Bài 2: Hàng loạt công trình chống ngập còn dang dở

Thứ sáu, 26/06/2020 12:47
(ĐCSVN) - Để giải quyết bài toán này, buộc TP.Hồ Chí Minh phải khẩn trương triển khai các dự án chống ngập. Trong khi đó, nhiều dự án sau một thời gian thi công đã phải tạm ngưng vì nhiều lý do, trong đó nguyên nhân chủ yếu liên quan đến vốn, giải phóng mặt bằng...

Bài 1: TP. Hồ Chí Minh loay hoay chống ngập

Nhiều dự án chống ngập lỗi hẹn...

Theo thông tin từ Ban quản lý dự án đầu tư hạ tầng đô thị (Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh), hiện dự án cải tạo hệ thống thoát nước khu vực chợ Thủ Đức như đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Kha Vạn Cân... đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự kiến các dự án này sẽ được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 31/10 và sẽ khởi công trong năm 2021.

Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Bàu Cát (quận Tân Bình) dự kiến quý IV /2020 sẽ khởi công. Ngoài ra, cải tạo kênh Hi Vọng (quậnTân Bình) để giải quyết ngập cho khu vực sân bay Tân Sơn Nhất cũng đã nhiều lần được đề cập nhưng nay mới được Sở Xây dựng TP chuẩn bị thủ tục trình xin chủ trương đầu tư công.

 Nhiều dự án vẫn lỡ hẹn với người dân TP.Hồ Chí Minh.

Còn với đường Lê Đức Thọ và Phạm Văn Chiêu (quận Gò Vấp), Sở Giao thông Vận tải đã chấp thuận vị trí xây dựng hướng tuyến và đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi; dự kiến sẽ khởi công cải tạo hệ thống thoát nước vào năm 2021.

Bên cạnh đó, Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Tân Quý, quận Tân Phú (từ Gò Dầu đến Tân Hương), dự kiến sẽ khởi công trong quý III/2020 và hoàn thành trong quý IV/2020.

Ngoài ra còn có Dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Bạch Đằng (từ đường Xô Viết Nghệ Tĩnh đến cầu mới Bạch Đằng, quận Bình Thạnh) cũng được khởi công và sẽ phấn đấu hoàn thành năm 2021.

Cũng theo báo cáo của Sở Xây dựng TP, một số công trình cải tạo kênh rạch  tăng khả năng thoát nước cũng đang rơi vào tình trạng chậm triển khai vì chờ vốn. Đó là Dự án xây dựng chỉnh trang rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật. Rạch Xuyên Tâm là hệ thống các con rạch liên thông nhau gồm: rạch Cầu Bông, rạch Cầu Sơn, rạch Long Vân Tự, rạch Lăng…

Cùng với đó, để chống ngập hiệu quả, UBND TP. Hồ Chí Minh đã chấp thuận triển khai dự án ngăn triều quy mô gần 10.000 tỷ đồng do Trung Nam Group làm chủ đầu tư. Đây là dự án đầu tư lớn, không chỉ về tiền của mà còn là niềm tin, sự kỳ vọng của lãnh đạo Trung ương, chính quyền và nhân dân TP. Hồ Chí Minh. 

Thế nhưng, dự án chống ngập này lại một lần nữa bị trễ hẹn. Được khởi công từ giữa năm 2016 nhưng đến nay, dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động dù đã quá thời gian giao ước trong hợp đồng là vào tháng 4/2018. Tiếp đó, chủ đầu tư “hứa hẹn” thời gian hoàn thành lần lượt trong tháng 6/2019, cuối năm 2019  và gần đây nhất là vào tháng 10/2020.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng giám đốc Trung Nam Group cho biết, nguyên nhân khiến dự án chậm tiến độ là vướng giải phóng mặt bằng, các khiếu nại của liên danh tư vấn giám sát hợp đồng về thiết kế cơ sở, thay đổi thép vật liệu cửa van cũng như quy trình triển khai dự án theo hợp đồng BT, việc giải ngân vốn, thanh, kiểm tra của cơ quan chuyên ngành… Cho đến nay, dự án thi công phần xây dựng đạt khoảng 77%, tổng giá trị thực hiện dự án đạt 67%.

Nhiều nơi cứ mưa xuống là nước ngập thành sông.

Dự án này được kỳ vọng sẽ kiểm soát ngập do triều cường, chống nước tràn do lũ từ thượng nguồn cũng như ngăn triều cường và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Đồng thời, dự án sẽ bảo vệ 1.600 ha đất đô thị với dân số khoảng 25.000 người thuộc phía bờ tả sông Sài gòn (đoạn từ rạch Cầu Ngang đến Khu đô thị mới Thủ Thiêm). Nhưng một lần nữa, dự án lại lỡ hẹn với người dân TP vào đúng thời điểm mùa mưa.

