ hưu về quê “đóng cửa viết sách”. Tuy nhiên, sau đó, được triều đình mời trở lại, ông lại tiếp tục cống hiến hết mình. Sau này, ông nhiều lần được thăng, giáng chức nhưng tấm lòng vì dân, vì nước của ông không thay đổi, nhạt phai. Lê Quý Đôn cho rằng, nếu người trí thức chỉ sống vì miếng cơm manh áo thì quá lắm họ chỉ biết leo lên bậc thang cao nhất của trật tự xã hội. Ông luôn lo âu trước cảnh khổ dân nghèo: “Xanh xanh dương liễu nhớ quê nhà. Đêm lạnh tàn canh chẳng ngủ được” (Trụ sinh kế). Khác với những nhà nho vốn xa rời nhân dân thoát ly thực tế Lê Quý Đôn luôn bám sát đời sống xã hội cố gắng biết rộng, nghe nhiều; luôn suy nghĩ làm thế nào để giúp nước, giúp dân.
Coi trọng trí thức nào?
Trí thức là tầng lớp tinh hoa của xã hội, là lực lượng quan trọng của cách mạng và nằm trong liên minh công - nông - trí thức nên Đảng, Nhà nước ta luôn đề cao, tạo điều kiện tốt nhất để phát huy vai trò đội ngũ trí thức. Nhưng quan điểm của Đảng, Nhà nước ta cũng rất rõ ràng khi đánh giá về những trí thức chân chính. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng viết: “Cố nhiên Đảng và Chính phủ rất quý trọng trí thức. Nhưng bây giờ thử hỏi quý trọng trí thức nào? Quý trí thức chịu khó, chịu khổ kháng chiến, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân như các cụ, các anh chị em ở đây. Nhưng đối với bọn đội lốt trí thức vì bơ sữa mà quên cả Tổ quốc, nhân dân, làm ô danh trí thức có nên coi trọng không? Đảng và Chính phủ cố nhiên không coi trọng bọn đội lốt trí thức theo giặc, có tội với nhân dân… Nước còn hay mất, dân tộc thịnh hay suy, Tổ quốc hưng hay vong không biết, cứ an tâm đi làm nô lệ cho nó, chỉ biết “duy hữu độc thư cao”. Anh chị em trí thức phải xét mình cho kỹ, để tẩy cho sạch nọc độc của thực dân và phong kiến.”
Như vậy, ngay từ những ngày đầu của chính quyền cách mạng non trẻ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận ra và cảnh báo nguy cơ trí thức bị các thế lực thù địch lôi kéo, mua chuộc. Người cũng cảnh báo những kẻ đội lốt trí thức, làm ô danh trí thức. Vì thế, Người dặn dò đội ngũ trí thức: “Các bạn là bậc trí thức. Các bạn có cái trách nhiệm nặng nề và vẻ vang, là làm gương cho dân trong mọi việc. Dân ta đã đấu tranh một cách rất dũng cảm. Lẽ tất nhiên giới trí thức phải hy sinh đấu tranh, dũng cảm hơn nữa, để làm gương cho nhân dân”.
Sáng ngời bản lĩnh trí thức chân chính
Đáp lời kêu gọi đoàn kết toàn dân tộc và trọng dụng hiền tài của Hồ Chí Minh, nhiều trí thức lớn đã một lòng, một dạ theo Đảng, theo Bác cống hiến, hy sinh cho cách mạng, tiêu biểu như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa…
Trong đó, tấm gương Thiếu tướng, Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, người được Bác Hồ gọi là “đại trí thức” có thể coi là một biểu tượng sáng ngời về bản lĩnh, nhân cách trí thức Việt Nam. Từ cậu học trò nghèo sang Pháp du học, ông vào học ngành cầu-đường, rồi ngành hóa học, tại Đại học Sookbors (Pháp), trường nổi tiếng thế giới. Ra trường, có thời gian ông sang Đức làm việc cho một hãng chế tạo máy bay với mức lương 22 lạng vàng/tháng. Nhưng hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ, ông quyết định từ bỏ chức vụ kỹ sư trưởng ở Hãng nghiên cứu chế tạo máy bay Concord để về nước. Ngày 30/4/1975, khi nước nhà thống nhất, ông có ghi vào cuốn sổ tay của mình: “Đã hoàn thành nhiệm vụ”. Đó là nhiệm vụ cứu nước, cứu dân mà ông từ bỏ cuộc sống phồn hoa trên đất Pháp để theo Bác Hồ trở về Tổ quốc. Lúc sinh thời Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa từng nói: “Bạn bè của tôi ở lại bên Pháp, họ đều sung sướng, đầy đủ hơn tôi rất nhiều. Nhưng về khía cạnh phụng sự Tổ quốc, họ chẳng có gì cả”.
Bác Hồ với Giáo sư Trần Đại Nghĩa (Ảnh tư liệu) Một trí thức khác cũng rất nổi tiếng đã giữ được bản lĩnh đáng trân trọng của mình dù cá nhân ông đã trải qua không ít thăng trầm, thiệt thòi. Đó Giáo sư, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường (1909 - 1997), một trong những người trí thức Việt Nam thông minh siêu việt, một nhà sư phạm mẫu mực giàu tài năng. Năm 22 tuổi, là học sinh Việt Nam du học trên nước Pháp, ông đã lập nên kỷ lục làm chấn động nước Pháp: Trong một năm lấy luôn hai bằng Tiến sĩ Quốc gia Văn khoa và Luật khoa.
Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, Luật sư Nguyễn Mạnh Tường được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Đoàn đại biểu Việt Nam dự Hội nghị Đà Lạt nhằm ngăn chặn âm mưu tái chiếm thuộc địa của thực dân Pháp. Với tầm kiến thức rộng lớn, năm 1952, ông tham gia vào các đoàn đại biểu của Chính phủ kháng chiến dự Hội nghị Bảo vệ Hòa bình ở Bắc Kinh (Trung Quốc) và Đại hội Hòa bình Thế giới ở Vienna (Áo). Sau đó, ông làm Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Luật gia Dân chủ Thế giới ở Bruxelles, Bỉ (1956). Lập luận và trí thức uyên thâm của Nguyễn Mạnh Tường đã góp phần làm cho thế giới biết đến một Việt Nam kháng chiến, kiên cường và trí tuệ... Ông còn tham gia đào tạo trí thức phục vụ kháng chiến tại Trường dự bị đại học Liên khu IV tại Thanh Hóa, Phó giám đốc (nay là Phó hiệu trưởng) Trường Đại học Sư phạm Văn khoa (nay là Trường Đọc sư phạm Hà Nội) khi miền Bắc mới giải phóng. Trong bối cảnh bấy giờ, người Pháp vẫn muốn lôi kéo ông Nguyễn Mạnh Tường. Sau này, vì nhiều lý do, Nguyễn Mạnh Tường phải chịu nhiều thiệt thòi nhưng ông vẫn kiên định bản lĩnh một trí thức yêu nước chân chính. Năm 1989, ông được học trò và người thân mời trở lại thăm nước Pháp vào đúng lúc Đông Âu đang xảy ra biến cố. Phóng viên Báo Le Monde đã phỏng vấn ông. Khi phóng viên đặt câu hỏi: Ngài thấy chủ nghĩa cộng sản bây giờ thế nào? Ông đã trả lời: “Trước hết các ông đừng lẫn lộn chủ nghĩa cộng sản, mà nhiều trí thức Pháp đã coi là hy vọng cuối cùng của loài người, với những người đã thực hiện nó”. Khi được hỏi liệu Việt Nam có như Đông Âu không, ông thẳng thắn: “Đảng Cộng sản Việt Nam cũng có những sai lầm, nhưng không ai quên công lớn của Đảng đã lãnh đạo nhân dân giành lại độc lập, thống nhất, giải phóng dân tộc”. Những phát ngôn đó càng khiến nhiều người cảm phục bản lĩnh, nhân cách của Luật sư Nguyễn Mạnh Tường.
Câu chuyện về bản lĩnh của đội ngũ trí thức Việt Nam một lần nữa cho chúng ta thêm bài học từ những tấm gương. Khi người trí thức đặt hết tài năng và trí tuệ vào vận mệnh và tiền đồ của Tổ quốc, vượt lên những thị phi và cơm áo đời thường, quyết không để kẻ xấu lôi kéo thì họ chẳng những khẳng định được phẩm giá mà còn luôn lan tỏa tiếng thơm. Đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa người trí thức chân chính với những kẻ cơ hội chính trị, nhân danh đổi mới để đi ngược lại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Hiện nay, thật đáng buồn khi vẫn còn một số ít trí thức đang ngộ nhận mục tiêu lý tưởng. Họ tự cho mình là cấp tiến, yêu nước, thương dân nhưng lại bị kẻ xấu kích động, lôi kéo, “lợi dụng”. Họ nói, viết và làm những điều có hại cho lợi ích cộng đồng, lợi ích dân tộc. Một bộ phận mơ hồ về chính trị, giảm sút niềm tin con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; cực đoan chính trị; phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nói xấu Đảng, chống đối chế độ, xúc phạm đến lãnh tụ, anh hùng dân tộc...
Đối với mỗi con người, bản lĩnh là tố chất cần thiết quyết định sự vững vàng, tính kiên định, sự độc lập chủ động trong hành động trước mọi hoàn cảnh, nhất là trước những khó khăn, thử thách của cuộc sống. Đó là một bản chất sống có tính tổng hợp của con người xã hội, tạo nên hệ “miễn dịch” trước những biến cố của thời đại và của bản thân; tạo nên cách ứng xử “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, để người trí thức luôn giữ được chân giá trị của mình. Ôn cố để tri tân, mỗi trí thức cần nhìn nhận và xây dựng cho mình bản lĩnh trong dòng chảy thời cuộc bằng tri thức và kinh nghiệm, trải nghiệm và cả sự nhìn nhận từ những tấm gương trí thức trong lịch sử dân tộc/.