Những giải pháp tạm thời chống ngập

Để giải quyết tình trạng ngập cho TP, hàng loạt dự án với chi phí hàng chục nghìn tỷ đồng đã được triển khai nhưng mức độ hiệu quả dường như vẫn đang chờ đợi vào tương lai. Vì vậy, TP. Hồ Chí Minh buộc phải đưa giải pháp xây dựng nhiều công trình nhỏ giải quyết ngập như: Thuê lắp máy bơm, dự định xây hồ điều tiết …

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh) đã triển khai thực hiện công tác duy tu, sửa chữa, nạo vét hệ thống thoát nước có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các vị trí thường xuyên bị ngập. Trong đó vận hành 27 trạm bơm với 58 máy bơm cố định và di động (công suất từ 168m/h đến 84.000 m³/h, tổng công suất 302.880 m/giờ) cùng với việc vận hành đồng bộ 5 cống kiểm soát triều lớn (Bình Triệu, Bình Lợi, Rạch Lăng, Rạch Nhảy - Ruột Ngựa, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, vận hành trạm bơm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh để hỗ trợ chống ngập), đảm bảo theo quy trình và an toàn, phát huy hiệu quả chống ngập do triều cường. Nhưng về lâu dài thì dùng máy bơm chống ngập cũng chỉ là giải pháp tình thế, không bền vững bởi các dự án nhà ở cao tầng đều bê tông hoá, nâng nền khu vực xây dựng, dẫn tới nước mưa đổ dồn ra đường rất nhanh, trong thời gian ngắn mà không thoát ra sông.

Đặc biệt, để giải quyết “rốn ngập” Nguyễn Hữu Cảnh, ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật cho biết:"Hiện nay đang sử dụng hệ thống bơm có công suất từ 27.000m/giờ đến 96.000m³/giờ để tăng cường khả năng thoát nước; đồng thời triển khai thi công Dự án sửa chữa đường Nguyễn Hữu Cảnh. Ngoài ra, các tuyến đường xuất hiện tình trạng ngập TP đã và đang triển khai các dự án chống ngập".

Nói về công tác ứng cứu ngập, ông Vũ Văn Điệp cho biết, TP tổ chức vận hành các van ngăn triều đã được lắp đặt tại các cửa xả; vận hành tất cả các trạm bơm cố định để thoát nước; xây dựng các đoạn đê tạm ngăn triều tràn bờ gây ngập…

Ngoài sử dụng máy bơm, hiện có đề xuất sáng kiến nên trang bị lu cho người dân để chống ngập, nhưng giải pháp trang bị lu cho người dân chứa nước để chống ngập là không hiệu quả, bởi vì khi mưa xuống, hàng triệu mét khối nước trút xuống không có lu nào có khả năng chống ngập. Việc làm các công trình hồ điều tiết có vẻ sẽ khả quan hơn.

Về quan điểm này, PGS.TS Hồ Long Phi, nguyên Giám đốc Trung tâm Quản lý nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh cho rằng, để khắc phục ngập, buộc phải sử dụng đến các hồ điều tiết để làm nơi trữ nước tạm thời, đến cơn mưa kết thúc thì bơm từ từ ra kênh rạch, sông ngòi. Đây là cách mà các TP lớn trên thế giới đã làm từ lâu. Đồng thời ông Phi nhấn mạnh, hệ thống thoát nước mới là giải pháp chính để chống ngập do mưa. Vì vậy, để giải quyết ngập triệt để cho TP, song song với việc làm hồ điều tiết, cần giải pháp tổng thể bao gồm việc đầu tư cống thoát nước, cống kiểm soát triều…

Theo quy hoạch thoát nước mưa (Quyết định 752/QĐ-TTg) đến năm 2020, TP. Hồ Chí Minh xây dựng tới 104 hồ điều tiết. Nhưng cho đến giai đoạn này, ngoài hồ điều tiết ngầm thí điểm trên đường Võ Văn Ngân (quận Thủ Đức), tất cả các hồ điều tiết khác vẫn còn nằm trên giấy do vị trí làm hồ điều tiết chưa được các quận, huyện thống nhất và một số hồ khác đang trong giai đoạn tìm vốn, đền bù giải phóng mặt bằng để xây dựng.

 Người dân chung sống với ngập.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, để chống ngập, trước mắt, TP sẽ tập trung thực hiện 8 giải pháp chống ngập: Thứ nhất, rà soát lại toàn bộ quy hoạch 1/2.000 để điều chỉnh cốt nền phù hợp thực tế. Thứ hai, quản lý việc san lấp kênh rạch. Thứ ba, xử lý hành lang lấn chiếm các cửa xả, rác thải, bịt miệng cống thoát nước.. Thứ tư, duy tu, nạo vét cống thoát nước bởi nhiều địa bàn tốc độ đô thị hóa quá nhanh, nhiều con đường không có cống thoát nước, như quận 2, quận 9… nên xảy ra ngập úng khi mưa lớn. Thứ năm, quản lý mốc bờ cao hành lang bảo vệ kênh rạch. Thứ sáu, tăng cường không gian trữ nước, hồ điều tiết. Thứ bảy, giải quyết vướng mắc dự án chống ngập do triều cường. Thứ tám, đưa vào sử dụng các công trình chống ngập.

TP. Hồ Chí Minh đang nỗ lực triển khai các dự án chống ngập, nhưng mức độ hoàn thành vẫn đang là câu hỏi lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành TP phải quyết liệt hơn, không để tình trạng các công trình chống ngập vẫn đang trong cảnh chờ đợi trên giấy hoặc vướng mắc khâu giải phóng mặt bằng…./..

(Còn nữa)

Bài và ảnh: Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực